Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 17/11/2024 14:34 (GMT +7)
Số ca nhiễm mới hàng ngày của cả nước đang giảm mạnh, giai đoạn chống dịch mới linh hoạt hơn
Thứ 6, 15/10/2021 | 09:39:00 [GMT +7] A A
Những ngày gần đây, số ca nhiễm mới SARS-CoV-2, số ca bệnh nặng, số người tử vong liên tục giảm; đời sống của người dân dần trở lại bình thường, các biện pháp chống dịch đã được các địa phương áp dụng một cách linh hoạt hơn.
Người dân tham gia giao thông trong điều kiện đảm bảo phòng dịch COVID-19. Ảnh: TTXVN
Số ca nhiễm mới giảm nhanh
Ngày 12/10, ngày đầu tiên Việt Nam ghi nhận số ca dương tính mới SARS-CoV-2 dưới 3.000 ca sau suốt 90 ngày liên tục ghi nhận số ca mắc cao. Tuy có sự lên xuống số ca mắc những ngày gần đây nhưng sự biến động không nhiều, xu hướng chung vẫn là đường đồ thị đi xuống.
Cũng trong 10 ngày gần đây, số ca nhiễm mới, số ca bệnh nặng, số người tử vong liên tục giảm. Theo thống kê của Bộ Y tế, đến sáng 14/10, Việt Nam đã chữa khỏi cho tổng số 787.268 bệnh nhân COVID-19. Trong số các trường hợp đang điều trị, chỉ còn gần 700 ca COVID-19 phải thở máy và ECMO.
Dịch COVID-19 đang có dấu hiệu “lắng” xuống khi số ca mắc đã giảm sâu. Nhìn vào biểu đồ theo dõi ca nhiễm mới trong tháng qua cho thấy, đường hiển thị số ca mắc mới đang đi xuống rất nhanh.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, giai đoạn được cho là căng thẳng nhất của đợt dịch thứ 4 là khoảng từ 23/8 đến hết tháng 9; chưa bao giờ số ca mắc lên tới hàng chục nghìn, tỷ lệ tử vong, có ngày lên đến 340 ca, số lượng người trở nặng vào viện rất lớn như vậy. Trong giai đoạn này, chiến lược xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm đã được thực hiện, nhờ đó, số ca mắc mới được phát hiện sớm nhất, để có các biện pháp quản lý, điều trị phù hợp.
Đợt dịch thứ tư với sự xuất hiện của biến chủng Delta có tốc độ lây lan mạnh khiến số mắc và số tử vong tăng cao. Nếu thời điểm cuối tháng 8, đầu tháng 9, số mắc thường ở mức hơn 10 nghìn ca mỗi ngày thì những ngày gần đây số ca mắc chỉ trên dưới 3.000 ca/ngày. Số người mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh cũng tăng cao, có những ngày số ca khỏi bệnh nhiều gấp hơn 5 lần số mắc mới. Ở giai đoạn cao điểm có những ngày số người chết lên đến hơn 300 trường hợp thì đến nay đã giảm dưới 100 ca/ngày; riêng ngày 14/10 có 81 ca tử vong.
Theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) các biện pháp được coi là trụ cột trong cuộc chiến chống COVID-19 là: Triển khai cách ly F1 tại nhà để giảm áp lực rất lớn cho các cơ sở cách ly tập trung và nhất là giảm lây nhiễm chéo tại chính các cơ sở cách ly tập trung; thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 theo mô hình tháp ba tầng, thực hiện phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2; thực hiện cách ly, theo dõi, chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà với các biện pháp điều trị tại nhà ở khu vực tâm dịch như TP Hồ Chí Minh; thành lập các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19; huy động các lực lượng đến hỗ trợ các tỉnh miền Nam chống dịch… Việc triển khai các biện pháp này đã góp phần từng bước kiểm soát được dịch.
Nhận định về tình hình dịch hiện nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá: Về mặt y tế, đến nay, cơ bản chúng ta đã vượt qua giai đoạn “đen tối”. Sự tích cực vào cuộc của các lực lượng đã góp phần kiểm soát dịch trong thời gian ngắn, tạo tiền đề đem lại trạng thái bình thường mới. Hiện TP Hồ Chí Minh đã chuyển sang thực hiện Chỉ thị 18, các tỉnh thành cũng bắt đầu nới lỏng. Đây là những tín hiệu rất khả quan.
Linh hoạt chống dịch trong điều kiện mới
Trước tình hình điểm nóng dịch tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đang dần được kiểm soát, với quan điểm chấp nhận không theo đuổi mục tiêu “không COVID-19” nhưng vẫn đảm bảo phòng chống dịch; trong điều kiện mới, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128 hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Trong đó, đánh giá cấp độ dịch theo 4 cấp, các tiêu chí gồm số ca nhiễm mới tại cộng đồng, độ bao phủ tiêm vaccine và khả năng thu dung, điều trị của các tuyến.
Các địa phương sẽ tạm thời không áp dụng quy định của Chỉ thị 15, 16, 19. Hiện Bộ Y tế cũng đã ban hành hướng dẫn thích ứng an toàn với đại dịch, trong đó có hướng dẫn về việc đi lại, xét nghiệm, điều trị để các địa phương có thể áp dụng triển khai.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, điều này đã đáp ứng với tình hình phòng chống dịch COVID-19 mới hiện nay. Việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của đất nước; bảo đảm người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất.
Theo đó, đây cũng là cơ sở để đánh giá nguy cơ dịch bệnh, không chỉ dựa trên số ca bệnh mà dựa vào cả các chỉ số như tỷ lệ tiêm chủng, khả năng đáp ứng của hệ thống điều trị như đủ giường bệnh cho bệnh nhân phải nhập viện, những nguồn lực cần có cho các tuyến với mô hình tháp 3 tầng để bệnh nhân được can thiệp y tế kịp thời, giảm ca mắc nặng và tử vong… Từ đó sẽ có biện pháp hợp lý nhất để vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa triển khai các hoạt động kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội…
Trong bối cảnh mới, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho rằng: “Tình hình dịch bệnh như hiện nay, có thể trong cộng đồng vẫn xuất hiện các nhiễm bất cứ lúc nào; nhưng không vì thế mà ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, giao thương phát triển kinh tế. Về việc phong toả khi phát hiện ca bệnh, cần có biện pháp phù hợp, không thể phong toả cả một xóm ở khu vực nông thôn, khi các gia đình ở cách xa nhau. Những trường hợp như vậy chỉ cần phong toả tại gia đình đó, và phải áp dụng linh hoạt”.
Theo đó, dịch COVID-19 chỉ lây truyền qua tiếp xúc gần, nên quan trọng nhất là người dân phải tuân thủ 5K, nhất là đeo khẩu trang phòng bệnh. Hiện tại, tỷ lệ tiêm vaccine đã nhiều nhưng người dân vẫn phải chủ động phòng bệnh khi các hoạt động đi lại, giao thương được “mở cửa”.
Theo đó, thời gian tới, kể cả khi vaccine được bao phủ, người dân cần tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch; bởi vaccine chỉ giúp giảm tỷ lệ trở nặng, chứ không phải tránh được lây nhiễm.
Tạ Nguyên/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/y-te/so-ca-nhiem-moi-hang-ngay-cua-ca-nuoc-dang-giam-manh-giai-doan-chong-dich-moi-linh-hoat-hon-20211014220619750.htm
Ý kiến ()