Thứ Bảy, 11/01/2025 13:44 (GMT +7)

Tân Hưng sản vật mùa nước nổi ngày càng khan hiếm

Thứ 4, 14/09/2022 | 11:36:26 [GMT +7] A  A

Mùa lũ về, cũng là lúc những sản vật mùa nước nổi tự nhiên như cá, lươn, rắn, bông điên điển, bông súng, hẹ nước,... được người dân đánh bắt, thu hoạch mang về bán tại chợ tăng cả về số lượng lẫn chủng loại. Thế nhưng năm nay, đến thời điểm này, lũ về ở mức thấp nguồn sản vật tự nhiên cũng giảm đáng kể, khiến việc mưu sinh trong mùa nước nổi của người dân cũng vất vả hơn.

Lũ về thấp nên lượng cá đồng được bày bán ở chợ rất ít so với những năm trước.

Khi nước lũ tràn đồng, cũng là lúc nhiều người dân trên địa bàn huyện Tân Hưng tất bật chuẩn bị nhiều ngư cụ để ra đồng đặt dớn, lọp, giăng lưới… để đánh bắt thủy sản, bắt đầu cuộc mưu sinh “Sống chung với lũ”. Vất vả mưu sinh mùa lũ là vậy, thế nhưng những năm gần đây lượng sản vật tự nhiên cũng ít dần đi, điều này đồng nghĩa với việc mưu sinh mùa lũ của người dân cũng ngày càng khó khăn hơn.

Anh Trần Văn Hiếu, ở ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại cho biết: Trước đây, khi mùa lũ về, cá rất nhiều với 250 cái lọp hàng ngày anh cũng thu hoạch được từ 20 đến 30kg cá các loại, bán cho thương lái cũng kiếm được 700 đến 01 triệu đồng/ngày, trừ các khoảng chi phí, sinh hoạt hằng ngày cũng còn dư được vài trăm ngàn để dành dụm, còn năm nay, cũng với 250 cái lọp đó, anh chỉ đánh bắt được nhiều lắm là 6 đến 10kg cá/ngày, chỉ đủ chi tiêu, trang trãi cho cuộc sống hằng ngày thôi.

Sản vật mùa nước nổi – bông điên điển cũng đang khan hiếm tại chợ Tân Hưng.

Còn gia đình bà Đặng Thị Hoa, ở Ấp 4, xã Vĩnh Bửu cũng tranh thủ lúc con nước đổ về cũng xuống được hơn 10 cái đú dớn, từ đầu mùa lũ đến nay do lượng cá chạy rất ít nên cách 02 ngày nhà bà mới đi đổ dớn 01 lần nhưng sản lượng thu hoạch được tầm khoảng hơn 10 kg cá, cua các loại, bán cũng chẳng được bao nhiêu tiền, vừa đủ ăn uống chi tiêu hằng ngày.

Không chỉ những người dân trực tiếp mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá gặp khó khăn do nguồn lợi thủy sản ngày càng ít dần đi, mà những nghề sống phụ thuộc vào mùa nước lũ cũng đang gặp phải những chật vật nhất định. Đơn cử như gia đình của bà Võ Thị Kim Hai ở ấp Láng Sen, xã Vĩnh Đại đã gắn bó với nghề làm lọp đặt cá bán đã hơn 20 năm qua, trung bình thì mỗi năm gia đình bà cũng bán được 3 đến 4 ngàn cái lọp mỗi năm, sau khi trừ các khoảng chi phí thì gia đình bà cũng thu về được 40 đến năm 50 triệu đồng/mùa lũ. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại thì gia đình bà chỉ bán được hơn 01 ngàn cái do lượng thủy sản năm nay giảm hơn so với những năm trước, nên lượng tiêu thụ lọp của gia đình bà cũng bị ảnh hưởng theo.

Lượng cá giảm dần qua từng năm khiến những người làm nghề mưu sinh trong mùa nước nổi ngày càng chật vật hơn

Có mặt tại chợ Tân Hưng vào một phiên chợ sáng, theo các tiểu thương, năm nay, cá đồng ra chợ rất ít, chỉ có một số loại như cá lóc, cá chốt, cá lăng, mè dinh,... chị Phan Thị Mến, một trong số tiểu thương bán cá đồng tại đây, cho biết: Đến thời điểm này, lũ về thấp, lượng cá đồng rất ít, chủ yếu là cá lóc, chốt, lăng, mè dinh,... do lượng cá đồng khan hiếm nên giá bán tăng khoảng 10 - 20% so với các năm trước, hiện giá cá lóc, cá trê từ 80 đến 130 ngàn đồng/kg, cá chốt, cá lăng từ 60 đến 80 ngàn đồng/kg và cá mè dinh 40 đến 50 đồng/kg.

Cũng theo chị Mến thì mọi năm, vào thời điểm đầu mùa lũ, người bán cá đồng đông hơn, có lúc tăng gấp 2 - 3 lần hiện tại. Lý do ngoài số tiểu thương buôn bán thường xuyên tại chợ, còn có người dân đánh bắt được cá từ trong đồng cũng mang ra bán. Hiện trung bình mỗi ngày chị chỉ thu gom được hơn chục ký cá bán cho người dân, thấp hơn năm trước rất nhiều.

Không những các loại cá, lươn, rắn, ếch mà các sản vật khác như bông điên điển, bông súng, hẹ nước cũng khan hiếm.

Giá cá tăng từ 10 – 20% do lượng cá đồng năm nay khan hiếm.

Còn tại các cơ sở vựa cá tại chợ Tân Hưng cũng cho biết, thời điểm này những năm trước, vào buổi sáng tấp nập xuồng, ghe cập bến chở theo sản vật mùa nước nổi. Mỗi ngày có hàng tấn cá, cua, lươn, ếch tập kết về đây để mang đi tiêu thụ khắp nơi. Thế nhưng năm nay khan hiếm về chủng loại cũng như sản lượng.

Hàng năm, mỗi khi mùa lũ về, người thì đặt dớn, giăng câu, giăng lưới, đặt lọp để bắt cá, người thì thu hoạch các sản vật mùa nước nổi như bông súng, bông điên điển, hẹ nước đem ra chợ bán,… Đó là những sản vật "trời ban", giúp người dân nghèo có thêm thu nhập cho con cái đi học, mua sắm ít vật dụng trong gia đình. Nước lũ về thấp khiến những người làm nghề mưu sinh theo con nước cũng chật vật hơn./.

Duy Phước

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu