Thứ Ba, 21/01/2025 01:57 (GMT +7)

Sạt lở ‘bủa vây’ Đồng bằng sông Cửu Long – ‘Hà bá’ rình rập cả vùng

Thứ 2, 30/09/2019 | 09:41:00 [GMT +7] A  A

Đối với bao thế hệ người dân gắn bó với vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long, có lẽ chưa bao giờ có tình trạng bất an, lo sợ như lúc này, khi tính mạng cũng như tài sản, nhà cửa có thể bị “Hà bá” nuốt chửng bất cứ lúc nào.

Ngày 29/8, trên đoạn kênh Rạch Vọp, tại khu vực chợ Cầu Lộ, xã Thới An Hội, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã xảy ra sụp lún làm sạt lở một đoạn dài gần 60 mét, ngang 10m, sâu vào đất liền từ 3 – 5m, làm toàn bộ 7 căn nhà bán kiên cố ven sông bị nhấn chìm xuống sông và 2 căn bị sụt lún. Rất may là không thiệt hại về người. Ước tổng thiệt hại khoảng trên 1 tỷ đồng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Nhà cửa, đất đai “rủ nhau” trôi sông

Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, tình hình sạt lở đất bờ sông, bờ biển có diễn biến phức tạp, ngày càng nghiêm trọng, không ngừng mở rộng quy mô và cường độ, cuốn theo bao nhiêu đất đai, nhà cửa, tài sản của người dân, uy hiếp trực tiếp đến nhiều công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, điện lưới…

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh An Giang liên tục xảy ra các vụ sạt lở đất bờ sông, kênh rạch, khiến hàng trăm gia đình phải tháo dỡ nhà cửa “chạy” sạt lở. Sông Vàm Cái Hố (nhánh trái của sông Hậu) đoạn chảy qua ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới (An Giang) xưa vốn hiền hòa nay bỗng nhiên trở mình hung dữ, kéo đất đai, nhà cửa của hàng chục hộ dân trôi tuột xuống sông.

Đứng bần thần trước căn nhà khóa trái cửa ở phía trong khu vực được cảnh báo sạt lở nguy hiểm, ông Ngô Văn Khâu, ở ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới (An Giang) lau vội những giọt nước mắt trên gương mặt đen sạm. Nơi đây, chỉ hơn 2 tuần trước, gia đình ông Khâu còn sum vầy trong căn nhà của mình – căn nhà mà ông và cả gia đình đã gom góp bao nhiêu năm mới cất xong. Chỉ chớp mắt cái, cả nhà phải dắt nhau đi qua nhà người thân xin ở nhờ vì nhà có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.

Ông Khâu cho biết: “Gia đình tôi ở đây gần 60 năm rồi nhưng đây là lần đầu thấy cảnh sạt lở nguy hiểm như thế này”. Nhà ông nằm cách bờ sông hơn 30 m nhưng hiện tường và nền nhà đã xuất hiện nhiều vết răn nứt lớn hơn ngón tay cái nên cả nhà không ai dám ở hay ngủ lại mà phải qua tá túc nhà người thân. “Năm 2017, thấy cảnh tượng sạt lở khủng khiếp ở Vàm Nao rồi nên giờ thấy chính quyền cảnh báo là bà con di dời ngay, không ai dám mạo hiểm với với “thủy thần”, chỉ cần một vạt đất lở ùm xuống sông là có thể nhấn chìm người và nhà cửa”, ông Khâu tâm sự.

Trước đó, vào ngày 9 và 19/7, tại khu vực ấp An Thị, xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới (An Giang) đã xảy ra hai vụ sạt lở đất bờ sông Vàm Cái Hố (nhánh trái của sông Hậu) với tổng chiều dài hơn 160 m, đe dọa 64 hộ dân, trong đó có 27 hộ dân có nhà cặp ven sông Vàm Cái Hố phải di dời khẩn cấp.

Tương tự, tại tỉnh Kiên Giang, tình trạng sạt lở đất, xói lở bờ biển cũng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân sinh sống quanh khu vực này. Ông Thái Văn Bích, Phó Chủ tịch UBND xã Vân Khánh, huyện An Minh (Kiên Giang) cho biết: Thời gian gần đây, tình hình sạt lở bờ biển khu vực Vàm Kim Quy rất nghiêm trọng, sóng đánh vỡ đứt đoạn đê quốc phòng, tác động trực tiếp đến đời sống, sản xuất của hơn 20 hộ dân tại đây. Do tình trạng sạt lở đang diễn biến phức tạp, xã đã vận động, di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm đến ở tạm nhà người thân để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, hàng trăm hộ dân đang sinh sống trên tuyến đê biển này cũng bị ảnh hưởng, bất lợi. Dự báo khi vào cao điểm của mùa mưa bão, tình hình sạt lở diễn biến rất khó lường. Khó khăn hiện nay của xã là không có đất để di dời các hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tại hiện trường, một số nhà của các hộ dân đã bị sụp lở xuống biển và hiện còn một số hộ nền nhà trong tình trạng sạt lở nhưng chưa di dời. Bà con cất nhà sàn bằng gỗ, cách bờ 20-50 m và đường dẫn từ bờ ra nhà bằng cầu cây gỗ tạm rất nguy hiểm trong mùa mưa bão đang tới.

Ông Trương Quốc Thắng, ấp Kim Quy, xã Vân Khánh lo ngại bởi mỗi khi trời mưa lớn, giông gió, sóng to nổi lên, bà con ở đây rất sợ nhưng bây giờ không biết di dời đi đâu, không đất đai sản xuất, không tiền bạc.

“Nhà tôi hồi đó cất cách biển hơn 200 m nhưng hiện nay đã lở đến chân nền nhà. Nếu tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến nghiêm trọng thì nguy cơ nhà đổ sụp xuống biển khó tránh khỏi, nhất là vào cao điểm của mùa mưa bão,” ông Trương Quốc Thắng chia sẻ.

Để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân khu vực bị ảnh hưởng, cơ quan chức năng các địa phương đã liên tục đưa ra những cảnh báo, tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu vực ảnh hưởng. Thế nhưng rất nhiều người dân vì kế sinh nhai đã bất chấp nguy hiểm, bám trụ lại nơi ở cũ, chấp nhận đối mặt với nguy hiểm rình rập hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Hầu (sinh năm 1953) – một trong 27 hộ dân trong vùng cảnh báo sạt lở nguy hiểm phải di dời khẩn cấp ở ấp An Thị, xã An Thạnh Trung (An Giang) thở dài nói: Nhà ven sông thì luôn sống trong nỗi lo sợ sạt lở, biết vậy mà không tránh đượcvì nghèo, vì đây là quê hương với mồ mả ông, bà, tổ tiên nên không bỏ đi đâu được.

Sinh sống lâu năm ở khu vực sông Vàm Cái Hố, ông Trần Văn Căn (sinh năm 1954) cho biết: Ngày trước, nếu có sạt lở thì cũng chỉ vài mỏm đất nhỏ nằm phía ngoài mép sông bị rơi xuống sông thôi nhưng lần này sạt lở ăn sâu vào cả mấy chục mét, vết nứt chạy dài cả trăm mét; đất ven sông cứ sụp ầm ầm xuống sông. “Sạt lở đất xảy ra nhanh như chớp nhưng dư âm của nó thì dai dẳng cứ như nhát dao cứa vào da thịt những người dân vùng sạt lở”, ông Căn chia sẻ.

Những điểm “nóng”

Chiều 25/9, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường dẫn đầu Đoàn công tác Trung ương kiểm tra công trình chống sạt lở bờ biển Đông và sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Trước diễn biến phức tạp của hiện tượng này, nhất là các tháng 9 và 10 hàng năm được xem là cao điểm của tình trạng sạt lở đất của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, từ đầu tháng 9/2019 đến nay, các địa phương trong vùng như An Giang, Cà Mau, Kiêng Giang, Sóc Trăng, Bến Tre, Long An… đã phải ban bố các quyết định về tình huống khẩn cấp sạt lở bờ biển, bờ sông trên địa bàn.

Cụ thể, tại tỉnh Cà Mau, khu vực bị sạt sở cần áp dụng tình huống khẩn cấp để xử lý gồm gần 25 km cửa biển, bờ biển và hơn 1,5 km bờ sông, trong đó một số khu vực đặc biệt nguy hiểm như xói lở khu vực cửa biển Vàm Xoáy (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) với chiều dài 4,5 km; khu vực xói lở cửa biển Rạch Gốc (thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển), với chiều dài 1,5 km; sạt lở tại khu vực bờ kè khu dân cư trị trấn Năm Căn… Các khu vực sạt gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các khu dân cư sinh sống tập trung, trụ sở các cơ quan làm việc của các địa phương, trường học, trạm y tế, Quốc lộ 1 (đường Hồ Chí Minh).

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, yêu cầu UBND các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi vận động nhân dân di dời tài sản ra khỏi khu vực sạt lở và khu vực có nguy cơ sạt lở nguy hiểm; thông báo, cắm biển cảnh báo, rào chắn không cho phương tiện có tải trọng lớn, người không có trách nhiệm vào khu vực sạt lở; bố trí lực lượng trực canh theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở.

Tại Sóc Trăng, UBND tỉnh cũng đã có các quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển nguy hiểm trên địa bàn. Sóc Trăng có 7 đoạn sạt lở nguy hiểm trên địa bàn 7 huyện, thị, thành phố, trong đó huyện Mỹ Xuyên có đoạn bờ kênh Thạnh Mỹ thuộc ấp Hòa Tần, xã Ngọc Tố; huyện Long Phú có đoạn sạt lở bờ sông Rạch Mọp, rạch Mương Điều, rạch Củi, xã Song Phụng; sông Saintard, xã Long Đức; rạch Mây Hắt, xã Phú Hữu; rạch Vàm Thép, rạch Mây Hắt thuộc xã Hậu Thạnh.

Tỉnh Bến Tre có 4 khu vực bờ sông, bờ biển với chiều dài gần 7 km bị sạt lở cần khẩn cấp xử lý. Đó là xói lở bờ biển khu vực Cồn Ngoài, xã Bảo Thuận (huyện Ba Tri) chiều dài 1,2 km; xói lở bờ biển khu vực Cồn Lợi, xã Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) chiều dài 1,5 km; xói lở bờ biển khu vực xã Thừa Đức (huyện Bình Đại) chiều dài 3 km; sạt lở bờ sông Bến Tre khu vực xã Nhơn Thạnh (thành phố Bến Tre) với chiều dài 1,2 km.

Theo các cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre, hiện toàn tỉnh có 112 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 138 km, trong đó sạt lở bờ biển có 8 điểm, tổng chiều dài khoảng 19 km. Dù tỉnh Bến Tre đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cấp bách để xử lý sạt lở nhưng do sự tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thay đổi dòng chảy đã làm cho tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển tiếp diễn gây ảnh hưởng đến sản xuất, nơi ở của người dân.

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng sạt lở ở Đồng bằng sông Cửu Long, thời gian qua, các Bộ, ngành Trung ương đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây nhất, ngày 23/9, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Theo đó, tiếp theo đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng đoàn cùng với lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ và lãnh đạo địa phương khẩn trương kiểm tra đánh giá về tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển, công tác khắc phục và bảo đảm an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân tại các khu vực bị sạt ở ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trên cơ sở kết quả kiểm tra và các nghiên cứu đánh giá về thực trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sạt lở (đã và đang được thực hiện), các địa phương, ngành chức năng đề xuất giải pháp trước mắt và lâu dài để xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở ven sông, ven biển nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, ổn định đời sống và sản xuất của người dân.

Theo Anh Tuấn – Huy Hải – Công Mạo – Huỳnh Anh (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu