Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 12/01/2025 03:04 (GMT +7)
Thái Lan xả kho gạo: Nghe ngóng, theo sát thị trường
Thứ 5, 28/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Sau khi báo Tin Tức thông tin về việc Thái Lan sẽ bán toàn bộ kho gạo dự trữ trong hai tháng tới trong số báo ra ngày 27/4/2016, chúng tôi tiếp tục ghi nhận được nhiều ý kiến các bên liên quan về động thái này.
Xuất khẩu gạo những tháng đầu năm đang gặp nhiều thuận lợi do nhiều nước tăng cường nhập khẩu gạo Việt Nam để ổn định nguồn cung lương thực trong nước và đối phó với tác động hạn hán do El Nino gây ra.
Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước ta tháng 4 năm 2016 ước đạt 510.000 tấn với giá trị đạt 235 triệu USD. Tính chung 4 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo ước đạt 2,06 triệu tấn và 916 triệu USD, tăng 11,8% về khối lượng và tăng 13,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Về giá cả, theo Bộ NN&PTNT, giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 3 năm 2016 đạt 438 USD/tấn, tăng 0,32% so với cùng kỳ năm 2015.
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại Công ty CP Lương thực Hậu Giang. Ảnh: Duy Khương/TTXVN |
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc đang đứng vị trí thứ nhất về nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016 với 31,54% thị phần. Ba tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 474,39 triệu tấn và 214,58 triệu USD, tăng 41,78% về khối lượng và tăng 61,76% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Indonesia là thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2016, với 20,45% thị phần, đạt 350.700 tấn và 139,1 triệu USD, tăng 73,8 lần về khối lượng và 74,2 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường khác cũng có sự tăng trưởng mạnh là: Gana, Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất, Philippines, Bờ Biển Ngà…
Tuy nhiên, thông tin Thái Lan xả kho gạo khiến các doanh nghiệp lo lắng.
Trao đổi với phóng viên Tin Tức chiều 27/4, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cho biết: “Theo tôi, thông tin Chính phủ Thái Lan quyết định bán toàn bộ 11,4 triệu tấn gạo dự trữ trong vòng 2 tháng tới chắc chắn có ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu lúa gạo của Việt Nam trong năm nay. Như chúng ta đều biết, các thị trường thu mua gạo của Việt Nam hầu hết là gạo phẩm cấp thấp và tập trung ở các quốc gia, châu lục như: Trung Quốc, Đông Nam Á, châu Phi… Trong khi đó, lượng gạo mà Thái Lan tung ra lần này chỉ một ít là gạo chất lượng cao, còn lại hầu hết là phẩm cấp thấp. Có thông tin này từ Thái Lan, các bạn hàng truyền thống của gạo Việt Nam như: Philippines, Indonesia… mặc dù cũng đang bị hạn hán, cần lương thực dự trữ cho thị trường trong nước cũng sẽ không vội vàng mua hàng mà sẽ chờ đợi giá cả thời gian tới sẽ như thế nào. Còn những đối tác khác như châu Phi, Trung Quốc… cũng sẽ rất quan tâm đến thông tin trên và mặc cả nhằm có giá thu mua có lợi nhất”.
Ông Tuấn cho rằng đây là vấn đề về thị trường và khó đòi hỏi một giải pháp can thiệp từ Nhà nước hay Hiệp hội. Vấn đề ở đây là thời gian qua công tác thông tin của chúng ta chưa tốt dẫn đến thực trạng: nhà nông, thương lái ảo tưởng về giá, đổ xô tạm trữ đầu cơ, còn doanh nghiệp khó khăn trong giá bán ra vì thực tế giá bán không tăng mà còn có nguy cơ giảm. Số lượng xuất khẩu gạo các tháng đầu năm nay hầu hết thuộc về hợp đồng cũ, còn thực tế số lượng mới không nhiều.
Trong khi đó, ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), lại cho rằng, việc Thái Lan bán xả kho gạo sẽ không ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của Việt Nam. “Thứ nhất là do gạo Thái Lan đã tồn kho lâu, chất lượng giảm xuống. Trong khi đó, gạo của Việt Nam là gạo mới thu hoạch, chất lượng tốt nên được các nước ưa chuộng hơn. Hơn nữa, các doanh nghiệp đã ký được các hợp đồng từ cuối năm 2015, đến nay vẫn chưa giao hết hàng”, ông Bảnh nói.
Ngoài ra, theo ông Bảnh, do ảnh hưởng của hạn mặn nên giá lúa, gạo ở đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng nhích lên, giá bán trong nước hiện tại còn cao hơn giá đã ký xuất khẩu, vì giá gạo xuất khẩu khoảng 370 – 400 USD/tấn, tính ra chỉ khoảng 8.000 – 9.000 đồng/kg, giá bán gạo nội địa đã ở mức trên 10.000 đồng/kg. Thực tế, Chính phủ cũng không phải thu mua tạm trữ lúa gạo như mọi năm. Do vậy, chúng ta hoàn toàn không phải lo lắng về việc Thái Lan xả kho gạo.
Còn bà Phan Thị Diệu Hà, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết vẫn đang chờ thông tin chính xác từ thương vụ Việt Nam tại Thái Lan. “Các thông tin đưa ra lúc này cần thận trọng để không gây bất lợi cho gạo Việt Nam. Khi có thông tin chính thức chúng tôi sẽ phản hồi báo chí”, bà Hà cho hay.
Ý kiến ()