Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 16:47 (GMT +7)
Tân Hưng thực hiện lộ trình chuyển đổi số
Thứ 3, 12/04/2022 | 10:47:06 [GMT +7] A A
Thực hiện Chương trình của UBND tỉnh Long An về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Tân Hưng đang tập trung các hạng mục gồm: hạ tầng số, chính quyền số, kinh tế số và xã hội số theo lộ trình.
Năm 2022, huyện Tân Hưng tập trung chuyển đổi trạng thái chính quyền điện tử sang chính quyền số để dẫn dắt chuyển đổi số trên địa bàn huyện; cung cấp dữ liệu mở, tăng cường tương tác giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp sau khi tỉnh hoàn thành xây dựng, đưa vào vận hành, khai thác sử dụng hiệu quả Kho cơ sở dữ liệu dùng chung, Cổng dữ liệu mở, Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh của tỉnh. Tính đến hết quý I năm 2022, huyện đã xây dựng, triển khai cơ sở dữ liệu, khai thác có hiệu quả dịch vụ trên nền tảng số, phần mềm ứng dụng.
Huyện đã triển khai hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến đến cấp xã, thị trấn hoạt động ổn định, hỗ trợ tốt cho công tác chỉ đạo điều hành, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí tổ chức hội họp đến cấp xã-thị trấn.Việc sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành giúp việc chỉ đạo, điều hành của các cấp lãnh đạo được thuận lợi hơn; việc theo dõi giám sát tiến độ thực hiện công việc của từng chuyên viên, quản lý công việc cơ quan cũngdễ dàng hơn.Tình hình trao đổi văn bản điện tử có nhiều chuyển biến, tỷ lệ trao đổi văn bản dưới dạng điện tử đạt 99%. Đa số các cơ quan thực hiện nghiêm túc việc trao đổi văn bản điện tử qua mạng theo chỉ đạo của UBND huyện. Song song đó,186 hộp thư điện tử cấp cho các cơ quan chuyên môn huyện và CBCC được sử thường xuyên đạt 100%.
Thông qua việc trao đổi văn bản điện tử mà công việc được trao đổi trực tiếp trên môi trường mạng, giúp xử lý công việc nhanh chóng và hiệu quả. Đơn cử như tại Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện. Việc trao đổi văn bản điện tử qua mạng luôn được Tổ Truyền thanh thực hiện hàng ngày, thậm chí liên tục hàng giờ để thực hiện việc tiếp nhận tin tức của phóng viên đi công tác ở các xã, hay của đội ngũ cộng tác viên từ cơ sở truyền về thông qua nhóm zalo và hộp thư điện tử. Bộ phận biên tập xử lý nội dung ngay trên thiết bị di động như điện thoại thông minh khi đang hội họp, không có tại đơn vị, sau đó truyền về phòng thu âm để phát thanh viên in ra đọc. “Nhờ công nghệ số này mà lực lượng phóng viên chúng tôi có thể quay phim, viết tin bài ngay trên điện thoại di động thông minh tại hiện trường khi đi tác nghiệp sự kiện ngoài đồng hay trên đường, để kịp thời chuyển về cho biên tập xử lý” – Phóng viên Văn Sách của Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện Tân Hưng nói.
Về tình hình sử dụng chữ ký số chuyên dùng,có 27/27 chứng thư số đã cấp cho các cơ quan, đơn vị; 74/74 chứng thư số cấp cho lãnh đạo các cơ quan, đơn vị huyện, UBND các xã, thị trấn. Trong đó, 35 chứng thư số cấp lãnh đạo UBND cấp xã, 39 chứng thư số cấp cho lãnh đạo các cơ quan trực thuộc UBND huyện. Ở cấp xã hiện có thị trấn Tân Hưng thực hiện tốt việc ký số, tất cả các bước từ soạn thảo văn bản đến chuyển lãnh đạo ký và phát hành văn bản đều thực hiện trên môi trường mạng. Có 190 văn bản phát hành từ đầu năm 2022 đến hiện tại, đạt 100% số văn bản phát hành trên Phân hệ quản lý văn bản và điều hành (ICT). “Từ khi thực hiện ký số này tôi thấy rất tiện lợi, cứ dùng cái máy tính xách tay và cái USB chữ ký số là có thể xử lý văn bản của bộ phận tham mưu gửi đến, ký số ở bất cứ nơi đâu và chuyển cho bộ phận phát hành là xong. Không cần phải in ra giấy rồi chỉnh sửa tốn giấy mực và thời gian”- Chủ tịch UBND thị trấn Tân Hưng Nguyễn Văn Dũng nói.
Có 12/12 xã-thị trấn đã triển khai phần mềm một cửa điện tử, tích hợp với hệ thống huyện để phục vụ cho việc tiếp nhận, luân chuyển, giải quyết công bố tình trạng giải quyết hồ sơ qua môi trường mạng. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn của huyện đạt 100%.Việc gửi, nhận và trả kết quả giải quyết TTHC được thực hiện đúng quy trình đảm bảo thời gian cho người dân và doanh nghiệp đến nay số lượng hồ sơ giải quyết qua hệ thống một cửa điện tử đạt 100%.
Trang Thông tin điện tử huyện đăng tải các tin, bài, ảnh về các hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND huyện; tình hình kinh tế - xã hội, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và các sự kiện nổi bật diễn ra trên địa bàn huyện. Cập nhật đầy đủ bộ thủ tục hành chính giúp người dân dễ dàng tra cứu về thủ tục và tình trạng giải quyết hồ sơ tiếp nhận.
Tuy nhiên, hiện nay một số chỉ tiêu ứng dụng CNTT chưa đạt kế hoạch đề ra, việc trang bị máy tính cho CBCC cấp xã đã được thực hiện nhưng chưa đáp ứng hết được nhu cầu công việc, việc triển khai sử dụng chữ ký số còn chậm do một số lãnh đạo trong năm thay đổi vị trí công tác. Trình độ tin học của đội ngũ CBCC, viên chức cấp xã còn hạn chế ảnh hưởng đến việc triển khai các ứng dụng CNTT.
Để việc chuyển đổi số trên địa bàn huyện được đồng bộ và sớm hoàn thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Hưng Phan Hòa Nông cho biết: “Huyện tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị mình; đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn thực hiện chuyển đổi số đến đối tượng, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị huyện ưu tiên nguồn lực, tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số của ngành mình; UBND cấp xãưu tiên rà soát mua sắm, nâng cấp máy tính cho CBCC đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc, an toàn thông tin mạng; đồng thời ưu tiên bố trí tối thiểu 01 công chức chuyên trách công nghệ số để làm tốt nhiệm vụ tham mưu chuyển đổi số”.
Đáng chú ý là UBND huyện Tân Hưng đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương liên quan triển khai quy hoạch xây dựng hạ tầng đô thị gắn kết với hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ phát triển đô thị thông minh; triển khai các giải pháp phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số trên địa bàn huyện. Đồng thời cũng chỉ đạo Phòng Nội vụ phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin trong đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức./.
Thành Nhân
Ý kiến ()