Tất cả chuyên mục

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, huyện Tân Trụ đang tập trung đầu tư và kêu gọi khai thác “Du lịch sinh thái gắn với du lịch tâm linh”.
Khu vực ngã ba sông Vàm Cỏ
Mặc dù chưa có những tour tuyến cụ thể, cố định nhưng những năm gần đây huyện Tân Trụ đã trở thành điểm đến mới của du khách, nhất là những tay du lịch phượt. Nơi đây thu hút du khách bởi những điều hết sức bình dị, gần gũi của làng quê. Đó là những vườn thanh long xanh mượt, là những với những tuyến đường nông thôn mới được trồng hoa, cây xanh giữa bạt ngàn ruộng lúa. Đặc biệt là tuyến đường ông Đồ Nghị dài hơn 2km với khoảng 300 gốc cau vua thẳng tắp xanh mát 2 bên đường. Vẻ đẹp “quyến rũ” của khung cảnh thiên nhiên nơi này đã nhanh chóng được lan tỏa, biến con đường trở thành một địa điểm mà bất cứ du khách nào khi về Tân Trụ cũng muốn ghé qua.
Môi trường, cảnh quan của một huyện thuần nông như Tân Trụ là điều kiện tốt để phát triển du lịch sinh thái
Bên cạnh nét đẹp dung dị, bình yên của vùng quê nông thôn mới, Tân Trụ còn gây được ấn tượng với du khách bởi những con người thân thiện, hiền hòa, hiếu khách. Họ mở cửa ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi, họ xây dựng điểm dừng chân sẵn sàng mở cửa miễn phí chào đón khách đến tham quan chỉ với một mong muốn duy nhất là quảng bá hình ảnh đất và người Tân Trụ đến gần hơn với du khách khắp nơi.
Hàng cau vua có chiều dài hơn 2 km
Ông Lê Văn Nhân chủ nhân ngôi nhà cổ và là hậu duệ của ông Đồ Nghị chia sẻ: “Tôi cũng quảng bá cho khách bạn bè đến thăm như những người trong gia đình trở về. Khách về tham quan Tân Trụ đến hàng cau, rồi đến thăm resort này rồi đến nhà cổ nữa. Mà tôi có cái mong muốn là làm sao quảng bá quê hương của mình lên cho người ta biết càng nhiều càng tốt. Bởi vậy mà khách đến mình sẵn sàng đón tiếp, về người ta rất là cảm ơn mình, vui vẻ, nhiệt tình, tham quan này kia miễn phí hết ráo”
Khách đến thăm ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi
Còn bà Nguyễn Thị Phượng chủ khu Resort ở xã Đức Tân, huyện Tân Trụ cho biết: “Tôi nghĩ thôi mình có nhà đẹp, người ta vô thích thì cứ cho người ta vô tham quan. Tại người ta đến, người ta vô nhà mình cũng là niềm vui của mình rồi. Tôi tự hào lắm, quê hương của mình nó đẹp, nhiều người người ta biết đến thì mình phấn khởi thêm, càng tự hào cho quê hương của mình’
Thăm khu resort tại xã Đức Tân
Tân Trụ với những lợi thế du lịch sẵn có về địa hình, là huyện duy nhất của tỉnh được tiếp giáp, bao bọc bởi hai con sông xanh biếc Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây; các khu di tích lưu lại những dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc như Miễu Ông Bần quỳ, Đám lá tối trời, đặc biệt là Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia Vàm Nhựt Tảo – nơi tưởng niệm vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực. Bên cạnh đó, Tân Trụ còn có những làng nghề truyền thống nổi tiếng như làm trống, đan chiếu và văn hóa ẩm thực Nam bộ phong phú, đa dạng… Tất cả đã tạo nên một bức tranh làng quê yên ả, thanh bình, hứa hẹn sẽ là một địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng, làm hài lòng du khách, nhất là du khách quốc tế bởi sự mới lạ, thơ mộng và gần gũi với thiên nhiên.
Du khách thích thú với quan cảnh thiên nhiên Tân Trụ
Nói về dự định của huyện trong phát triển du lịch trong thời gian tới, ông Trịnh Phước Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ hồ hởi: “Định hướng của huyện là đầu tư vào ngành DLST trên nền tảng hiện có huyện, đó là huyện thuần nông nên môi trường, sinh thái, tiềm năng còn rất nhiều, chính vì thế điều kiện phát triển DLST rất là tốt. Huyện sẽ kêu gọi các nhà đầu tư để đầu tư vào khu vực ven sông Vàm Cỏ Tây(VCT), đó là nơi huyện qui hoạch làm DLST. Huyện sẽ kêu gọi đầu tư phát triển dịch vụ lưu trú để khách đến và ở lại Tân Trụ nhiều hơn. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ đầu tư phát triển các tuyến đường ven 2 sông VCĐ và VCT để khi có đường rồi, các nhà đầu tư họ sẽ đến để đầu tư những khu DLST trên địa bàn huyện”
Với lợi thế sẵn có, cùng với nguồn nhân lực dồi dào, thêm vào đó là sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương đối với công ty và du khách,… là những điều kiện thuận lợi giúp Tân Trụ phát triển mạnh du lịch sinh thái trong thời gian tới./.
Duy Huệ – Võ Huy
Ý kiến ()