Thứ Tư, 08/01/2025 10:50 (GMT +7)

Tạo khuôn khổ, cơ chế phối hợp giữa các ngành để du lịch phát triển bền vững

Thứ 3, 29/08/2017 | 16:36:00 [GMT +7] A  A

Ngày 29/8, tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch và Báo Lao Động tổ chức hội thảo “Chuyên nghiệp hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch”.

Quang cảnh trao đổi giữa các chuyên gia, nhà quản lý địa phương về phát triển du lịch bền vững.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Huỳnh Vĩnh Ái, du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hội hóa cao. Do đó, để phát triển cần có cơ chế phối hợp quản lý để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Dẫn chứng về công tác quản lý, phối hợp giữa các ngành trong việc phát triển du lịch tại Vịnh Hạ Long, ông Vũ Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) cho biết: Trước đây, Vịnh Hạ Long nhận được nhiều phản hồi không tốt từ khách du lịch, nhất là tình trạng “chặt chém”, chèo kéo khách. Khi khách vừa xuống tàu có tới 4-5 tàu nhỏ bám xung quanh bán hàng, nhiều khi bán theo hình thức ép buộc, giá cao khiến nhiều khách gọi kiểu bán hàng này là cướp ngày gây mất thiện cảm cho du khách.

“Trước đây, chúng tôi phải thông qua sở ban ngành, kéo xuống việc rất lâu, nhưng kể từ khi tỉnh giao cho UBND thành phố Hạ Long quản lý, chúng tôi đã trực tiếp chỉ đạo xử lý nghiêm việc chèo kéo khách, bán cần câu, quả chuỗi, bánh kẹo… . Tàu nào để các tàu nhỏ bám vào, chèo kéo khách sẽ bị đình chỉ hoạt động. Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã đình chỉ 117 chuyến tàu, nhiều tàu bị đình chỉ 6 tháng. Từ đó hạn chế tình trạng “chặt chém”, chèo kéo khách”, ông Vũ Hồng Sơn cho biết.

Tương tự, với tour 0 đồng, sau khi có phản ánh của báo chí, thành phố Hà Long đã cho kiểm tra và đình chỉ 12 cửa hàng chỉ bán hàng cho khách Trung Quốc. Từ sự phối hợp đồng bộ, sâu sát của chính quyền thành phố Hạ Long, chất lượng dịch vụ du lịch khu vực Vịnh Hạ Long đã cải thiện rõ rệt.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết: Để phát triển du lịch không chỉ cần quyết tâm và nỗ lực của một mình ngành du lịch mà còn rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng. Tất cả đều cùng tham gia trong quá trình chuyên nghiệp hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch, góp phần tạo dựng hình ảnh điểm đến Việt Nam hấp dẫn, thân thiện, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam theo hướng chất lượng.

Giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, ngành du lịch đã có bước phát triển, đạt tốc độ tăng trưởng cao, khách du lịch quốc tế tăng 1,7 lần, trung bình tăng 11%/năm; khách du lịch nội địa tăng 2,1 lần, trung bình tăng 16%/năm; tổng thu từ khách du lịch tăng 3,2 lần, trung bình tăng 26%/năm.

Từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 8,4 triệu lượt, tăng 29,7% so với cùng kỳ 2016. Với đà tăng trưởng như hiện nay, ngành du lịch phấn đấu sẽ đạt 13 triệu lượt khách quốc tế năm 2017.

XC/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu