Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 21/01/2025 00:02 (GMT +7)
Singapore soán ngôi Mỹ thành nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới
Thứ 5, 10/10/2019 | 09:22:00 [GMT +7] A A
Singapore đã đánh bật Mỹ khỏi vị trí dẫn đầu trong Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF).
Singapore giành được 84,8 điểm trên thang 100 của WEF. Ảnh: Strait Times
Chỉ số cạnh tranh toàn cầu, do WEF công bố ngày 9/10, đánh giá toàn diện năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế, được tính bằng các yếu tố như ổn định kinh tế vĩ mô, cơ sở hạ tầng, thị trường lao động và năng lực đổi mới.
Kênh CNN cho hay Singapore đã hạ bệ Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, xuống vị trí thứ hai trong bảng xếp hạng năm nay, nhờ “ghi điểm” mạnh trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, y tế, thị trường lao động và hệ thống tài chính. Tuy nhiên, báo cáo cũng lưu ý rằng, dù bị Singapore vượt mặt trên bảng xếp hạng chung, song Mỹ vẫn là một cường quốc trong lĩnh vực đổi mới.
Theo WEF, Singapore và Việt Nam là hai quốc gia châu Á có màn bứt phá mạnh mẽ trong năm nay. Báo cáo đánh giá Việt Nam và Singapore “dường như được hưởng lợi từ các căng thẳng thương mại toàn cầu thông qua chuyển hướng (tái định hướng) thương mại”. So với năm 2018, Việt Nam đã nhảy 10 bậc, lên vị trí thứ 67 trong bảng xếp hạng gồm 141 nền kinh tế.
Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 36% trong 5 tháng đầu năm 2019, trong bối cảnh các công ty quốc tế bắt đầu chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á để tránh bị đánh thuế cao – một hệ quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Tuy vậy, thương chiến không phải là một chiến thắng rõ ràng với Singapore – đất nước vốn phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu, đồng thời coi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất.
Singapore đã hạ dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tháng 8 vừa qua, sau khi ghi nhận sụt giảm lớn hoạt động kinh tế trong quý hai 2019. “Đảo quốc Sư tử” sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng hàng năm yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009 tới nay.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), Hà Lan và Thụy Sĩ lần lượt đứng trong tốp 5 của bảng xếp hạng. Hong Kong đã tăng 4 bậc so với năm ngoái, bất chấp các cuộc biểu tình đang gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế. Trung tâm tài chính này đã nhận được mức điểm cao nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính, song không thể hiện được tiềm năng đổi mới.
Báo cáo WEF cảnh báo tình trạng căng thẳng địa chính trị và thương mại leo thang đang gây ra bất ổn khắp thế giới. “Tình trạng này kìm hãm hoạt động đầu tư và làm tăng nguy cơ về các cú sốc đối với nguồn cung: sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả tăng phi mã hoặc gây gián đoạn các nguồn lực chủ chốt”, báo cáo viết.
Ngày 8/10, tân Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo các cuộc cạnh tranh thương mại căng thẳng đang làm suy yếu kinh tế toàn cầu và mức tăng trưởng kinh tế có thể rơi xuống thấp nhất trong gần 10 năm qua.
Trong bài phát biểu đầu tiên với vai trò của người đứng đầu IMF, bà Georgieva cho hay nghiên cứu mới nhất của IMF cho thấy các cuộc chiến thương mại đang khiến kinh tế thế giới rơi vào tình trạng “giảm tốc đồng loạt” và điều này cần phải được giải quyết. Bà nhấn mạnh đối đầu thương mại đang lan rộng, do đó các quốc gia cần đồng lòng ứng phó.
Theo nghiên cứu mới của IMF, những tác động tích tụ từ các cuộc xung đột thương mại có thể khiến kinh tế toàn cầu mất đi 700 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 0,8% GDP, cao hơn so với dự báo trước đây.
Ý kiến ()