Trong khuôn khổ quan hệ hợp tác đối tác chiến lược giữa Việt Nam – Tây Ban Nha, hôm nay, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Đại sứ quán Tây Ban Nha tại Hà Nội tổ chức Toạ đàm với chủ đề “Kinh nghiệm hội nhập khu vực của Việt Nam và Tây Ban Nha: Tiếp cận và so sánh”.
Ông Alfonso Tena Garcia, Đại sứ Tây Ban Nha tại Việt Nam, Ông Emilio Fernandez Castano, Đại sứ Tây Ban Nha tại Lít – va và Giáo sư Emilio Ontiveros, Chủ tịch sáng lập Viện Phân tích tài chính quốc tế (AFI) tham dự tọa đàm.
Hơn 20 tham luận tại tọa đàm tập trung chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hội nhập về 4 nội dung chính là: Hội nhập khu vực và sự chuyển biến của quốc gia; Tác động kinh tế của hội nhập khu vực; Tác động chính trị của hội nhập khu vực và Tầm nhìn toàn cầu trong tương lai. Các lĩnh vực được nhìn từ sự so sánh giữa Việt Nam – Tây Ban Nha, Châu Á và Châu Âu, Asean và Liên minh Châu âu…
Về quan hệ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha, các đại biểu cho rằng, từ sau khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao ngày 23/5/1977, đặc biệt, trong chuyến thăm Tây Ban Nha của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tháng 12 năm 2009, hai bên đã thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược hướng tới tương lai”, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng gắn bó chặt chẽ và chia sẻ trên nhiều lĩnh vực.
Tây Ban Nha hiện đang xếp thứ 10 trong số 15 nhà đầu tư châu Âu và thứ 50 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Thương mại song phương tăng lên hàng năm, đạt mốc gần 2,5 tỷ Euro trong năm 2014. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, đầu tư giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng. Sự thiết hụt thông tin hai chiều, đặc biệt từ phía các công ty của Tây Ban Nha là một trong những rào cản cần được khắc phục. Do vậy, các đại biểu cho rằng, tiếp tục đẩy mạnh tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước là hết sức cần thiết.
Ông Bùi Thanh Nam, Phó Chủ nhiệm Khoa quốc tế học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng: “Việc phát triển quan hệ giữa Việt Nam và Tây Ban Nha là hết sức cần thiết. Bởi vì, khu vực Mỹ la tinh, cho đến nay, Việt Nam đã và đang có quan hệ tích cực, nhưng nhận thức chung chia sẻ giá trị chưa có sự hiểu biết lẫn nhau, nên Tây Ban Nha là cầu nối giới thiệu mục đích, động cơ hội nhập của Việt Nam với các nước có sự ảnh hưởng của Tây Ban Nha, cách tiếp cận song phương như vậy rất tích cực”.
Theo bà Nguyễn Thị Quế, Viện Quan hệ Quốc tế, Việt Nam cần phải tích cực chủ động hội nhập, nhất là sau khi cộng đồng ASEAN được thành lập. Qua đó, mở rộng thị trường, tăng cường thu hút đầu tư tiếp nhận công nghệ, kinh nghiệm quản lý hiện đại để phục vụ cho sự phát triển đất nước. Việt Nam phải có lộ trình, bước đi, tận dụng lợi thế so sánh, hạn chế những mặt còn yếu như khoa học, công nghệ để đi tắt đón đầu. Bên cạnh đó, giữ được độc lập tự chủ, kiên định đi lên con đường chủ nghĩa xã hội và thực hiện năm nguyên tắc mà Đảng ta đề ra. Trong quá trình hợp tác này, Việt Nam đi sau học hỏi thì sẽ thành công.
Tại tọa đàm, Giáo sư Emilio Fernandez Castano, Đại sứ Tây Ban Nha tại Lithuania (Lít – va) chia sẻ kinh nghiệm của Tây Ban Nha với vai trò nước thành viên của Liên minh Châu âu khi Việt Nam tham gia các thị trường kinh tế lớn hơn. Ông Emilio Fernandez Castano nói: “Kinh nghiệm của Tây Ban Nha chính là tự do hóa ngành kinh tế; phải biết điều chỉnh cho phù hợp với từng thành viên và nhóm thành viên. Đây là những gì tạo nên sự thay đổi kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài. Đối với Việt Nam thì cộng đồng ASEAN chính là đối tác quan trọng, làm thế nào để Việt Nam thích nghi, hội nhập và toàn cầu hóa thì tùy thuộc vào thể chế chính trị cũng như môi trường đầu tư để thích nghi với các nước trong khu vực”./.
Ý kiến ()