Thứ Bảy, 18/01/2025 12:07 (GMT +7)

Tân Thanh hiệu quả từ mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao

Thứ 5, 20/04/2023 | 11:51:06 [GMT +7] A  A

Vụ hè thu năm 2023 Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Thạnh, phối hợp với UBND xã Nhơn Hòa, triển khai thực hiện mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao tại ấp Kênh Chà, xã Nhơn Hòa, huyện Tân Thạnh, đây là mô hình mới nhân rộng trong vụ Hè thu năm 2023.

Mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao tại ấp Kênh Chà - xã Nhơn Hòa năng suất đạt 8 tấn/ha

Mô hình sản xuất lúa úng dụng công nghệ cao vụ lúa Hè thu 2023, ấp Kênh Chà có 18 hộ tham gia, với diện tích 58 ha, đây là mô hình mới nhân rộng, nông dân sản xuất chủ yếu là giống nếp, tham gia mô hình nói trên đã đưa bà con thoát ra khỏi lối canh tác cũ để tiếp cận với công nghệ hiện đại khi sử dụng thiết bị máy bay không người lái làm công cụ gieo sạ - bón phân - phun thuốc BVTV. Cách làm này giúp quản lý dinh dưỡng, dịch hại, tiết kiệm chi phí vật tư nông nghiệp và hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.

Ông Đoàn Văn Coi, ở ấp kênh Chà, xã Nhơn Hòa, một trong 18 nông dân tham gia mô hình hào hứng cho biết: Trước đây, khi chưa tham gia mô hình sản xuất này, tôi chỉ canh tác và bón phân theo kinh nghiệm của bản thân. Lúc đó thấy lúa phát triển không đồng đều, chỗ vàng chỗ xanh; vụ trúng, vụ mất mùa nên cũng rất lo. Từ khi tham gia mô hình, tôi thấy hiệu quả kinh tế rất rõ rệt, nhất là được hỗ trợ về giống, phân bón, vật tư nông nghiệp; được hướng dẫn kỹ thuật bón phân cụ thể theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, bón phân vừa đủ giúp tiết kiệm chi phí mà lại hạn chế sâu bệnh hại.

Nông dân tham quan mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao ấp Kênh Chà, xã Nhơn Hòa

Kết quả mô hình sản xuất mới so với ruộng đối chứng cho thấy hiệu quả tích cực, chiều cao cây lúa, số chồi, chiều dài bông và năng suất của ruộng mô hình tăng rõ rệt so với ruộng đối chứng. Năng suất đạt 7,5 - 8 tấn/ha, cao hơn ruộng đối chứng 1 tấn/ha; chi phí sản xuất thấp hơn so với ruộng đối chứng 1.800.000 đồng/ha; lợi nhuận tăng khoảng 2 triệu đồng/ha so với ruộng đối chứng.

Còn ông Nguyễn Văn Siêng ở ấp Kênh Chà, xã Nhơn Hòa, sản xuất diện tích 7 ha trong mô hình chia sẽ, đây là năm đầu tiên ông tham gia mô hình ứng dụng công nghệ cao, việc sử dụng phân vi sinh bón cho cây lúa rất hiệu quả, hạ phèn, năng suất cũng tăng hơn, hiệu quả hơn ngoài mô hình khảng 2 triệu đồng/ha, sắp tới đây tuy nhà nước hỗ trợ thấp hơn, nhưng ông tiếp tục duy trì thực hiện mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao này, để đất ngày được tươi xốp và năng suất, lợi nhuận của cây lúa đươc cao hơn.

Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao vụ lúa Hè thu 2023, ấp Kênh Chà – xã Nhơn Hòa

Cùng với sự chung tay góp sức của các ngành chuyên môn huyện, UBND xã, mô hình sản xuất lúa chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao ngày càng được nhân rộng và được đông đảo nông dân nhiệt tình hưởng ứng vì vừa giúp giải quyết được khó khăn trước mắt vừa là hướng đi ổn định lâu dài cho nhà nông. Ông Nguyễn Văn Triều - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND huyện, năm 2023 Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện triển khai thực hiện 99 mô hình sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao, trong đó mô hình mới nhân rộng là 50 mô hình,  49 mô hình duy trì, riêng vụ Hè thu 2023 triển khai thực hiện 38 hô hình, trong đó 18 mô hình mới nhân rộng, 20 mô hình duy trì, nhìn chung qua tổng kết các mô hình thì cho thấy khi tham gia mô hình nông dân giảm được giống, chi phí phân bón, công lao động, nâng cao lợi nhuận so với diện tích lúa đối chứng là trên 2 triệu đồng/ha.

Nhìn chung qua triển khai thực hiện, trong mô hình  nông dân tham gia đều sử dụng giống xác nhận, sạ thưa theo khuyến cáo từ 100 -120 kg/ha, áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại IPM, xử lý dịch hại theo nguyên tắc 4 đúng, 100% nông dân có ghi sổ nhật ký đồng ruộng; quy trình 1 phải 5 giảm được tập huấn ngay đầu vụ có tính nổi bật hơn tập quán canh tác trước đây như mật độ lúa thưa, đồng đều, sử dụng phân hữu cơ vi sinh giúp cải tạo đất, giảm lượng phân hóa học, giảm thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng, kinh nghiệm canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao được tiếp cận và có thêm kinh nghiệm vào các buổi trực tiếp thăm đồng cùng cán bộ kỹ thuật. Mô hình canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao sử dụng giống lúa cấp xác nhận và áp dụng giải pháp kỹ thuật 1 phải 5 giảm, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, sử dụng phân hữu cơ vi sinh và chế phẩm sinh học; gắn kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm đầu ra, góp phần giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Thông qua mô hình mỗi hội viên nông dân là hạt nhân để nhân rộng diện tích lúa trong vùng quy hoạch sản xuất ứng dụng công nghệ cao, tạo ra lượng lúa hàng hóa lớn đạt chất lượng cho nhu cầu xuất khẩu, thể hiện tinh thần tập thể liên kết, hợp tác sản xuất cùng có lợi. Thực hiện được chuỗi sản xuất lúa nâng cao giá trị hàng hóa trong việc canh tác tập trung, đồng nhất một loại giống tạo sản lượng lúa lớn, đủ nhiều để gắn kết với doanh nghiệp thu mua và bao tiêu hết sản phẩm đầu ra, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân./.

Kim Nhạn

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu