Chủ Nhật, 12/01/2025 18:08 (GMT +7)

Tạo cơ chế gọi vốn tư nhân vào các dự án cao tốc

Thứ 7, 30/10/2021 | 10:16:00 [GMT +7] A  A

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 toàn bộ bằng hình thức đối tác công-tư (PPP).

Thi công cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Ảnh: Vân Sơn/Báo Tin tức

Giải pháp này nhằm hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, giảm áp lực cho ngân sách. Nhiều chuyên gia nhìn nhận, đây là chủ trương đúng nhưng để hiện thực hóa còn nhiều việc phải làm, đặc biết là cơ chế chính sách thu hút đầu tư.

Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025 gồm 12 dự án thành phần, với tổng chiều dài khoảng 729 km, gồm các đoạn: Hà Tĩnh – Quảng Trị (267 km), Quảng Ngãi – Nha Trang (353 km) và Cần Thơ – Cà Mau (109 km). Dự án đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Các dự án trên được Bộ Giao thông Vận tải đề xuất đầu tư toàn bộ bằng hình thức PPP với tổng mức đầu tư khoảng 124.619 tỷ đồng, phần vốn hỗ trợ của nhà nước khoảng 61.628 tỷ đồng. Trong đó, tổng mức đầu tư của 9 dự án được đề xuất lựa chọn xây dựng trong giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 120.035 tỷ đồng và 3 dự án thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 4.584 tỷ đồng.

Đánh giá về tính cấp thiết phải sớm thông toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam, các chuyên gia giao thông nhìn nhận, trên tuyến cao tốc này hiện có một số đoạn tuyến đã hoàn thành và nhiều phân đoạn đang xây dựng. Do vậy, việc đầu tư các dự án thành phần còn lại để nối thông toàn tuyến là rất cấp thiết nhằm phát huy hiệu quả toàn dự án.

Tiến sỹ Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông nhìn nhận, cao tốc Bắc – Nam khi được nối thông toàn tuyến sẽ là mạch máu dọc theo chiều dài đất nước, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, giao thương, tạo cú hích rất lớn để phát triển kinh tế – xã hội các vùng miền và đất nước.

Theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), tỷ lệ tham gia vốn nhà nước tối đa là 50% tổng vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư – Bộ Giao thông Vận tải cho biết, khi đầu tư bằng hình thức PPP sẽ tận dụng và phát huy được thế mạnh của doanh nghiệp trong nước về công nghệ, kinh nghiệm quản lý để các doanh nghiệp ngày càng trưởng thành, từ đó, nâng cao được vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Ngoài ra, đẩy mạnh đầu tư PPP còn giúp giải quyết công ăn việc làm, tạo ra môi trường ngày càng minh bạch giữa khu vực công và khu vực tư.

Đại diện đơn vị lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, ông Lê Thắng, Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) chia sẻ, nếu được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư trong thời gian tới, các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 – 2025 sẽ bắt đầu thực hiện đầu tư từ năm 2022.

Thừa nhận những khó khăn trong huy động vốn PPP mà các dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2016-2020 đã gặp phải nhưng lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, dự án này áp dụng cơ chế mới của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), như chia sẻ phần giảm doanh thu, không chỉ huy động vốn từ ngân hàng mà cả các nguồn tín dụng hợp pháp khác (phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán…) nên vẫn thu hút được vốn.

Tuy nhiên, dưới góc độ kinh tế, các chuyên gia cho rằng, các dự án PPP (thông qua hình thức hợp vốn BOT) không giống như các dự án bất động sản hay những dự án phát triển khác. Trong những năm đầu hoàn vốn dự án BOT, dòng tiền khá khó khăn do lưu lượng xe chưa cao, phải ưu tiên trả lãi và trả gốc cho ngân hàng.

Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để Luật PPP đi vào cuộc sống, cần xác định rõ doanh nghiệp dự án PPP (doanh nghiệp BOT) khác với doanh nghiệp kinh doanh bình thường. Phương án tài chính tại dự án PPP phải tính toán cơ cấu lãi vay theo vòng đời của dự án, làm sao thể hiện đúng bản chất là một doanh nghiệp kinh doanh có lợi nhuận đúng như thực tế từ một dự án tài chính hiệu quả.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, các dự án giao thông có thời gian thu hồi vốn kéo dài, ngân hàng hiện nay cân nhắc rất kỹ khi cho vay. Bên cạnh đó, phương án nhà đầu tư phát hành trái phiếu doanh nghiệp hay lên sàn giao dịch chứng khoán để huy động vốn cũng cần tính tới. Bởi vấn đề là các nhà đầu tư đó có đủ độ tin cậy để huy động được vốn hay không.

Bộ Giao thông Vận tải thừa nhận, việc tỷ lệ phần vốn tham gia của Nhà nước tại các dự án PPP không vượt quá 50% tổng mức đầu tư sẽ gây khó khăn cho việc mời gọi đầu tư vào các dự án đường cao tốc, kể cả tuyến cao tốc Bắc – Nam.

Cụ thể, khoản 2, Điều 69, Luật PPP quy định: “Tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án PPP theo quy định tại điểm a (hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống kết cấu hạ tầng thuộc dự án PPP) và điểm c (chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công hình tạm) không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Hiện nay, một số dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông rất cần thiết, cấp bách, cần phải triển khai để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội. Ngoài một số dự án có lưu lượng cao, không yêu cầu tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án cao thì phần lớn dự án cao tốc có lưu lượng thấp, nếu vốn nhà nước tham gia trong dự án nhỏ hơn 50% sẽ không đảm bảo được tính khả thi của dự án. Trong trường hợp thực hiện các dự án này theo phương thức PPP thì thời hạn hợp đồng phải kéo dài, không hấp dẫn đối với nhà đầu tư và các định chế tài chính cung cấp nguồn vốn vay cho dự án.

“Trong điều kiện nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, cần thực hiện chủ trương huy động tối đa nguồn lực xã hội theo phương thức PPP. Để bảo đảm tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, cần có cơ chế để tạo linh hoạt cho cấp có thẩm quyền quyết định tỷ lệ vốn nhà nước tham gia dự án”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đề xuất.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đề cập đến giải pháp phát triển quỹ đất dọc tuyến đường để có thêm nguồn lực tái đầu tư. Khi đường cao tốc đi qua, địa phương là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ được chủ động khai thác quỹ đất để phát triển kinh tế – xã hội và việc giải phóng mặt bằng cũng sẽ thuận lợi hơn. Đồng thời, địa phương xây dựng cơ chế thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư, tạo thêm nguồn lực mỗi năm hàng nghìn tỷ đồng để tiếp tục đầu tư các dự án đường cao tốc khác.

Quang Toàn (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/tao-co-che-goi-von-tu-nhan-vao-cac-du-an-cao-toc-20211030083344165.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu