Thứ Ba, 04/02/2025 23:39 (GMT +7)

Tân Hưng: Nông dân chăm sóc vụ mè và chuẩn bị vụ lúa hè thu

Thứ 6, 30/03/2018 | 11:09:00 [GMT +7] A  A

Thời gian qua, bên cạnh cây lúa nông dân trên địa bàn huyện Tân Hưng còn trồng xen canh thêm các loại rau màu khác để cải tạo đất và tăng thêm hiệu quả kinh tế trong sản xuất. Trong đó việc trồng mè xen canh giữa 2 vụ lúa được nhiều bà con nông dân chú trọng đầu tư và bước đầu cho thấy hiệu quả khá khả quan. Theo số liệu thống kê, hiện nông dân trên địa bàn huyện đã xuống giống được 60,5 hecta mè, tập trung chủ yếu ở các xã biên giới Hưng Hà, Hưng Điền, Hưng Điền B. Hiện số diện tích mè đang phát triển tốt, đang ở giai đoạn cây con, nhánh và ra hoa, bà con đang tích cực chăm sóc để mè cho năng suất cao khi thu hoạch.

Theo nhiều nông dân đang trồng mè cho biết do vụ mè năm trước bà con đạt năng suất và lợi nhuận khá cao, bình quân khoảng từ 15-20 triệu đồng/hecta nên bà con rất phấn khởi và tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng mè trong vụ này. Theo bà con thì mè là loại cây dễ trồng, khả năng chịu hạn tốt nên rất thích hợp với thời tiết và thổ nhưỡng của vùng đất nơi biên giới, cũng như những vùng gò cao, thường xuyên bị khô hạn. Hơn nữa trồng mè ít tốn kém chi phí và công chăm sóc, từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch khoảng 75 ngày nhưng chỉ bón một cữ phân u rê và bơm nước tưới từ 2-3 lần.

Từ thực tế cho thấy việc trồng mè xen canh giữa hai vụ lúa vừa giúp tăng lợi nhuận kinh tế, vừa giúp cải tạo và tăng độ phì nhiêu cho đất, góp phần giảm chi phí sản xuất cho vụ sau. Tuy nhiên vấn đề được nhiều nông dân quan tâm hiện nay là đầu ra của cây mè chưa ổn định, bà con rất mong các ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cần có hướng liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm, ổn định đầu ra cho cây mè. Đồng thời cần tiếp tục hỗ trợ nông dân về kỹ thuật canh tác cây mè, cũng như đầu tư nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng, để đảm bảo đủ nước tưới tiêu cho cây mè vào thời điểm khô hạn. Có như vậy người dân mới an tâm sản xuất và gắn bó lâu dài với mô hình này.

* Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dịch bệnh dễ phát sinh và gây hại trên lúa như hiện nay, ngay sau khi thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân 2017-2018, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Tân Hưng đã tranh thủ ra đồng tiến hành cày ải, phơi đất ngay từ đầu vụ để diệt cỏ dại và mầm bệnh còn lưu tồn trong đất, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho vụ sản xuất hè thu năm 2018. Bên cạnh đó nhiều nông dân cũng đã tranh thủ cải tạo lại hệ thống kênh mương nội đồng để đảm bảo đủ nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng trong vụ hè thu này; chuẩn bị giống và các điều kiện cần thiết khác để xuống giống vụ hè thu theo đúng lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn.

Để đảm bảo ăn chắc vụ lúa hè thu năm 2018, bà con nông dân cần xuống giống tập trung, đồng loạt theo đúng lịch khuyến cáo của ngành chuyên môn: Đợt 1 từ ngày 25/4-5/5/2018; đợt 2 từ ngày 22/5-1/6/2018 và tuyệt đối không gieo sạ trong tháng 3 năm 2018 nhằm tránh rầy di trú, làm phát sinh bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá gây gại cây lúa. Đặc biệt, vào thời điểm nắng nóng và khô hạn như hiện nay nông dân cần tranh thủ vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất để tránh tình trạng đất khô cứng, gây khó khăn trong việc cày trục đất; cần đảm bảo thời gian cách ly giữa 2 vụ lúa ít nhất là 3 tuần. Ngoài ra bà con cũng cần chọn loại giống xác nhận, chất lượng cao, phù hợp với thời tiết và thổ nhưỡng của địa phương; đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng để đảm bảo đủ nguồn nước tưới tiêu cho đồng ruộng.

Riêng đối với những diện tích lúa hè thu sớm đã xuất hiện sâu bệnh gây hại rải rác, trong đó đáng chú ý là sâu năn, đối tượng gây hại chính trên lúa trong các vụ mùa gần đây. Bà con nông dân cần tiếp tục chăm sóc và theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh trên trà lúa hè thu sớm để có hướng điều trị kịp thời, nếu bệnh phát triển và gây hại mạnh cần báo với chính quyền địa phương và ngành chuyên môn để kịp thời xử lý, nhằm hạn chế thiệt hại trong sản xuất./.

Trúc Quyên

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu