Thứ Bảy, 28/12/2024 18:00 (GMT +7)

Sinh động lễ hội Làm Chay tại Long An

Thứ 2, 13/02/2017 | 16:15:00 [GMT +7] A  A
Đã đăng vào 13/02/2017 lúc 16:15

Đúng 24 giờ ngày 12/2 (16 tháng Giêng Đinh Dậu), hàng nghìn người dân địa phương và du khách cùng tham gia nghi thức xô giàn thí thực, tranh nhau các lễ vật.

Đây là nghi thức náo nhiệt nhất cũng là nghi thức kết thúc mùa lễ hội Làm Chay được tổ chức hàng năm tại đình Tân Xuân (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An).

Lễ hội Làm Chay là lễ hội truyền thống đậm chất nhân văn đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, được tổ chức từ ngày 14 -16 tháng Giêng hàng năm. Mỗi năm lễ hội thu hút hàng chục nghìn lượt người dân trong khu vực và du khách đến tham dự.

Ông Ngô Minh Đa, Phó Ban tổ chức lễ hội cho biết: Lễ hội Làm Chay đã có trên 100 năm, bắt nguồn từ sự kiện thực dân Pháp xử bắn hai đồng chí yêu nước là Đỗ Tường Tự, Đỗ Tường Phong và không cho tổ chức tang lễ.

Nhân dịch bệnh hoành hành mùa màng cùng thời điểm, nhân dân thị trấn Tầm Vu mượn cơ hội làm trai đàn để xua đuổi côn trùng phá hoại mùa màng, vừa làm lễ trai đàn cho các đồng chí. Lễ hội còn cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, người dân làm ăn thuận lợi.

Từ khoảng 22 giờ ngày 12/2, dù chưa đến giờ xô giàn nhưng hàng nghìn người đã tập trung về chật cứng các con đường xung quanh khu vực đình Tân Xuân.

Theo nghi lễ, đúng 24 giờ, các nhà sư kết thúc đọc kinh, hình nộm ông Tiêu (Tiên Diện Đại Sĩ) được đốt cháy, những người tham gia lễ hội xô ngã hàng rào, tràn vào tranh nhau các cỗ bánh, trái cây nhằm tìm chút lộc đầu năm. Theo quan niệm của người dân địa phương, nếu ai lấy được chiếc lưỡi của ông Tiêu thì sẽ giành phần may mắn nhất.

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc cả ở phần lễ và phần hội như: Lễ thỉnh Tiêu Diện Đại Sĩ, khai Kinh Luân đàn, nghi thức chiêu u, viếng mộ liệt sĩ, đánh động quỷ, xô giàn, biễu diễn múa lân, các trò chơi dân gian…

Các hoạt động này diễn ra trong suốt thời gian của lễ hội, thu hút rất đông người tham dự, tạo nên không khí huyên náo khắp các đường phố của thị trấn Tầm Vu và các xã lân cận. Đối với người dân địa phương, Lễ hội Làm Chay được xem như là ngày Tết thứ hai sau Tết Nguyên đán.

Bùi Giang (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu