Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 11:53 (GMT +7)
Tạo bước tiến cho xuất khẩu 2018
Thứ 7, 17/02/2018 | 09:58:00 [GMT +7] A A
Theo dự báo của giới chuyên gia, năm 2018 vẫn là một năm có nhiều hy vọng với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước.
Chẳng hạn như lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng thêm 400.000 tấn và chạm ngưỡng 6 triệu tấn. Cùng với đó, đây cũng được xem là năm thuận lợi đối với ngành dệt may với mục tiêu xuất khẩu 33,5 tỷ USD. Bên cạnh các giải pháp thúc đẩy các mặt hàng chủ lực, nhiều ý kiến cho rằng để phát triển bền vững, cơ cấu này cần từng bước chuyển dịch, thay đổi theo hướng tập trung vào các sản phẩm công nghiệp.
Những bước tiến dài
Ngày 14/1/2018, tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức lần đầu tiên phát lệnh xuất khẩu lô hàng thủy sản đầu năm 2018. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN |
Mặc dù mới là những ngày đầu của năm mới, nhưng Việt Nam liên tiếp đón nhận những tin vui. Mở đầu và được cho là quan trọng nhất là Báo cáo Môi trường kinh doanh 2018 do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Việt Nam đứng thứ 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2017 (82/190 nền kinh tế) vì có nhiều cải thiện từ chính sách của Chính phủ; trong đó có 8/10 chỉ số tăng điểm.
Không những thế, việc Việt Nam có trên 200 đối tác thương mại khắp toàn cầu (29 thị trường xuất khẩu và 23 thị trường nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD) đã được nhiều nước trong khu vực đánh giá Việt Nam là “ngôi sao” đang nổi trên bản đồ kinh tế toàn cầu với những bước tiến lớn về hội nhập và tăng trưởng kinh tế nhanh trong 30 năm qua.
Dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cho thấy, năm 2018, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ tận dụng được lợi thế của tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào khoảng 3,6%. Song hành với đó là động lực từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã và đang tiếp tục đàm phán, ký kết. Đặc biệt là khi cộng đồng doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội từ các FTA sẽ góp phần thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng hóa.
Ngoài ra, việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thông thoáng theo tinh thần Chính phủ kiến tạo cũng là động lực rất lớn trong việc phát triển các doanh nghiệp, thu hút mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm có thế mạnh của khối doanh nghiệp FDI.
Đây là bước tiến dài của Việt Nam và thêm một lần nữa khẳng định chính sách đúng đắn trong việc cải thiện môi trường cạnh tranh, tạo tiền đề cho nền kinh tế năm 2018 và những năm tiếp theo.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, với những thành tích vượt trội về xuất khẩu năm qua, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Chính phủ yêu cầu năm 2018 xuất khẩu đảm bảo tăng trưởng từ 8 – 10% so với năm trước và nhập siêu không quá 3%.
Do đó, Bộ đã bắt tay vào thực hiện các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, đẩy mạnh mở rộng thị trường gắn với đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhất là thủ tục kiểm tra chuyên ngành theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2018.
Dù cơ hội và thách thức đan xen, nhưng theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), đây vẫn là một năm tích cực với nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của đất nước. Ông Trần Thanh Hải cũng ví von: Với mặt hàng gạo xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng về khối lượng chủ yếu nhờ nhu cầu nhập tăng từ một số quốc gia khu vực Đông Nam Á, nhất là tại Philippines.
Hay với lĩnh vực thủy sản, tổng giá trị xuất khẩu có thể tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ sản phẩm tôm và sự linh hoạt xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Vì vậy, nhiều khả năng xuất khẩu thủy sản sẽ đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với năm ngoái.
Cùng quan điểm này, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) khẳng định: Năm 2018 doanh nghiệp dệt may vẫn tiếp tục đạt mức tăng trưởng trên sân nhà, nhưng sẽ cần có sự cân bằng giữa phát triển thị trường nội địa và xuất khẩu để đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động và giữ vững sự phát triển doanh nghiệp.
Theo đó, Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu 48.500 tỷ đồng, lợi nhuận 1.450 tỷ đồng và toàn ngành cũng đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 34 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Đây là thách thức không hề nhỏ của ngành dệt may trong nước nếu không nỗ lực và chú trọng nhiều hơn tới giải pháp tăng năng suất lao động, mở rộng sang các thị trường khác nhiều tiềm năng mà trước nay chưa có cơ hội khai phá.
Đa dạng các giải pháp
May hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Formostar, Hải Dương. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Theo ông Lê Đăng Khôi, chuyên gia nghiên cứu thuộc Phòng Nghiên cứu và dự báo thị trường, Viện nghiên cứu Chiến lược chính sách công thương (Bộ Công Thương), những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu có xu hướng tăng trưởng xuất khẩu cao trong năm nay sẽ tập trung vào hàng nông sản, dệt may, da giầy…. Đây sẽ vẫn là nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm nay và thời gian tới.
Tuy nhiên, những nhóm hàng này vẫn chủ yếu thuộc về các doanh nghiệp FDI nên kim ngạch xuất khẩu năm 2018 có thể tăng, nhưng rất khó tạo ra sự đột phá. Bởi vậy, cần xác định và dần mở rộng, phát triển xuất khẩu những mặt hàng mới, những mặt hàng có tiềm năng của Việt Nam.
Còn theo ông Phạm Hưng, Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), về cơ bản tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018 có nhiều yếu tố thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn.Đơn cử như nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sẽ gặp phải những vấn đề về kiểm soát chất lượng từ các thị trường nhập khẩu. Ngoài ra, ngành dệt may, da giày vốn có lợi thế là nguồn nhân công giá rẻ sẽ dần mất đi khi nhiều quốc gia áp dụng công nghệ tự động hóa trong xu thế Cách mạng công nghiệp 4.0.
Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, về lâu dài để phát triển bền vững, cơ cấu này cần từng bước chuyển dịch, thay đổi theo hướng trông vào các sản phẩm công nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, dự báo kinh tế thế giới năm 2018 sẽ tiếp tục phục hồi, mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu. Tuy nhiên, song hành với đó là những yếu tố bất ổn, tăng trưởng được dự báo không ở mức cao; chính sách kinh tế và thương mại của các nền kinh tế lớn như Hoa Kỳ, EU… có thể thay đổi nhanh và có tác động đa chiều.
Ngoài ra, xu hướng bảo hộ ngày càng gia tăng. Các nước nhập khẩu đặt ra ngày càng nhiều rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại. Một số mặt hàng nông sản, khoáng sản đã đến ngưỡng, khó có khả năng tăng trưởng cao về lượng xuất khẩu…
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp Nhà nước; trong đó phải lấy tiêu chí về năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệu quả trong đầu tư làm thước đo cuối cùng.
Đặc biệt, phải đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Đồng thời rút ngắn tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các FTA giữa Việt Nam và các nước để tạo dư địa mới cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường thế giới.
Ý kiến ()