Thứ Năm, 06/02/2025 23:47 (GMT +7)

Tân Thạnh: Chương trình đột phá xây dựng vùng lúa chất lượng cao

Thứ 5, 07/06/2018 | 09:00:00 [GMT +7] A  A

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Thạnh lần thứ IX (nhiệm kỳ 2015 – 2020) xác định xây dựng vùng lúa chất lượng cao là một trong những chương trình đột phá nhằm thay đổi phương thức sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Do đó, huyện luôn chú trọng sản xuất lúa theo hướng nâng cao giá trị thương mại, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mang tính cạnh tranh, tạo lợi thế khi đưa ra thị trường.

Nông dân tham quan vùng lúa chất lượng cao tại Tân Thạnh

Huyện Tân Thạnh xây dựng vùng lúa chất lượng cao ở 5 xã với diện tích hơn 11.000 ha; trong đó, có 4.500 ha lúa ứng dụng công nghệ cao. Trong vùng quy hoạch này, huyện đã xây dựng được 59/84 ô đê bao với diện tích 10.000/14.000 ha (đạt tỷ lệ khoảng 70%). Trong đó, có 11 trạm bơm điện phục vụ sản xuất 4.000 ha, đạt 38% diện tích toàn vùng. Đến nay, phần lớn các xã trong vùng quy hoạch có trên 70% nông dân sử dụng giống lúa đạt cấp xác nhận. Khi tham gia vùng lúa chất lượng cao, nông dân được tập huấn khoa học – kỹ thuật thường xuyên; bao tiêu sản phẩm; được hỗ trợ 30% chi phí giống, phân bón, thuốc trừ sâu đến thu hoạch… nên nông dân rất yên tâm khi tham gia mô hình này.

Riêng vụ Đông Xuân 2017 – 2018, toàn huyện Tân Thạnh triển khai thực hiện 05 mô hình lúa chất lượng cao, ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 300 ha, có 125 hộ nông dân tham gia. Qua hội thảo đánh giá, tổng kết mô hình cho thấy kết quả vượt trội hơn so với phương thức sản xuất thông thường. Năng suất bình quân từ 7 – 9 tấn/ha với tổng sản lượng hơn 2.140 tấn. Tính trung bình, năng suất cao hơn so với ngoài mô hình từ 400 – 500 kg/ha, sau khi trừ các khoản chi phí người dân tham gia mô hình có lợi nhuận cao hơn ngoài mô hình từ 3 – 5 triệu đồng nên rất phấn khởi.

Mùa vàng

Tiếp tục trong vụ Hè thu 2018, toàn huyện Tân Thạnh triển khai thực hiện 10 mô hình tại 5 xã với diện tích hơn 578 ha, có 239 hộ tham gia. Mặc dù, thời tiết không thuận lợi bằng Đông xuân nhưng nông dân áp dụng theo quy trình “1 phải 6 giảm”, sử dụng nấm xanh, bón phân hữu cơ, trồng hoa sinh thái nên đảm bảo lúa sinh trưởng và phát triển rất tốt, ít sâu bệnh, giảm chi phí đầu vào. Đặc biệt, rầy nâu với mật số cho phép chỉ xử lý nấm xanh không cần phải phun thuốc, riêng phân bón bà con dùng phân hữu cơ giảm lượng đạm rất hiệu quả, các loại phân khác giảm từ 20 – 30%.

Toàn huyện hiện có 09 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, thời gian qua, các hợp tác xã đã cơ bản thực hiện tốt vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Nổi bật là Hợp tác xã Tân Đồng Tiến có ký kết hợp đồng lâu dài với các doanh nghiệp nên đầu ra được đảm bảo. Theo kế hoạch của huyện, mỗi xã quy hoạch vùng lúa chất lượng cao và ứng dụng công nghệ cao có ít nhất 1 hợp tác xã và có từ 5 – 10 tổ hợp tác hoạt động hiệu quả; 100% diện tích lúa chất lượng cao và ứng dụng công nghệ cao có trạm bơm điện phục vụ; chỉ sử dụng lượng giống gieo sạ từ 80 – 100kg/ha so với cách truyền thống là từ 120 – 150kg/ha; giảm thất thoát trước và sau thu hoạch xuống dưới 10%.

Nhìn chung, qua đánh giá tổng thể 15 mô hình đã triển khai trên địa bàn huyện Tân Thạnh cho thấy bước đầu tạo được niềm tin trong nông dân, người dân ý thức được việc áp dụng khoa học vào sản xuất, chấp nhận quy trình của mô hình, từng bước góp phần hình thành chuỗi liên kiết và sản xuất mang lại hiệu quả hơn . Đây còn là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Duy Thanh

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu