Tất cả chuyên mục

Trong giai đoạn năm 1946-1949, Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban hành chính kháng chiến (UBHCKC) Nam bộ là một trong ba căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng Miền Nam trong kháng chiến chống Pháp. Khu di tích từng ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, với giá trị lịch sử hào hùng, Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ luôn là niềm tự hào của người dân Tân Thạnh nói riêng và tỉnh Long An nói chung. Nơi đây luôn được chọn là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Đây là một trong ba căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng Miền Nam trong kháng chiến chống Pháp
Sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, những người Việt Nam yêu nước đã vào bưng biền vùng Đồng Tháp Mười theo tiếng gọi của non sông quyết tâm chống Pháp đến cùng. Từ cuối 1945 đến cuối 1949, khu vực kinh Dương Văn Dương từng là nơi đặt trụ sở của cơ quan lãnh đạo các cấp: Xứ ủy, UBHCKC Nam bộ, Bộ tư lệnh Nam bộ, Bộ tư lệnh Khu 8, các ban trực thuộc UBHCKC Nam bộ, là nơi đặt căn cứ Tỉnh ủy, UBHCKC Nam bộ tỉnh, Tỉnh đội một số tỉnh thuộc khu vực vùng Đồng Tháp Mười. Có thể nói, cả Nam bộ đều ở vùng Đồng Tháp Mười, nơi xây dựng, phát triển và phân bố lực lượng cách mạng cho các khu, các tỉnh. Đồng Tháp Mười khi đó được xem là “Việt Bắc” của Miền Nam.
Căn cứ tọa lạc tại ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh
Từ giữa năm 1946, chiến khu vùng Đồng Tháp Mười từng bước trở thành một căn cứ đầu não, một trung tâm kháng chiến ở Nam bộ mà khu vực kinh Dương Văn Dương trở thành xương sống của chiến khu. Giai đoạn này, khu vực kinh Dương Văn Dương từng ghi dấu bao sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, nơi diễn ra Đại hội Đại biểu Xứ ủy toàn Nam bộ, nơi Đài phát thanh Nam bộ phát sóng buổi đầu tiên, nơi trình chiếu bộ phim tài liệu về cách mạng điện ảnh đầu tiên của nước nhà và là nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Nam bộ. Các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Trần Văn Trà…từng sống và làm việc, đã lãnh đạo cách mạng miền Nam đi đến thắng lợi trọn vẹn. Những tên đất, tên làng, kinh rạch nơi đây từng là vùng hoạt động và gắn liền với những chiến công oanh liệt của Tiểu đoàn 307,309, Trung đoàn 120, 105 anh hùng.
Ngôi nhà phục dựng nơi hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng
Chị Lê Thị Hồng Diễm-Phó Trưởng Ban Quản lý Di tích lịch sử Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ cho biết: Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ được hoàn thành và đưa vào sử dựng với tổng kinh phí đầu tư gần 130 tỷ đồng, tọa lạc tại ấp Bùi Thắng, xã Nhơn Hòa Lập. Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ gồm 25 hạng mục công trình, trong đó có 19 hạng mục đã hoàn thành, tiêu biểu là gian nhà trưng bày quá trình hoạt động phong trào kháng chiến chống Pháp tại Nam bộ và 6 ngôi nhà phục dựng. Việc xây dựng Khu di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam Bộ có ý nghĩa lịch sử, chính trị to lớn, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của địa phương.
Chị Bùi Thị Thúy An-Phó Bí thư Huyện đoàn Tân Thạnh chia sẻ: Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ là niềm tự hào của người dân Tân Thạnh, nhất là lực lượng đội viên, đoàn viên, thanh niên. Hàng năm, Huyện đoàn tổ chức cho hơn 1.000 lượt đội viên, đoàn viên, thanh niên Về nguồn tại đây. Qua đó, nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hiểu và sống xứng đáng với sự hy sinh của thế hệ đi trước.
“Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ
Với những giá trị lịch sử mang ý nghĩa to lớn, Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ được Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, Khu Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ luôn thu hút đã tiếp gần 6.000 lượt khách trong và ngoài huyện đến tham quan, tìm hiểu; trong đó, phần đông là học sinh và lực lượng đoàn viên, thanh niên.
Căn cứ là niềm tự hào của người dân Tân Thạnh
Từ những giá trị lịch sử vô giá, khu di tích Căn cứ Xứ ủy và UBHCKC Nam bộ luôn niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân và quân huyện Tân Thạnh nói riêng và tỉnh Long An nói chung. Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân ta luôn đoàn kết một lòng, nuôi dưỡng, bảo vệ thành trì cách mạng từ Trung ương đến địa phương với niềm tin thắng lợi non sông liền một dải. Ngày nay, tiếp nối và phát huy truyền thống cách mạng “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” của quê hương Long An, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Tân Thạnh ra sức phát huy truyền thống cánh mạng, tinh thần đoàn kết, thống nhất, ý chí tự lực, tự cường quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa chiến thắng dịch bệnh Covid-19, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phát triển kinh tế-xã hội huyện nhà.
Chí Tâm-Ngọc Diệu
Ý kiến ()