Thứ Bảy, 11/01/2025 13:55 (GMT +7)

Tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT: Khó vẫn phải làm

Thứ 6, 07/04/2017 | 14:31:00 [GMT +7] A  A

Khi viện trợ quốc tế bị cắt giảm và chấm dứt thì việc điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS sẽ phải dựa vào những nguồn lực trong nước, buộc người bệnh phải có bảo hiểm y tế (BHYT) thì mới có cơ chế để chi trả và là giải pháp chủ yếu đảm bảo sự bền vững cho họ được điều trị. Tuy nhiên, ở nước ta nói chung và TPHCM nói riêng, số người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT còn rất thấp, gây không ít khó khăn trong nỗ lực tiến tới kết thúc đại dịch.

30% người nhiễm chưa có BHYT

Tại Hội thảo “Đánh giá công tác khám chữa bệnh HIV/AIDS bằng BHYT năm 2016” diễn ra ở TPHCM vừa qua, ông Dương Minh Hải, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, cho biết hiện tổng số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang sinh sống và điều trị trên địa bàn TP là 29.402 người, số bệnh nhân được tư vấn BHYT 27.685 người (trong đó, bệnh nhân có hộ khẩu TP 19.583 người, chiếm 71%). Tuy nhiên, trong số 19.583 bệnh nhân có hộ khẩu TP thì chỉ 13.639 người có thẻ BHYT (chiếm 70%) và 4.985 người nhiễm HIV/AIDS sử dụng thẻ (chiếm 30%).

Mặc dù thời gian qua TP đã đưa ra nhiều giải pháp nâng cao khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS bằng nhiều giải pháp như: vận động người bệnh tham gia BHYT; phát triển các cơ sở điều trị đủ sức bao phủ; tăng cường khả năng chăm sóc toàn diện cho gần 30.000 người bệnh… nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Hiện chỉ có khoảng 70% người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT, 30% còn lại hoặc không muốn tham gia, bởi có những e ngại khi sử dụng BHYT khi khám, chữa bệnh phải đưa giấy tờ, chứng minh nhân thân sẽ bị lộ danh tính, nhiều người còn trông chờ sự hỗ trợ của nhà nước hoặc các dự án. Tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn cao, gây cản trở cho người có nhu cầu tiếp cận các dịch vụ dự phòng, điều trị và chăm sóc, làm giảm tác dụng và hiệu quả của các dịch vụ này, bao gồm cả việc mua và sử dụng thẻ BHYT…

Để đạt được mục tiêu 100% bệnh nhân có thẻ BHYT vào năm 2018, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng, sở đã kiến nghị UBND TP dùng số tiền kết dư quỹ BHYT năm 2016 hỗ trợ mua thẻ BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng mua thẻ. Tuy nhiên, vẫn còn một số bệnh nhân khó mua được thẻ BHYT do không có giấy tờ nhân thân và bệnh nhân đang cai nghiện tại các trường, trại. Hiện TP cũng đã kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp để những bệnh nhân này được điều trị liên tục trong thời gian chờ mua thẻ BHYT.

Cấp phát thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS

Mở rộng mạng lưới điều trị

Tính đến nay, TPHCM có 46 phòng khám ngoại trú tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, nhưng chỉ có 20 đơn vị đủ điều kiện thanh toán BHYT. Và đến tháng 3-2017, mới có 6/24 trung tâm y tế dự phòng có chức năng điều trị HIV/AIDS. Dù con số cơ sở điều trị và thanh toán BHYT khiêm tốn như vậy, nhưng TP không lựa chọn phương thức sáp nhập bệnh viện quận, huyện vào trung tâm y tế dự phòng để thành lập trung tâm y tế hai chức năng, mà chỉ tăng thêm chức năng điều trị cho các trung tâm y tế dự phòng hiện hành. Về các cơ sở điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, theo số liệu của Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TPHCM, trong năm 2016 đã triển khai thêm 16 phòng khám ngoại trú đặt tại các bệnh viện quận, huyện và hiện đã có 11 phòng khám nhận bệnh cũng như khám chữa bệnh theo diện BHYT. Dự kiến trong quý 2-2017, 5 phòng khám còn lại sẽ đưa vào hoạt động và mở thêm 2 phòng khám ngoại trú tư nhân mới.

Như vậy, trong năm 2017, TP sẽ có mạng lưới 48 phòng khám ngoại trú gồm 30 phòng khám cũ và 18 phòng khám mới, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Mặt khác, Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị các quận, huyện đẩy nhanh việc thành lập các phòng khám đa khoa tại trung tâm y tế quận, huyện để có thể ký hợp đồng khám chữa bệnh với BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị kịp thời. Dự kiến đến tháng cuối năm 2017, tất cả các cơ sở này sẽ tiếp nhận và khám chữa bệnh bằng BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS.

Liên quan đến vấn đề kiện toàn hệ thống điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS qua BHYT. Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP, cho rằng các phòng khám ngoại trú cũng cần nhanh chóng đáp ứng đủ các điều kiện để sớm ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT. Ngoài ra, đề xuất Bộ Y tế mở rộng danh mục thuốc cho tuyến quận, huyện để đáp ứng nhu cầu điều trị cho người có thẻ BHYT, đặc biệt là bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nhằm tiến tới khống chế và sớm kết thúc đại dịch n

Theo thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS, tính đến hết tháng 1-2017, cả nước có 116.000 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang điều trị ARV tại 397 cơ sở và 33 điểm cấp thuốc. Tuy nhiên, mới chỉ có 59 cơ sở y tế thực hiện khám chữa bệnh BHYT đối với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS và 185 cơ sở đủ điều kiện ký hợp đồng thanh toán BHYT.

13 tỷ đồng/năm hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT

Theo bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế TPHCM, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế, TPHCM đã có kế hoạch miễn phí 100% việc cấp thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS. Đối tượng được hưởng là bệnh nhân có hộ khẩu TP và người nhiễm cư trú lâu dài (trên 6 tháng) tại TP. Nguồn hỗ trợ lấy từ Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo, Quỹ kết dư BHYT hàng năm và ngân sách TP. Dự trù kinh phí hỗ trợ hơn 13 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, người bệnh còn được TP hỗ trợ 20% phí đồng chi trả BHYT đối với thuốc ARV. Chi phí hỗ trợ điều trị theo phác đồ này ước tính khoảng 3 – 18 triệu đồng/người/năm.

(SGGP Online)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu