Chủ Nhật, 26/01/2025 13:37 (GMT +7)

Tham gia hiệp định CPTPP, ước tính tạo ra khoảng 27.000 việc làm mới

Thứ 4, 28/11/2018 | 10:57:00 [GMT +7] A  A

Để có thể hưởng lợi tối đa từ các hiệp định tự do thế hệ mới, Việt Nam sẽ xây dựng các chính sách thị trường lao động hệ thống nhằm cải thiện kỹ năng của lực lượng lao động đang ngày một gia tăng về số lượng.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH thông tin về các chính sách lao động trong thời gian tới.

Đây là thông điệp tại hội thảo về “Chính sách thị trường lao động và sự cần thiết của việc nâng cao kỹ năng trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 26/11 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp cho biết: “Tạo việc làm và tăng cường kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng là một trong những mục tiêu quan trọng đối với quốc gia, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển có lực lượng lao động lớn như Việt Nam. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường lao động Việt Nam thời gian qua tiếp tục được phát triển theo định hướng thị trường. Các chính sách thị trường lao động đang từng bước được hoàn thiện”.

Trong những năm qua, việc chuyển dịch theo hướng tốt hơn, số người làm công ăn lương, có quan hệ lao động dần tăng lên. Số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 40% trong giai đoạn 2015-2020. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động duy trì ở mức cao là 76%. Chất lượng việc làm, thu nhập của người lao động đều đặn được tăng lên, mức độ phân biệt giữa việc trả công cho lao động nam và nữ cũng được thu hẹp. Số lao động đi làm ở nước ngoài theo hợp đồng lao động cũng được tăng lên. Việt Nam cũng đã ban hành Luật Lao động, Luật BHXH, Luật An toàn lao động, Luật Việc làm.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu khả quan, thị trường lao động việc làm của Việt Nam vẫn tồn tại như cơ cấu lao động còn lạc hậu. Về cơ bản, Việt Nam vẫn là thị trường lao động trong nông thôn, nông nghiệp với chất lượng lao động thấp, phân bổ chưa hợp lý, lao động làm việc trong ngành nghề đơn giản, không đòi hỏi chuyên môn, kỹ thuật.

“Trong Bối cảnh Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, những chính sách về thị trường lao động Việt Nam cần được nhìn nhận và đánh giá lại để có thể sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tinh thần này được thể hiện rõ trong nghị quyết số 27 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH, Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm thất nghiệp cần được cải cách để trở thành công cụ quản trị thị trường lao động, thúc đẩy cơ chế đối thoại, thương lượng trong doanh nghiệp về các nội dung về quan hệ lao động”, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.

Theo các chuyên gia, việc tham gia hiệp định CPTPP cho thấy khả năng tăng thêm việc làm. Cụ thể đối với CPTPP, số việc làm được tạo ra mỗi năm theo tính toán từ năm 2020 trở đi là 17.000-27.000 chỗ làm mới. Các chuyên gia cũng cho rằng, việc tham gia hiệp định CPTPP các luồng đầu tư vào Việt Nam sẽ tăng, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng năng suất lao động, thu hút nhiều hơn lao động có kỹ năng. Tuy nhiên, dưới tác động của việc làm thì phân hóa tiền lương sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, đặc biệt giữa các doanh nghiệp FDI, giữa lao động có trình độ cao và trình độ thấp. Điều này đặt ra những thách thức về các chính sách lao động, việc làm, đào tạo nghề…

XC/Báo Tin tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu