Thứ Bảy, 18/01/2025 12:03 (GMT +7)

Sứ mệnh của Thủ tướng

Thứ 2, 30/01/2017 | 16:33:00 [GMT +7] A  A

Thủ tướng đang phải thực hiện một sứ mệnh kép: Điều hành con tàu kinh tế quốc gia giữa đại dương đầy sóng gió và chỉ huy, củng cố thủy thủ đoàn.

Thừa kế một nền hành chính như hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang phải thực hiện một “sứ mệnh kép”: phải điều hành con tàu kinh tế quốc gia, vừa chạy vừa đại tu, giữa một đại dương đầy sóng gió, chạy đua với những con tàu khác của ASEAN, APEC… lại vừa phải chỉ huy, xây dựng, củng cố một thủy thủ đoàn có không ít vấn đề về năng lực và đạo đức.

Đúng thuốc. Khi những tiếng gà gáy sáng chào mừng Xuân Đinh Dậu, Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lãnh đạo cũng đón mùa Xuân đầu tiên. Trong bài phát biểu nhận chức hôm 26/7/2016, Thủ tướng đã trình bày những nhiệm vụ quan trọng nhất để phát triển đất nước và những điều Chính phủ phải làm để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.

Ông không nói chung chung về khó khăn, thuận lợi, không tránh né những yếu kém mà trình bày một cách cụ thể, trực diện bằng những con số biết nói. Cũng với phong cách riêng ấy, Thủ tướng đã “khai trương bảng hiệu” của Chính phủ nhiệm kỳ mới bằng cụm từ : “liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ”.

su menh cua thu tuong hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Đã có những trao đổi của các chuyên gia và bàn thảo của giới truyền thông về nội hàm của cụm từ trên, thậm chí dịch ra tiếng Anh để đối chiếu. Nhưng nhìn chung, đều nhất trí rằng đó là những liều thuốc đúng và trúng cho “căn bệnh” của nền hành chính quốc gia hiện nay.

Như Thủ tướng đã nói, trong 10 năm tới, Việt Nam phải “rút ngắn khoảng cách với thế giới, phát triển nhanh và bền vững, xây dựng đất nước giàu mạnh, có vị trí ngày càng cao trên trường quốc tế”. Trong điều kiện “nợ công cao, áp lực trả nợ lớn; xử lý nợ xấu chưa thực chất; dư địa chính sách và nguồn lực cho phát triển giai đoạn tới rất hạn hẹp”. Muốn vậy, nhất thiết phải giải quyết những vấn đề lưu cữu, những “nút thắt cổ chai” của nền kinh tế thông qua chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu toàn diện nền kinh tế.

Đó là những công việc rất nặng và khó, không thể làm được nếu không có một nhà nước, một Chính phủ với những “công bộc” có trách nhiệm cao, năng lực giỏi, đạo đức tốt, một bộ máy quản lý với những quy trình hợp lý, cơ chế thông minh, nắm vững khoa học và công nghệ hiện đại.

Bài học cũ, sức mạnh mới. Thực ra, nhìn lại lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, không giai đoạn nào khó khăn hơn thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám. Hồ Chí Minh – người đứng đầu chính phủ khi ấy – đã để lại những bài học và kinh nghiệm đến nay vẫn mang tính thời sự.

Ba bửu bối mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể kế thừa từ Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm trước là: tôn trọng nguyện tắc dân chủ, Chính phủ là đầy tớ khi nắm quyền lực nhà nước; chân thành, cầu thị, chí công vô tư trong việc chiêu mộ và trọng dụng hiền tài; triệt để thượng tôn pháp luật.

Đọc kỹ bài phát biểu nhậm chức của Thủ tướng, người dân nhận thấy ông đã ý thức rõ những bài học này. Vấn đề còn lại, cũng là điều quan trọng nhất, là tổ chức thực hiện những gì Thủ tướng đã cam kết trước Quốc hội bởi vì thực hiện luôn là khâu yếu nhất trong quản lý nhà nước ở Việt Nam. Ngay cả điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã để lại một lời khuyên giá trị: “Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi, ba mươi”.

Trên con đường thực hiện Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động và phục vụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và bộ máy của ông sẽ có được sự hậu thuẫn và góp sức mạnh mẽ từ nhân dân khi họ thấy rõ đó không chỉ là khẩu hiệu và lời hứa mà là những nỗ lực không ngơi nghỉ để biến chúng thành hiện thực, vì quyền lợi và hạnh phúc của họ. Khi được đa số nhân dân ủng hộ và tiếp sức, không sứ mệnh nào là “bất khả thi”./.

Theo Trương Trọng Nghĩa/Người Lao Động

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu