Thứ Sáu, 15/11/2024 22:26 (GMT +7)

Số người mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội có dấu hiệu chững lại

Thứ 7, 19/08/2017 | 09:05:00 [GMT +7] A  A

Trong 4 ngày gần đây, tại Hà Nội đã giảm được hơn 500 ca mắc sốt xuất huyết.

Hà Nội ghi nhận 17.365 người mắc SXH, 7 trường hợp đã tử vong

Ngày 18/8, báo cáo tại Hội nghị giao ban Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh thành phố Hà Nội, nhằm tăng cường chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, tính từ đầu năm đến ngày 17/8, Hà Nội đã ghi nhận 17.365 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, 7 trường hợp đã tử vong.

Đáng chú ý, vài ngày gần đây số mắc mới đã có xu hướng chững lại, không tăng nhanh như các tuần trước. Cụ thể, ngày 14/8 có 3.076 bệnh nhân, ngày 15/8 có 2.635 bệnh nhân, ngày 16/8 có 2.588 bệnh nhân, ngày 17/8 có 2.575 bệnh nhân. Như vậy, trong 4 ngày gần đây, số người mặc sốt xuất huyết đã giảm được 501 bệnh nhân.

so nguoi mac sot xuat huyet o ha noi co dau hieu chung lai hinh 1
Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Thanh Long cho biết, sốt xuất huyết là bệnh đang có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn cầu

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để phòng chống dịch sốt xuất huyết, Hà Nội đã có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền từ Thành ủy, UBND thành phố đến các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn.

Cụ thể, 584/584 xã phường thuộc 30 quận, huyện, thị xã đã thành lập được hơn 26.000 đội xung kích diệt bọ gậy, 4.600 tổ giám sát phòng, chống dịch sốt xuất huyết với hơn 73.200 người tham gia cùng với các đơn vị chức năng triển khai nhiều chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hoá chất phòng chống dịch sốt xuất huyết.

Nhờ quyết liệt trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay thành phố Hà Nội đã ghi nhận 2.112 ổ dịch sốt xuất huyết nhưng đến nay 1.468 ổ dịch đã được khống chế, chiếm 69,5%. Dù nhiều ổ dịch nhưng hầu hết là ổ dịch nhỏ, 80% ổ dịch chỉ có 1-2 bệnh nhân, 15% ổ dịch có 3-5 bệnh nhân, chỉ có 107 ổ dịch từ 6 bệnh nhân trở lên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Thanh Long cho biết, sốt xuất huyết là bệnh đang có xu hướng gia tăng trên phạm vi toàn cầu, hàng năm số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận rải rác và thường bắt đầu gia tăng từ tháng 7, tháng 8, sau đó tăng mạnh trong tháng 9, 10 và 11. Nhưng năm 2017, ở Việt Nam dịch đến sớm từ đầu tháng 5 và gia tăng nhanh trong các tháng 6, tháng 7 và tháng 8.

Trong thời gian tới, diễn biến dịch vẫn còn rất phức tạp, chưa thể dự báo trước được điều gì, nhất là khi thời tiết mưa nhiều như hiện nay, các ổ bọ gậy, loăng quăng phát triển lại rất nhanh.

Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Thanh Long cho rằng, Hà Nội cần chỉ đạo quyết liệt, có cách làm tổng thể hơn, một mình ngành Y tế không thể giải quyết được hết, cần huy động tất cả các cấp, các ngành vào cuộc và phải coi đây là nhiệm vụ của mình.

Đặc biệt, các cấp, các ngành của Hà Nội cùng huy động người dân trực tiếp bắt tay vào diệt loăng quăng, bọ gậy, không được bỏ sót dụng cụ chứa nước nào để bọ gậy tái sinh; phải mỗi tuần làm 1 lần, tiêu diệt hết bọ gậy; đồng thời, các sở, ngành của Hà Nội cần tích cực tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức tự phòng vệ cho cá nhân, tự bảo vệ bằng cách dùng thuốc xịt muỗi, vệ sinh nở ở, có thói quen ngủ màn…

so nguoi mac sot xuat huyet o ha noi co dau hieu chung lai hinh 2
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Ngô Văn Qúy phát biểu tại hội nghị

Kết luật Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Ngô Văn Qúy ghi nhận công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết bước đầu có kết quả, tuy nhiên sự vào cuộc một số ngành, đơn vị còn tích cực, quyết liệt; tỷ lệ phun hóa chất trên địa bàn thành phố chưa triệt để, vẫn còn 5% số hộ chưa thực hiện, không hợp tác…

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp với các địa phương phát video, clip tới người dân về phòng, chống sốt xuất huyết. Đồng thời, đề nghị các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền bằng nhiều cách khác nhau nhằm hướng dẫn người dân phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả nhất.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý đề nghị, Sở Y tế và các đơn vị tiếp tục phun hóa chất trên địa bàn thành phố, nhất là các điểm nóng, ưu tiên trường học; thực hiện tổng vệ sinh môi trường từ các ngõ, xóm đến các công trường xây dựng, trường học, bãi đất trống. Lấy đội xung kích và thanh niên tình nguyện làm nòng cốt; trong đó tập trung hướng dẫn tổ xung kích thực hiện nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Đối với một số vùng hay hộ dân không hợp tác cùng chính quyền cần có sự vào cuộc của công an, thậm chí cưỡng chế để có thể xử lý triệt để ổ dịch, ngăn chặn sự phát triển của loăng quăng, bọ gậy…

Thời tiết mưa nắng thất thường, ngành y tế gồng mình chống dịch

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: thời tiết mưa nắng thất thường với độ ẩm cao khiến các ổ gậy mới liên tục phát sinh khiến việc chống dịch càng trở nên khó kiểm soát.

Ông Phu nhấn mạnh: “Nếu thời tiết mưa to, mưa rào sẽ cuốn trôi các ổ bọ gậy song nếu thời tiết cứ mưa nhỏ, mưa kéo dài, các ổ bọ gậy sẽ phát triển mạnh khiến việc phòng dịch SHX càng trở nên khó kiểm soát hơn do vậy ngành Y tế đang rất lo lắng và gồng mình chống dịch”.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất Hantox-200 diệt muỗi.

Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội biết, Hà Nội cũng đang nỗ lực hết sức để phun thuốc diệt muỗi, tìm diệt các ổ bọ gậy, song ông Cảm cũng cảnh báo thực tế do quá lo lắng trước diễn biến của dịch SXH rất nhiều người dân Hà Nội đã quyết định tự phun thuốc diệt muỗi để phòng tránh dịch.

Ông Nguyễn Nhật Cảm khẳng khuyến cáo, nếu phun không đúng liều lượng, không đúng quy trình, thậm chí không rõ hóa chất sẽ không tiêu diệt được muỗi mà còn có thể tăng nguy cơ muỗi nhờn thuốc, kháng thuốc.

Hiện Bộ Y tế đang cho lưu hành 3 loại hóa chất diệt muỗi phòng chống sốt xuất huyết gồm Deltamethrine, Permethrine và Malathion. Ba loại thuốc này cho kết quả nghiên cứu, thử hiệu lực, khả năng kháng muỗi rất tốt.

Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã thành lập khu điều trị dã chiến điều trị sốt xuất huyết. Cao điểm, có ngày bệnh viện tiếp nhận tới gần 400 bệnh nhân có biểu hiện sốt xuất huyết đến khám, chủ yếu là bệnh nhân ở Hà Nội./.
VOV-VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu