Chủ Nhật, 05/05/2024 15:42 (GMT +7)

Tân Hưng: Nhiều hệ lụy từ việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng

Thứ 5, 07/03/2024 | 10:12:17 [GMT +7] A  A

Hiện nay, trên những cánh đồng đã thu hoạch lúa xong, một số nông dân trên địa bàn huyện Tân Hưng vẫn còn thói quen đốt rơm, rạ trên đồng ruộng của mình. Điều này không chỉ làm cho đất bạc màu, mất cân bằng hệ sinh thái, mà còn gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Việc đốt rơm rạ vẫn còn diễn ra ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tân Hưng.

Theo thống kê, đến nay nông dân huyện Tân Hưng đã thu hoạch trên 13 ngàn 500 hecta lúa đông xuân 2023 – 2024. Qua ghi nhận thực tế trên các cánh đồng cho thấy: Một số diện tích đã thu hoạch xong, nông dân cuộn rơm bán cho thương lái, tuy nhiên vẫn còn một số hộ dân tiến hành đốt rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Bởi họ cho rằng, cách làm này sẽ giúp cắt đứt mầm bệnh lây truyền cho vụ sau, chính vì thế mà việc đốt rơm rạ đã trở thành thói quen của một số nông dân.

Trên nhiều cánh đồng lúa đã thu hoạch xong, nông dân đốt rơm, rạ ngay trên đồng ruộng.

Theo các ngành chuyên môn, việc đốt rơm rạ trên đồng sẽ làm mất cân bằng hệ sinh thái nếu đốt nhiều năm liên tiếp còn khiến đất bị khô cằn, bạc màu. Ngoài ra, trong quá trình đốt còn phát sinh một lượng lớn khói gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến cuộc sống con người.

Đặc biệt, hiện nay đang là mùa khô, thời tiết nắng nóng làm cho nhiệt độ ban ngày tăng lên khá cao, thế nên việc đốt rơm rạ trên đồng sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra cháy.

Đốt rơm,rạ phát sinh nhiều khói gây ô nhiễm mô trường.

Với nhiều hệ lụy như trên, nông dân cần thay đổi dần thói quen đốt rơm rạ, thay vào đó có thể tận dụng rơm để trồng nấm, làm thức ăn trong chăn nuôi hoặc bán cho thương lái, đều này không chỉ giúp nông dân có thêm thu nhập, mà còn góp phần xây dựng một nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững trong thời gian tới.

Văn Sách

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu