Thứ Sáu, 24/01/2025 10:40 (GMT +7)

Tăng lương, tinh giản biên chế: Lo thải người giỏi, giữ người kém!

Thứ 4, 30/05/2018 | 17:09:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Tăng lương, tinh giản biên chế là việc nhất thiết phải làm để tăng chất lượng, hiệu quả bộ máy. Nhưng làm thế nào mới là việc khó.

Chưa bao giờ câu chuyện về cải cách tiền lương, tinh giản biên chế lại được bàn luận nhiều như bây giờ. Câu chuyện về 40 nhân tài ở Đà Nẵng nghỉ việc đã khiến nhiều người lo lắng, việc tinh giản biên chế nếu làm không nghiêm, không minh bạch thì chúng ta dễ bỏ người tài giữ những kẻ năng lực yếu kém nhưng có tài nịnh bợ, luồn cúi ở lại để được tăng lương.

tang luong tinh gian bien che lo so giam nguoi gioi giu ke yeu de tra luong hinh 1
Quan hệ thân hữu, lợi ích nhóm cần được phá bỏ khi tiến hành tinh giản biên chế.

Bạn tôi, gần hết cuộc đời làm công chức, dù là người rất mẫn cán, có tài, có trách nhiệm nhưng vẫn chỉ là công chức quèn. Chỉ vì anh luôn thẳng thắn đưa ra quan điểm, thậm chí là phê bình nếu thấy những việc làm “chướng tai gai mắt”. Vì vậy mà anh chẳng được ai tín nhiệm trong những cuộc bầu bán. Thế nhưng, nếu một ngày thiếu anh ở văn phòng thì nhiều việc lại “lộn tùng phèo” hết cả. Anh sắp đến tuổi nghỉ hưu, nhiều người trong văn phòng mừng lắm, vì từ nay thoải mái rảnh rang, muốn làm gì thì làm, không có ai “soi” nữa. Chỉ có đám trẻ mới vào phải “ngồi bệt” là mong kéo dài tuổi nghỉ hưu của anh, bởi không có anh thì không ai dám phản biện sếp và những người trên quyền.

Anh bảo, anh ghét bọn xu nịnh, vì chúng không làm được việc nhưng biết cách chiều chuộng, hầu hạ sếp, luồn lách giỏi nên rất được lòng mọi người. Anh nhiều lúc cũng phiền lòng vì khi có việc khó thì đến tay anh, nhưng khi vui vẻ, cất nhắc vào các vị trí người khác lại được chọn.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, năm 2017, qua rà soát phát hiện cả nước thừa 57.175 nhân viên, công chức và đã có kiến nghị chấn chỉnh siết chặt công tác quản lý biên chế công chức, viên chức, người lao động.

Dư thừa hàng chục nghìn biên chế nhưng nếu giờ tinh giản ai thì thật là khó. Bởi chỉ tính riêng số người dư thừa này thôi thì có bao nhiêu người được tuyển dụng một cách minh bạch, bao nhiêu người là con ông cháu cha, thân hữu hoặc “chạy” bằng tiền?

Nếu chúng ta không thay đổi cách sử dụng, ứng xử, đối đãi với người có tài năng thực sự thì chắc chắn số người bất đắc chí với Nhà nước sẽ còn tăng. Thực tế, đã có rất nhiều người có năng lực không chịu nổi môi trường làm việc trong cơ quan Nhà nước đã bỏ ra ngoài làm riêng hoặc làm cho các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ… đều rất thành công. Đáng suy ngẫm lắm chứ khi mà nhiều người ra khỏi cơ quan Nhà nước sau một thời gian đã phát biểu rằng mình thật may mắn!

Chúng ta đã có Nghị quyết về cải cách tiền lương, tinh giản biên chế. Từ nghị quyết đến cuộc sống là cả một chặng đường dài đầy khó khăn. Nếu không vượt qua được những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, sự ích kỷ của bản thân… thì dù có quyết tâm cũng không thể đạt kết quả. Khi những người tài bỏ ta đi thì lương kia sẽ dành cho những kẻ yếu kém, trì trệ, kéo lùi sự tăng trưởng và phát triển đất nước./.

Theo An Nhi/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu