Thứ Tư, 22/01/2025 18:51 (GMT +7)

Sửa đổi Nghị định 86/NĐ-CP phải quản lý được Uber, Grab

Thứ 6, 09/03/2018 | 10:47:00 [GMT +7] A  A

Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP phải được soạn thảo chặt chẽ, nhất là những quy định liên quan tới việc quản lý loại hình Uber và Grab.

Thanh tra giao thông lập biên bản vi phạm hành chính lái xe không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN

Tại cuộc họp bàn các nội dung dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô do Bộ Giao thông Vận tải tổ chức ngày 8/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyên Văn Thể khẳng định: “ Uber, Grab và taxi truyền thống khác nhau cái gì? Không thể gọi Uber, Grab là xe hợp đồng và phải gọi là xe taxi ứng dụng công nghệ cao… Do đó, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP phải được soạn thảo chặt chẽ, nhất là những quy định liên quan tới việc quản lý loại hình Uber và Grab”.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng, thời gian qua dư luận đề cập tới nhiều thông tin liên quan đến hoạt động của Uber, Grab. Đặc biệt là vấn đề an toàn tính mạng, tài sản cho hành khách sử dụng dịch vụ này. Vì vậy, Nghị định sửa đổi lần này phải rà soát kỹ lưỡng những bất cập và Bộ sẽ không chấp nhận những khuất tất.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Tổ soạn thảo phải xử lý được vấn đề trách nhiệm của Uber, Grab trong quản lý lái xe. Các đơn vị này phải ký hợp đồng lao động chặt chẽ với tài xế, chịu trách nhiệm khi hoạt động xảy ra vấn đề như: cướp giật, quên đồ… Uber, Grab hoạt động với hàng chục nghìn phương tiện và số lượng những năm gần đây nhiều hơn cả taxi truyền thống…

“Sử dụng công nghệ mới để hoạt động dịch vụ vận tải là rất hoan nghênh, nhưng phải đảm bảo đúng pháp luật, đúng trách nhiệm của các bên. Ngoài ra, hoạt động Uber, Grab cũng phải công khai minh bạch về giá cước, nộp thuế đầy đủ cho nhà nước. Đặc biệt, phải đảm bảo an toàn cho người dân, không để người dân cảm thấy bất an khi đi loại hình này. Bất cứ sự việc gì xảy ra đối với người dân phải có cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng khẳng định.

Nói thêm về bản chất của Uber, Grab, người đứng đầu ngành giao thông khẳng định, hoạt động Uber, Grab bản chất là taxi áp dụng công nghệ trong kết nối với lái xe, chủ hãng. Vì vậy phải định danh Uber, Grab là taxi ứng dụng công nghệ cao.

Nếu Uber, Grab cho rằng họ chỉ là đơn vị kinh doanh công nghệ cao, như vậy Bộ Giao thông Vận tai sẽ không quản lý mà chuyển sang Bộ Công Thương. Nếu Bộ Giao thông Vận tải quản lý thì đó là hoạt động vận tải và phải quản Uber, Grab như một doanh nghiệp taxi hiện nay.

“Nếu đợt này không quản Uber, Grab như một hãng taxi, tôi sẽ không trình Chính phủ bởi tôi là người chịu trách nhiệm chính với Nghị định sửa đổi này…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhắc lại những sự cố liên quan tới khách hàng sử dụng dịch vụ và tài xế Uber, Grab vừa qua, nhưng không ai chịu trách nhiệm và cơ quan quản lý nhà nước không truy cứu được, Bộ trưởng đặt câu hỏi: “Có phải về mặt pháp lý chưa rõ ràng nên không tìm được tài xế gây ra vụ việc…”. Từ đó Bộ trưởng yêu cầu phải ràng buộc trách nhiệm của tài xế và Uber, Grab. Không thể để tài xế, đơn vị này “phủi” được trách nhiệm.

Theo đó, Nghị định phải đảm bảo người dân khi sử dụng dịch vụ trên được bảo vệ một cách tuyệt đối. “Khi xảy ra sự cố, đơn vị này hoàn toàn chịu trách nhiệm. Như hiện nay không ai chịu trách nhiệm khiến người dùng dịch vụ cảm giác không an toàn. Tôi xin nhắc lại, bất kỳ cái gì xảy ra với người dân thì phải có cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Một vấn đề Bộ trưởng yêu cầu nghiên cứu, đó là các quy định đối với tài xế Uber, Grab và các ràng buộc giữa tài xế và doanh nghiệp. Bộ trưởng cho rằng, Uber, Grab phải thực hiện ký hợp đồng lao động với người lao động và thực hiện các nghĩa vụ như: bảo hiểm, chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố…để khi xảy ra sẽ truy cứu được ngay. Ngoài ra, các tài xế phải có các tiêu chí về phẩm chất, đạo đức, bằng lái… Nếu như hiện nay các loại tội phạm dễ dàng trà trộn, nhiều người không có bằng lái, nhưng vẫn lên xe chạy và gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội…

Bộ trưởng lấy ví dụ về taxi truyền thống hiện nay quản lý chặt chẽ tài xế, nếu vi phạm thậm chí còn bị đuổi việc nhằm đảm bảo vấn đề an ninh, quyền lợi cho người dân. Bộ trưởng đặt câu hỏi: “Tại sao chúng ta không quản lý Uber, Grab như vậy?. Chúng ta phải vì người dân và có trách nhiệm với dân…”.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng khẳng định, việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải Bộ Giao thông Vận tải rất hoan nghênh, nhưng hoạt động phải đúng pháp luật. “Không thể để tình trạng cho hoạt động rồi mà không thực hiện đúng các quy định của luật pháp…”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quang Toàn (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu