Chủ Nhật, 12/01/2025 03:00 (GMT +7)

Sơ kết 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá: Vẫn khó xử lý vi phạm

Thứ 6, 15/11/2019 | 10:34:00 [GMT +7] A  A

Ngày 14/11, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương đã dự Hội nghị.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá khách quan, toàn diện thực tiễn 5 năm thi hành Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá ở Trung ương và địa phương, xác định những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân. Đồng thời, kiến nghị các giải pháp bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về phòng, chống tác hại của thuốc lá; các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong thời gian tới.

Nhiều chuyển biến trong nhận thức và hành vi

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá được Quốc hội thông qua ngày 18/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013.

Báo cáo Sơ kết 5 năm thi hành Luật, Phòng chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế cho biết, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác tuyên truyền được thực hiện cho nhiều đối tượng với nội dung đa dạng, qua nhiều kênh và hình thức khác nhau. Hầu hết, các bộ, ngành đã triển khai sâu rộng hoạt động truyền thông lồng ghép vào lĩnh vực phụ trách.

Truyền thông đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi của công chức, viên chức, người lao động, người dân về thực hiện quy định cấm hút thuốc tại nơi công cộng và nơi làm việc. Nghiên cứu đánh giá hằng năm đối với các chiến dịch truyền thông của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá thực hiện trong giai đoạn 2014-2018 chỉ ra năm 2018 cho thấy, 92% những người được hỏi tin rằng tiếp xúc với thuốc lá thụ động gây ra các bệnh về phổi (so với 86% vào năm 2016). 96% người được hỏi trả lời rằng quan tâm đến sức khỏe của con cái khi hút thuốc gần con mình; 93% người đề nghị mọi người nên yêu cầu người hút thuốc không hút thuốc gần người khác và 96% cho biết mọi người nên yêu cầu người hút thuốc không hút thuốc khi ở gần trẻ em.

Theo đánh giá chung của các cơ quan Trung ương và địa phương, trung bình trên 90% lãnh đạo bộ, các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu biết về quy định của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, các quy định về nơi làm việc không khói thuốc.

Tuy nhiên, công tác truyền thông còn những hạn chế như: Việc bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế. Bên cạnh đó, hoạt động phổ biến, tuyên truyền ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thường xuyên, chưa liên tục, nội dung chưa hấp dẫn, đa dạng. Việc tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn do điều kiện địa lý, ngôn ngữ, văn hóa…

Xử phạt hành vi vi phạm chưa nghiêm

Theo đánh giá, việc tổ chức địa điểm cấm hút thuốc đã được triển khai ở hầu hết các địa điểm theo Điều 11 của Luật Phòng chống tác hại thuốc lá, bao gồm: Nơi làm việc; Cơ sở y tế; Cơ sở giáo dục, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng, vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em; Quán bar, karaoke, vũ trường, khách sạn và cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng; và các phương tiện giao thông công cộng.

Bộ Y tế, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương đã triển khai xây dựng các mô hình địa điểm không khói thuốc như “thành phố du lịch không khói thuốc – thành phố Hạ Long, Nha Trang, Hội An, Vũng Tàu”, “khách sạn, nhà hàng không khói thuốc”, “điểm du lịch không khói thuốc – 30 điểm du lịch quận Hoàn Kiếm”, “cơ sở y tế không khói thuốc”, “trường học không khói thuốc”. Các sáng kiến về thực hiện mô hình không khói thuốc cũng được triển khai ở cơ sở như sự tham gia của người cao tuổi ở Thái Bình và Đồng Tháp, xây dựng địa điểm thi đấu thể thao trong nhà không khói thuốc lá của Trung tâm Doping và Y học thể thao – Tổng cục Thể thao…

Theo khảo sát của đoàn đánh giá ở 7 tỉnh, một số địa điểm có số lượng biển cấm, vị trí đặt biển, kích thước biển còn chưa phù hợp, khó quan sát. Chế tài xử phạt vi phạm hành chính về địa điểm cấm hút thuốc lá chưa đủ nghiêm khắc; lực lượng xử phạt mỏng.

Việc thực hiện môi trường không khói thuốc còn gặp khó khăn do hành vi hút thuốc diễn ra nhanh, khó bắt tận tay. Phản ứng của người hút thuốc lá nhiều lúc gay gắt. Các địa điểm cấm hút thuốc lá thường không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở và không có thẩm quyền xử phạt. Các trường cao đẳng, đại học chỉ cấm hút thuốc lá trong nhà, cho phép hút thuốc lá trong khuôn viên nên vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc lá tại các khu vực ít người qua lại như ban công, hành lang, cầu thang, căng tin…

Việc thực hiện môi trường không khói thuốc ở địa điểm nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú du lịch còn nhiều hạn chế. Đây là những địa điểm còn tình trạng vi phạm phổ biến nhất.

Nhiều hình thức hỗ trợ người cai nghiện thuốc lá

Đến nay, cả nước đã có một mạng lưới tổ chức hoạt động cai nghiện thuốc lá quốc gia gồm 24 bệnh viện, trong đó có những bệnh viện chuyên khoa có liên quan đến các bệnh có sử dụng thuốc lá và có lượng bệnh nhân lớn. 10 bệnh viện đã xây dựng kế hoạch hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá hằng năm như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam Cu Ba Đồng Hới, Bệnh viện E, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ.

Trong đó, đơn vị hỗ trợ kỹ thuật cho mạng lưới tổ chức hoạt động cai nghiện quốc gia là Bệnh viện Bạch Mai. Các bệnh viện sử dụng tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí để tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá thông qua điện thoại và tại phòng tư vấn bằng các phương pháp của y học cổ truyền. Tại tổng đài Bệnh viện Bạch Mai, 84,1% người được tư vấn tham gia đánh giá hài lòng với những thông tin và những lời khuyên được nhận từ tổng đài và 87,8% hài lòng với nhân viên tư vấn. Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương tiến hành nghiên cứu sử dụng phương pháp điều trị nhĩ trâm kết hợp xoa bóp bấm huyệt và tư vấn cai nghiện thuốc lá, tỷ lệ cai thuốc lá là 67,2% đạt tốt và 5% đạt khá.

Từ năm 2015-2018, dựa trên số liệu báo cáo của 6 bệnh viện, tổng số đã có 5.218 lượt tư vấn tại phòng tư vấn cai nghiện và tại các khoa lâm sàng, 44.591 lượt tư vấn qua tổng đài tư vấn. Bên cạnh đó, các bệnh viện đã thực hiện chương trình cai thuốc lá chủ động nhằm hỗ trợ tư vấn định kỳ cho các bệnh nhân tư vấn và theo dõi quá trình cai thuốc lá, 842 bệnh nhân đã cai nghiện thuốc lá thành công trên 1 năm.

Tuy vậy, hoạt động cai nghiện thuốc chủ yếu mới được triển khai ở bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Người dân ở tuyến dưới và cộng đồng vẫn chưa được tiếp cận nhiều nên kết quả chưa cao.

Bên cạnh đó, hoạt động cai nghiện thuốc lá còn khó khăn về cơ chế, kinh phí thực hiện. Đội ngũ bác sỹ còn thiếu về số lượng và quá tải trong hoạt động chuyên môn nên thời gian bố trí cho hoạt động tư vấn cai nghiện tại bệnh viện còn hạn chế.

Thời gian tới, để hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đạt kết quả tốt hơn, Bộ Y tế kiến nghị, xem xét đưa các loại thuốc lá điện tử vào loại hàng cấm kinh doanh và tiêu dùng; tăng thuế đối với thuốc lá; sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt trong đó tăng thuế đối với thuốc lá… Đồng thời, tiếp tục tăng cường công tác giáo dục truyền thông về tác hại thuốc lá và các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá, ưu tiên các hoạt động truyền thông ngăn ngừa việc sử dụng thuốc lá trong giới trẻ. Mặt khác, có biện pháp kiểm soát việc quảng cáo sản phẩm thuốc lá, đặc biệt là sản phẩm thuốc lá mới trên môi trường mạng, youtube, mạng xã hội, facebook…

Dịp này, Bộ Y tế trao Bằng khen tặng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tác hại của thuốc lá.

Theo Bích Thủy (TTXVN)
https://baotintuc.vn/xa-hoi/so-ket-5-nam-thi-hanh-luat-phong-chong-tac-hai-thuoc-la-van-kho-xu-ly-vi-pham-20191114174250299.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu