Tất cả chuyên mục

Thời điểm này, nông dân huyện Tân Thạnh bắt đầu bước vào vụ thu hoạch lúa thu đông 2021. Vụ này, do phân bón, vật tư đầu vào tăng giá làm chi phí sản xuất tăng mạnh, nông dân rất kỳ vọng lúa trúng mùa, bán được giá cao, có vụ mùa bội thu. Tuy nhiên, giá lúa đang có xu hướng tụt dốc, nông dân không khỏi lo lắng.
Nông dân Tân Thạnh thu họach lúa thu đông
Vụ hè Thu Đông 2021 nông dân huyện Tân Thạnh xuống giống được gần 24 ngàn ha, chủ yếu gieo sạ các giống lúa chất lượng cao, phù hợp với vùng đất, thổ nhưỡng ở địa phương như: OM 4900, Đài Thơm 8, OM 5451, nếp. Các diện tích nằm trong các ô đê bao lửng, xuống giống sớm, nông dân đã bắt đầu bước vào giai đoạn thu hoạch, năng suất bình quân đạt khoảng 6 đến 7 tấn/ha.
Giá lúa liên tục giảm, thương lái chậm mua hoặc bỏ cọc
Do ảnh hưởng của dịch Covid – 19 diễn biến phức tạp, nhất là thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính Phủ, từ đó giá lúa liên tục tụt dốc, làm cho người trồng lúa gặp không ít khó khăn. Với chi phí đầu tư cho mỗi ha khoảng 20 triệu đồng, với giá bán từ 4 ngàn 500 đồng đến 4 ngàn 600 đồng như hiện nay, nông dân thu lãi thấp, hoặc không có lãi, đối với những người thuê đất khả năng huề với tới lỗ. Mặt khác, công tác vận chuyển lúa tiêu thụ gặp khó khăn, nông dân do không có điều kiện phơi sấy nên đều chọn giải pháp bán lúa tươi tại ruộng nên dễ bị ép giá, nông dân phải chờ đợi thương lái, dẫn đến lúa có thể bị giảm năng suất và chất lượng.
Nông dân gặp khó khăn trong vận chuyển, phơi sấy sau thu họach
Theo nhiều nông dân, để bình ổn giá lúa trên thị trường cần đẩy mạnh việc thu mua lúa tạm trữ trong dân, để đảm bảo nông dân không bị thua lỗ. Song về lâu dài, cần chú trọng chuyển dịch cây trồng thay lúa, phân bổ lịch sản xuất lệch vụ để đảm bảo cung cầu, cơ cấu lại giống lúa chất lượng cao có khả năng xuất khẩu cao. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh khai thác, xúc tiến thị trường xuất khẩu lúa tiềm năng, nâng cao giá trị trên cùng diện tích.
Kim Nhạn
Ý kiến ()