Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 01:55 (GMT +7)
Tân Hưng đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2024
Thứ 4, 14/08/2024 | 12:53:52 [GMT +7] A A
UBND huyện Tân Hưng tổ chức hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội tháng 7 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ tháng 8 năm 2024 ngày 13/8/2024. Tại điểm cầu huyện, Bí thư Huyện ủy - Trương Hải Đăng đến dự. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện - Huỳnh Thanh Hiền chủ trì hội nghị.
Trong 7 tháng đầu năm, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Giá trị sản xuất ở cả 3 khu vực tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định 2020) là hơn 03 ngàn 556 tỷ đồng, giá trị tăng thêm 6,7%. Trong đó, sản xuất nông nghiệp đã tạo được đà và sẽ tiếp tục phát triển, tổng diện tích lúa gieo sạ được hơn 85 ngàn 600 ha, đạt hơn 115% Nghị quyết, đến nay đã thu hoạch hơn 72 ngàn 500 ha, năng suất bình quân đạt 6,1 tấn/ha, tổng sản lượng lúa đạt trên 442 ngàn tấn, đạt hơn 90% Nghị quyết, lợi nhuận bình quân ước đạt 32 triệu đồng/ha.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như hệ thống điện, đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng, hệ thống trường, trạm y tế, nhà văn hóa, trạm cấp nước, xử lý rác thải vệ sinh môi trường…được quan tâm đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Các chương trình đột phá và công trình trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện được tập trung thực hiện theo kế hoạch.
Đến nay toàn huyện có 05/11 xã đạt chuẩn Nông thôn mới gồm Hưng Thạnh, Vĩnh Thạnh, Vĩnh Châu B, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và các xã còn lại đạt từ 10 - 18 tiêu chí.
Các mặt văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững. Hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn về tổ chức bộ máy, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tạo sự đồng thuận hưởng ứng tích cực của Nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn một số hạn chế: Sản xuất nông nghiệp chưa thật bền vững, việc liên kết tiêu thụ nông sản chưa đi vào chiều sâu; hiệu quả hoạt động của một số Hợp tác xã chưa mang lại hiệu quả cao; việc huy động nguồn lực trong dân cho xây dựng xã Văn hóa, Nông thôn mới chưa cao; công tác rà soát, giải quyết các vướng mắc trong cụm, tuyến dân cư được tập trung thực hiện nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Ngoài ra, công tác xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ, trật tự xây dựng, nhà yến có lúc chưa kịp thời; công tác thu ngân sách chưa đạt kế hoạch đề ra; công tác huy động đối tượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn hạn chế...
Tại hội nghị, đại biểu tập trung thảo luận nêu lên những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong công tác thu ngân sách, tình hình sản xuất nông nghiệp, giải phóng mặt bằng, hành lang an toàn giao thông đường bộ, trật tự xây dựng, nhà yến; công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai; Cụm – Tuyến dân cư… để hội nghị đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy - Trương Hải Đăng đề nghị UBND huyện tiếp tục bám sát vào Chương trình làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Huyện ủy năm 2024 để chỉ đạo các ngành, UBND các xã-thị trấn tham mưu và thực hiện đảm bảo về nội dung và thời gian đã đề ra; tiếp tục thực hiện Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo lộ trình, nhân rộng mô hình “cánh đồng lớn” theo hướng liên kết trong sản xuất bền vững.
Đồng thời, tập trung xây dựng nông thôn mới theo lộ trình; quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả quỹ đất công; lãnh, chỉ đạo chặt chẽ quyết liệt công tác thu - chi và điều hành ngân sách; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành gắn với thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện.
Duy Phước
Ý kiến ()