Thứ Sáu, 24/01/2025 08:43 (GMT +7)

Tác động đa chiều của chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đối với Việt Nam

Thứ 4, 18/07/2018 | 10:45:00 [GMT +7] A  A

Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tác động đến nhiều mặt của nền kinh tế Việt Nam, trong đó cơ hội và thách thức đan xen nhau. Các chuyên gia và nhà quản lý lưu ý các vấn đề mà Việt Nam cần phải quan tâm.

Hàng hóa được xếp tại cảng ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: EPA-EFE/TTXVN

Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương): Thách thức với xuất khẩu đã thấy rõ

Thách thức với Việt Nam trước cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung là hiện hữu do độ mở nền kinh tế của chúng ta lớn, hội nhập sâu. Rất khó để xác định thời gian cuộc chiến thương mại này kết thúc nên khó đưa ra dự báo chuẩn xác để xây dựng chiến lược, kế sách ứng phó.
Tuy nhiên thách thức đối với xuất khẩu là thấy rõ. Trước mắt, chúng ta cần thực hiện song song 3 giải pháp như tổ chức tốt nguồn hàng; củng cố, mở rộng thị trường xuất khẩu và khâu tổ chức xuất khẩu.
Không xử lý khéo thì đây không chỉ là cuộc chiến của 2 nước lớn mà còn ảnh hưởng đến những quốc gia xuất siêu sang Mỹ như Việt Nam.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Cần theo dõi thêm khi mặt hàng đánh thuế chuyển sang nhóm hàng tiêu dùng
Hiện nay nhiều DN da giầy không muốn đặt nhà máy tại Trung Quốc để hàng hóa không bị gắn nhãn “Made in China”, họ đầu tư vào Việt Nam nên ta lại thu hút được đầu tư. Đó là tác động tích cực từ căng thẳng thương mại Mỹ – Trung.
Các mặt hàng mà Mỹ đánh thuế Trung Quốc hiện chưa liên quan nhiều đến Việt Nam. Sau khi Mỹ mở rộng diện đánh thuế ra nhóm hàng tiêu dùng thì sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến thị trường trong nước.
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia: Tranh thủ cơ hội khi thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng
Việt Nam có thể chịu tác động 2 chiều trước cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung.
Tác động tích cực với Việt Nam là tại thị trường Mỹ nếu hàng xuất khẩu Trung Quốc bị hạn chế. Tuy nhiên, tác động này không lớn do các sản phẩm Trung Quốc bị hạn chế xuất sang Mỹ lại không phải sản phẩm chủ lực của Việt Nam. Tương tự, cơ hội với thị trường Trung Quốc của chúng ta cũng không nhiều.
Bên cạnh đó, tác động tích cực cũng có thể đến từ dòng vốn FDI tăng thêm, trong điều kiện các nước dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, tính toán cho thấy, tác động này không đáng kể.
Tác động tiêu cực: Tốc độ tăng trưởng chung toàn cầu bị giảm sẽ kéo theo nhu cầu về hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm. Dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sẽ giảm 0,3 điểm % vào năm 2019 và giảm mạnh hơn trong năm đỉnh điểm là 2021 – 2023. Nhập khẩu sẽ giảm khoảng 0,6 điểm %, phản ánh sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt khu vực FDI.
Giải pháp trước mắt là các doanh nghiệp cần cập nhật danh mục hàng hoá bị áp thuế của Mỹ và Trung Quốc cũng như động thái tỷ giá của đồng USD và Nhân dân tệ để có phản ứng kịp thời và có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang Mỹ những mặt hàng trước đây Việt Nam không cạnh tranh được với Trung Quốc.
Ngoài ra, nghiên cứu kỹ các hàng hoá của Trung Quốc có thể nhập vào Việt Nam trong trường hợp xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế, nước này sẽ chuyển hàng sang Việt Nam.
Dây chuyền sản xuất sợi tại Công ty TNHH Dệt nhuộm Jasan Việt Nam vốn đầu tư của Trung Quốc tại khu công nghiệp Phố nối B (huyện Mỹ Hào, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế TƯ: Việt Nam cần cải cách môi trường kinh doanh
Tổ chức thương mại thế giới dự báo chiến tranh thương mại diễn ra rầm rộ sẽ làm giảm thương mại thế giới từ 40 – 60%, đây là tỷ lệ đáng lo ngại. Với việc hàng hoá Trung Quốc gặp khó khăn trong tiêu thụ ở Mỹ, Trung Quốc có thể sẽ tìm kiếm thị trường mới và thị trường ngay gần cạnh Trung Quốc là Việt Nam.
Khả năng hàng Trung Quốc tràn sang Việt Nam và hàng Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh mẽ hơn, cần kiểm soát chặt chẽ hơn mối quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Trung Quốc, tránh việc Trung Quốc đẩy hàng Việt Nam ra khỏi chính thị trường nội địa.
Việt Nam phải nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, kiểm soát chặt chẽ hơn, đồng thời các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo đủ khả năng cạnh tranh với hàng hoá Trung Quốc.
PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý giá cả – Bộ Tài chính: Lưu ý đến sức ép tỷ giá
Độ mở của nền kinh tế chúng ta tương đối lớn, đặc biệt 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc là thị trường xuất nhập khẩu lớn, trước tình hình đó cần xem xét mặt hàng nào nhập khẩu lớn, tác động đóng thuế lớn, ảnh hưởng kinh tế vĩ mô, giá đầu vào tăng khiến lạm phát tăng…
Thứ 2, cần tranh thủ cơ hội khi Mỹ – Trung Quốc chiến tranh thương mại, Trung Quốc hay Mỹ có thể đầu tư vào Việt Nam để tránh việc đánh thuế cao, Việt Nam có cơ hội tranh thủ thu hút đầu tư.
Liên quan đến sức ép tỷ giá, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trong thời gian vừa rồi đã tăng lãi suất, tỷ giá cao. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với lượng dự trữ trên 63,3 tỷ USD vẫn kìm nén một mức độ nào đó, nhưng nếu phải kìm nén quá sẽ không tốt.
Theo Hoàng Dương/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu