Thứ Sáu, 17/01/2025 14:26 (GMT +7)

Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào tiến trình phát triển kinh tế

Thứ 3, 09/05/2017 | 15:07:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Cần phải tập trung vào bình đẳng giới, phát huy khả năng sáng tạo của phụ nữ và thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.

Trong khuôn khổ của Hội nghị các quan chức cao cấp APEC lần thứ 2 (SOM 2), phiên họp Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế (PPWE) đã được tổ chức sáng nay (9/5) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

tang cuong su tham gia cua phu nu vao tien trinh phat trien kinh te hinh 1
Phiên họp Nhóm đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế trong khuôn khổ SOM 2 diễn ra tại Hà Nội sáng nay

Tại phiên họp này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) nhấn mạnh, đây là cuộc họp chính sách của APEC về phụ nữ và kinh tế nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế trong bối cảnh hội nhập.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, cùng với mục tiêu chung của APEC là xây dựng cộng đồng hòa bình, ổn định, hội nhập và phồn thịnh trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đã lựa chọn bốn ưu tiên: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo theo chiều sâu; Tăng cường hội nhập kinh tế khu vực; Nâng cao khả năng cạnh tranh trong kỷ nguyên số và Đảm bảo an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đề cập vai trò của nữ giới trong phát triển kinh tế, ông Diệp cho rằng, cần phải tập trung vào bình đẳng giới, phát huy khả năng sáng tạo của phụ nữ và thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, để các chương trình hợp tác APEC phát huy hiệu quả, cần đảm bảo phụ nữ được hưởng lợi từ tăng trưởng kinh tế và có đóng góp vào tiến trình phát triển kinh tế.

Trong báo cáo về các ưu tiên về phụ nữ và kinh tế của đoàn Việt Nam trình bày tại hội nghị SOM 2, đặc biệt lưu ý tới sự tiếp cận vốn và tài sản của nữ giới. Theo số liệu của Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam, tính đến năm 2016, có khoảng 3,5 triệu phụ nữ nghèo được tiếp cận vốn để phát triển sản xuất kinh doanh. Phụ nữ cũng được đứng tên tài sản đất đai, nhà cửa (chiếm khoảng 17,4% là đứng tên riêng, và 20,6% đứng tên cùng chồng)…

Báo cáo của đoàn đại biểu của Mỹ về phát triển nhân lực lưu ý: Để nền kinh tế “sống khỏe”, thì phụ nữ cũng phải khỏe mạnh. Báo cáo này chỉ ra thực tế rằng, ở những quốc gia có nền kinh tế phát triển thì sự đóng góp của phụ nữ vào tăng trưởng kinh tế lớn hơn ở các nước đang phát triển./.

Trần Ngọc – Ngọc Khánh/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu