Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 15/01/2025 19:40 (GMT +7)
Sẽ có thêm 14,5 triệu lao động Việt Nam có việc làm vào năm 2025
Thứ 5, 14/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Dự báo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy: khi tham gia vào thị trường ASEAN, số việc làm của Việt Nam đến năm 2025 có thể tăng lên 14,5%.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “Thị trường lao động Việt Nam sau khi thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN” tổ chức sáng 13/1, tại Hà Nội do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với ManpowerGroup tổ chức.
Lao động sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Ảnh: Danh Lam – TTXVN |
Hội thảo nhằm chia sẻ những thông tin liên quan đến thị trường lao động Việt Nam như tiền lương, bảo hiểm, năng suất lao động, trình độ tay nghề… sau khi gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC); thông tin về việc di chuyển tự do của lao động có tay nghề trong 8 ngành nghề cam kết; việc quản lý lao động trong bối cảnh AEC đã chính thức được thành lập.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp nhận định: Ngày 31/12/2015, AEC được thành lập, giúp thị trường lao động trong khối hoạt động sôi động hơn, thúc đẩy tạo việc làm cho từng quốc gia thành viên.
Việt Nam đang có hơn 53 triệu lao động và sẽ có thêm 14,5 triệu lao động khác tìm được việc làm vào năm 2025. Tuy nhiên, với sự phát triển không đồng đều như hiện nay, lao động có kỹ thuật thường di chuyển đến các nước Singapore, Malaysia và Thái Lan…
Số lao động còn lại di chuyển trong ASEAN thường là lao động có trình độ thấp. Điều này, đặt ra thách thức cho Việt Nam trong việc phát triển và ổn định thị trường lao động cũng như quản lý lao động nước ngoài.
Theo kết quả khảo sát đối với những người sử dụng lao động do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) thực hiện, doanh nghiệp trong ASEAN hiện đang lo ngại về tình hình thiếu hụt lao động có tay nghề và kỹ năng sau khi AEC đi vào hoạt động.
Khoảng 50% những người sử dụng lao động trong ASEAN nhận định: người lao động phổ thông không có được kỹ năng doanh nghiệp cần và các kiến thức, năng lực của những người tốt nghiệp cao đẳng, đại học nhận được ở nhà trường vẫn còn một khoảng cách lớn so với kiến thức, năng lực mà người sử dụng lao động cần.
Lợi ích đáng chú ý của việc ra đời AEC là việc di chuyển tự do của lao động có kỹ năng. Việc di chuyển này được thực hiện khi mà trình độ của những lao động này được công nhận trong các nước thành viên ASEAN. Những thỏa thuận này giúp người lao động có kỹ năng hoặc kinh nghiệm phù hợp sẽ được chứng nhận đi làm việc ở nước ngoài tự do.
Hiện nay, có 8 lĩnh vực đã được thỏa thuận sẽ tự do di chuyển khi được công nhận trình độ lẫn nhau. Đây là con số nhỏ và trong tương lai có thể mở rộng ra những ngành nghề khác. Việc di cư lao động có kỹ năng vừa và thấp có khả năng tiếp tục gia tăng và phải qua các thỏa thuận cấp chính phủ.
Đứng trước bối cảnh đó, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực, hỗ trợ quá trình di chuyển tự do của lao động có kỹ năng; quản lý lao động ở nước ngoài… là những vấn đề được các cơ quan chính phủ, các nhà hoạt động chính sách và cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm.
Để chia sẻ thịnh vượng chung và đảm bảo việc làm tốt hơn trong thời gian tới, nhiều đại biểu cho rằng cần tăng cường kết nối trong khu vực ASEAN và ngoài khu vực; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động hiệu quả, tận dụng các lợi thế cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục, phát triển kỹ năng, gắn với nhu cầu thị trường, đảm bảo tiêu chuẩn trình độ chung; tổ chức quản lý tốt thị trường lao động…
Một trong những nội dung được hội thảo quan tâm, thảo luận, đó là việc quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam. Ông Lê Quang Trung, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị trong thời gian tới cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ việc làm cho lao động Việt Nam, sử dụng có hiệu quả lao động nước ngoài có trình độ chuyên môn kỹ thuật mà lao động Việt Nam chưa đáp ứng được, phù hợp với các cam kết quốc tế.
Đồng thời cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xác định trách nhiệm và sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc quản lý lao động ngoài nước, thực hiện nghiêm túc việc cấp giấy phép lao động; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm…
Ý kiến ()