Thứ Ba, 14/01/2025 17:31 (GMT +7)

Siết quản ‘hộp đen’, xe kinh doanh vận tải hết cửa vi phạm?

Thứ 3, 20/04/2021 | 15:02:00 [GMT +7] A  A

Hàng trăm nghìn xe kinh doanh vận tải vi phạm không truyền dữ liệu hoạt động qua thiết bị giám sát hành trình (hộp đen) về các cơ quan quản lý Nhà nước, báo động tình trạng nhờn luật, mất an toàn giao thông và cần phải siết chặt, xử lý nghiêm.

Nhờn luật

Thống kê của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, trong 4 tháng (từ 1/10/2020 – 31/1/2021) có hơn 366.300 xe kinh doanh vận tải thuộc các doanh nghiệp vận tải vi phạm không truyền dữ liệu từ hộp đen về Tổng cục Đường bộ Việt Nam theo quy định, vi phạm các lỗi về tốc độ, thời gian làm việc của lái xe và công tác truyền dữ liệu.

Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra các thiết bị an toàn trên xe khách

Trong đó, tổng số xe vi phạm về tốc độ là hơn 3.700, vi phạm về thời gian làm việc của lái xe là gần 90.300 xe và hơn 272.200 xe không truyền dữ liệu từ 10 ngày trở lên…

Trước đó, qua khai thác dữ liệu từ hệ thống thông tin, khai thác và sử dụng dữ liệu hộp đen của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, chỉ trong tháng 1/2021 đã có 56 đơn vị với tổng cộng 100 xe vi phạm về tốc độ; 1.713 đơn vị với 10.618 xe vi phạm về thời gian làm việc của lái xe; 4.112 đơn vị với 17.054 xe vi phạm về truyền dữ liệu…

Thực tế này buộc Sở GTVT Hà Nội phải ra văn bản yêu cầu các đơn vị hoạt động kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm trước ngày 11/2/2021 phải báo cáo về Sở GTVT việc sử dụng, khắc phục hộp đen bị lỗi không truyền dữ liệu theo quy định; chấn chỉnh các lái xe thường xuyên vi phạm tốc độ, thời gian làm việc của lái xe và trách nhiệm trong quản lý, theo dõi an toàn giao thông của doanh nghiệp vận tải.

“Các đơn vị cung cấp hộp đen cũng cần khẩn trương phối hợp, hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã ký hợp đồng cung cấp và duy trì dịch vụ truyền dữ liệu hộp đen của các phương tiện theo quy định, phối hợp Thanh tra Sở GTVT đề xuất xử phạt vi phạm”, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội yêu cầu.

Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Nghị định 10/2020/CP quy định dữ liệu từ hộp đen phải được truyền dẫn liên tục về hệ thống giám sát của Tổng cục các thông tin hành trình, tốc độ vận hành, thời gian lái xe… Sau đó, hệ thống này tiếp nhận, phân tích và cung cấp công cụ giám sát trực tuyến trên bản đồ số toàn bộ phương tiện trên toàn quốc theo thời gian thực. Hệ thống cung cấp công cụ để phân loại trạng thái của phương tiện đảm bảo dễ dàng trong quá trình theo dõi, giám sát.

Tổng kiểm tra hộp đen, xử nghiêm vi phạm

Trước thực tế trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai đợt tổng kiểm tra (từ ngày 15/4-15/7) chấn chỉnh, xử lý vi phạm về lắp đặt, truyền dữ liệu từ hộp đen của toàn bộ xe ô tô kinh doanh vận tải khách, hàng hóa trên toàn quốc, nhằm chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm về lắp đặt, khai thác, sử dụng dữ liệu, không truyền dữ liệu từ hộp đen.

Siết quản ‘hộp đen’, xe kinh doanh vận tải hết cửa vi phạm?

Qua tìm hiểu, khi có hộp đen, doanh nghiệp kinh doanh vận tải nắm bắt được hoạt động của phương tiện 24/24 giờ, giám sát lộ trình xe chạy, quản lý các điểm đón trả khách, quản lý lái xe, quản lý nhiên liệu, giám sát được tốc độ xe chạy, thời gian xe chạy, hành trình xe chạy… để kịp thời chấn chỉnh hành vi của lái xe; đồng thời, tối ưu hoá hành trình chạy xe, hạn chế tình trạng xe chạy rỗng, tiết kiệm nhiên liệu, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Đây cũng là công cụ hữu hiệu để phục vụ lực lượng Thanh tra giao thông, CSGT kiểm tra, truy xuất dữ liệu phương tiện trong quá trình kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe.

Theo thống kê, từ khi đưa vào khai thác, tỷ lệ vi phạm tốc độ tính bình quân trên 1.000 km giảm mạnh, từ 11,5 lần/1.000 km năm 2015 xuống còn 0,32 lần/1.000 km năm 2020, giảm khoảng 36 lần, trong khi số lượng phương tiện hiện nay tăng gấp 8 lần so với năm 2015.

Trao đổi về vi phạm hộp đen, bà Phan Thị Thu Hiền cho hay, hộp đen kiểm soát tốc độ, thời gian lái xe. Tuy nhiên, vẫn còn không ít doanh nghiệp vận tải, lái xe thực hiện đối phó. Thậm chí, một bộ phận lái xe, chủ xe có nhiều mánh khóe sử dụng công tắc hoặc đấu nối dây điện để tắt thiết bị, sử dụng thiết bị phá sóng để vô hiệu hóa hộp đen. Nghị định 100/2019 đã quy định rõ các hình thức xử phạt vi phạm về hộp đen đối với lái xe và doanh nghiệp vận tải.

Cụ thể, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe tham gia kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách có gắn hộp đen, nhưng thiết bị không hoạt động theo quy định hoặc sử dụng biện pháp kỹ thuật, trang thiết bị ngoại vi, các biện pháp khác làm sai lệch dữ liệu hộp đen. Ngoài ra, lái xe còn bị tước bằng lái 1-3 tháng. Phạt tiền từ 5-6 triệu đồng đối với cá nhân, từ 10-12 triệu đồng đối với doanh nghiệp không cung cấp, cập nhật, truyền, lưu trữ, quản lý các thông tin từ hộp đen; không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu truy cập vào phần mềm xử lý dữ liệu từ hộp đen của các xe ô tô thuộc đơn vị tới cơ quan có thẩm quyền…

Theo quy định tại Thông tư 09/2015 của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã cấp 146 tài khoản cho Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia, 63 Sở GTVT tỉnh, thành phố, các bến xe để khai thác, kiểm tra, giám sát, sử dụng dữ liệu, phục vụ quản lý vận tải tại địa phương và tra cứu các phương tiện trong toàn quốc. Tổng cục cũng đã cung cấp tài khoản truy cập vào hệ thống để chia sẻ dữ liệu cho CSGT theo dõi, kiểm tra trong quá trình tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm trên đường, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

“Việc xác định xe vận tải vi phạm không khó. Nếu kiểm soát chặt việc truyền dữ liệu, cơ quan quản lý sẽ biết xe nào không phải tuyến cố định, nhưng đón trả khách lặp đi, lặp lại tại một điểm… Việc đối diện mức phạt nặng cũng sẽ khiến nhiều lái xe, doanh nghiệp vận tải sử dụng mánh khóe để đối phó, không truyền dữ liệu e ngại…”, bà Phan Thị Thu Hiền khẳng định.

Bài, ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/kinh-te/siet-quan-hop-den-xe-kinh-doanh-van-tai-het-cua-vi-pham-20210420070555188.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu