Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 31/12/2024 02:55 (GMT +7)
Tân Trụ phát triển mô hình nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0
Thứ 6, 22/09/2023 | 16:23:06 [GMT +7] A A
Sáng 22/9, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Tân Trụ đã tổ chức buổi hội thảo "Nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0" tại xã Nhựt Ninh.
Mô hình nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 được thực hiện tại hộ bà Đặng Thị Kim Hương, ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh. Mô hình thực hiện với quy mô 2.500 m² (2 ao) với lượng giống thả là 200.000 tôm giống. Tỷ lệ nuôi sống đối với ao giai đoạn 1 là 80% và ao giai đoạn 2 là 75%. Tôm tăng trọng ao giai đoạn 1 là 32 con/kg và ao giai đoạn 2 là 45 con/kg. Hệ số tiêu tốn thức ăn là 1.33kg thức ăn/ kg tăng trọng.
Ưu điểm mô hình này là chủ động trong việc phòng bệnh, quản lý ao nuôi dễ dàng do diện tích ao nhỏ, giảm dịch bệnh, hạn chế sử dụng kháng sinh trong việc phòng bệnh, tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường.
Ông Đặng Văn Đảnh - Hộ nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 chia sẻ: “Sau 3 tháng thực hiện tôi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tận tình hướng dẫn ứng dụng quy trình nuôi tôm hai giai đoạn ứng dụng từ điều khiển tự động kết hợp sử dụng các chế phẩm sinh học, vi sinh vào nuôi tôm. Tôi nhận thấy tôm tang trưởng tốt, rút ngắn được thời gian nuôi, giảm được các loại thuốc xử lý khí độc, hạn chế sử dụng kháng sinh.’’
Chị Phan Thị Thu Nga - Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Trụ cho biết: “Thông qua mô hình nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 tôi mong muốn giúp người dân thực hiện đúng quy trình hướng dẫn ương tôm sang tôm qua ao giai đoạn 2 giúp kiểm soát được tốt môi trường nuôi và con tôm, sử dụng các loại chế phẩm sinh học thay thế việc sử dụng kháng sinh phòng bệnh kết hợp kết hợp sử dụng tủ điều khiển tự động dần dần từng bước ứng dụng thêm công nghệ 4.0 vào việc nuôi tôm.’’
Nhằm áp dụng hiệu quả mô hình, khuyến cáo nông hộ cần duy trì việc thực hiện nuôi ương giai đoạn 1 và sang ao giai đoạn 2 để kiểm soát được môi trường và con tôm, có thêm một ao xử lý nước thải, chất thải để xả thải khi tôm bị bệnh, bổ sung thêm các chế phẩm sinh học, vi sinh khác để thay thế kháng sinh.
Có thể thấy, sự thành công của các mô hình nuôi tôm đã giúp mở rộng diện tích nuôi tôm, khai thác tiềm năng và phát huy lợi thế của huyện, tạo ra được sản phẩm tôm sạch, có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu đối với các thị trường khó tính như hiện nay. Đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến sản xuất bền vững./.
Kế Vương
Ý kiến ()