Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 19:44 (GMT +7)
Tham vọng giữ “khách online”
Thứ 2, 18/09/2017 | 11:30:00 [GMT +7] A A
Số lượng nhà quảng cáo trên kênh thương mại điện tử gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam.
Trong những chộn rộn của thị trường bán lẻ trước cuộc cách mạng về trí tuệ nhân tạo và sự bùng nổ thương mại điện tử (TMĐT), có không ít doanh nghiệp Việt Nam đã gia tăng đầu tư vào kênh bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, trong thời đại mà mọi thứ thay đổi rất nhanh, cuộc chiến thu hút và nắm giữ khách hàng có lẽ cần nhiều hơn thế.
Doanh nhân Việt Nam nhiều tham vọng
Giữa tháng 8 vừa rồi, ông Đinh Anh Huân, người không xa lạ với giới kinh doanh ở Việt Nam, đã gặp gỡ báo giới sau khá nhiều năm kín tiếng với truyền thông để giới thiệu về thương hiệu giày và túi xách Juno mà ông đang gầy dựng. Ông Huân là chủ tịch công ty có lịch sử chưa tới ba năm này, từ chỗ chỉ có một cửa hàng vào đầu năm 2015 đến nay đã có 60 cửa hàng ở 14 tỉnh, thành và đặt mục tiêu 80 cửa hàng đến hết năm nay.
Như ông Huân chia sẻ, các cửa hàng mua bán trực tiếp (offline) của Juno cùng kênh bán hàng trực tuyến (online) với nhiều phương thức tương tác, từ trang web, đường dây nóng đến mạng xã hội Facebook, Zalo… đã giúp cho Juno bán được khoảng 25 triệu đôi giày trong năm 2017, tăng 5 lần so với năm 2016. Mục tiêu năm 2018 của Juno là tăng gấp đôi số lượng giày bán ra để có nguồn lực xây thêm một nhà máy công suất 200.000 đôi giày/tháng.
Hiện tại, Juno đã có nhà máy chuyên về giày dép ở huyện Bình Chánh, TPHCM, còn túi xách thì đang phải đặt gia công tại Trung Quốc. Những điều này là nền tảng để ông Huân tin là sau ba năm nữa, thương hiệu giày Juno sẽ được bán khắp nơi qua kênh TMĐT www.juno.vn, hiện thực hóa ước mơ của những người sáng lập. Theo đó, khách ở mọi nơi có thể đặt hàng trực tuyến qua trang web, chọn mẫu có sẵn hoặc tự thiết kế một đôi giày cho mình, và việc của Juno là giao hàng đáp ứng yêu cầu của khách sau 15 ngày.
Trong bối cảnh hiếm có thương hiệu thời trang nào của Việt Nam bán được ra thị trường thế giới, tham vọng này có thể chưa thuyết phục nhiều người. Tuy nhiên, ông Huân – người từng là tổng giám đốc của Thegioididong.com và hiện đang có cổ phần tại doanh nghiệp logistics TMĐT Giao hàng nhanh, tỏ ra khá tự tin. Trong một thế giới mà mọi thứ thay đổi rất nhanh như hiện nay, chìa khóa để mở những cánh cửa quan trọng chính là công nghệ và tận dụng công nghệ. Nó có thể xóa bỏ ngay cả những “thành trì” truyền thống đã được xây dựng từ nhiều năm.
Cũng mới đây, thương hiệu K&K Fashion chuyên về áo đầm công sở đã được công ty tiếp thị thương mại điện tử Criteo (Singapore) giới thiệu với các cơ quan báo chí như một điển hình thành công. Điều này, như ông Lê Viết Thanh, Tổng giám đốc của K&K, chia sẻ là một bất ngờ vì công ty của ông chỉ là một doanh nghiệp rất nhỏ và cũng chỉ mới trở thành khách hàng của Criteo chưa được một năm.
Tuy nhiên, theo ông Joshua Koh, Giám đốc điều hành khu vực bán hàng trung cấp, APAC của Criteo, K&K Fashion là doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tiên ở Đông Nam Á được Criteo đưa ra làm hình mẫu bởi những thành quả đã đạt được. Sau gần một năm ứng dụng giải pháp dynamic retargeting (theo dấu khách hàng tiềm năng) doanh thu của K&K gia tăng đáng kể với tỷ lệ nhấp chuột tăng 43%, tỷ lệ chuyển đổi tăng 66% và số giao dịch thành công tăng 121%. Nói cách khác, nhờ ứng dụng giải pháp mời chào, theo dấu (ở mọi loại thiết bị), “đọc” sở thích, khả năng chi trả… của khách hàng mua sắm trực tuyến, K&K đã đẩy được doanh thu lên.
Nếu chỉ xét riêng doanh thu bán hàng trực tuyến trong tổng doanh thu thì mức tăng đã thay đổi từ 12-15% trước đây lên 20%. Nhưng theo ông Thanh, cái được lớn hơn là rất nhiều người xem hàng online rồi đến mua offline tại cửa hàng, nên tổng doanh thu tăng lên nhiều.
Ông Thanh cho đây là sự đầu tư “đáng đồng tiền bát gạo”! Bởi như ông chia sẻ, ngay từ khi ra đời vào năm 2010, K&K cũng đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển TMĐT nhưng những gì đạt được vẫn khiêm tốn. Chính những thành quả đáng khích lệ trong thời gian gần đây là nền tảng để K&K đặt ra những tham vọng lớn hơn trong tương lai, không chỉ là việc phát triển hệ thống cửa hàng mà còn là cơ sở sản xuất.
Juno hay K&K Fashion chỉ là hai trong số rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang có sự đầu tư nghiêm túc và bài bản vào TMĐT. Đây là động thái cần thiết, thậm chí là cấp thiết vào lúc người tiêu dùng chuyển đổi thói quen mua sắm rất nhanh.
Ông Joshua Koh nhận xét, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tỏ ra tham vọng nhất trong giới kinh doanh có cùng quy mô ở khu vực Đông Nam Á, xuất phát từ có nền kinh tế tăng trưởng ấn tượng và phần khác là từ tính cách của doanh nhân Việt. Những nỗ lực đầu tư cũng có thể thấy qua việc số lượng nhà quảng cáo trên kênh TMĐT gia tăng nhanh chóng ở Việt Nam. Điều này cho thấy doanh nghiệp Việt Nam không chậm chân hay yếu thế trên mặt trận TMĐT – xu thế không thể chống lại hiện nay.
Hơn cả một xu thế
Trong xu thế TMĐT, tại Việt Nam, theo khảo sát của Criteo, hơn 50% dân số đã sử dụng Internet; doanh thu TMĐT đạt 1 tỉ đô la Mỹ và tốc độ tăng được dự báo ít nhất là 23% từ nay đến năm 2023. Cũng theo khảo sát này, giai đoạn 2011-2015, khách hàng mua sắm trên mạng đã tăng 129% và dự báo trong ba năm tới sẽ có thêm 10 triệu người mua sắm online.
Đáng chú ý là 44,3% hộ gia đình đã có điện thoại thông minh (smartphone). Internet và smartphone chính là công cụ để người tiêu dùng mua sắm trực tuyến và cơ hội TMĐT là rất lớn với 75% người tham gia khảo sát trả lời thích mua sắm online, 39% trong đó mua sắm 24/24 (hiểu là cứ vào rồi lại ra bằng các thiết bị khác nhau chứ không phải liên tục ngày đêm).
Những người tiêu dùng độ tuổi trước thế hệ 8x thường biết rất rõ mình muốn gì (loại hàng nào, giá cả ra sao…) khi lựa chọn sản phẩm; những người trẻ hơn thì thích so sánh giá cả. Cũng có không ít người mua sắm online là để săn đồ giảm giá.
Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc thương mại của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, cho biết một thông tin lý thú là 43% doanh thu TMĐT tại Việt Nam là qua các tài khoản Facebook bán lẻ. 57% còn lại mới là trên các trang mua sắm trực tuyến chính thống.
Trong tổng doanh thu các trang mua sắm trực tuyến, Adayroi.com hiện nắm giữ thị phần cao nhất với 24%; Lazada 13%; Tiki 11%… Tuy nhiên, “miếng bánh online” đến năm 2016 mới chỉ chiếm 0,4% tổng doanh thu thị trường bán lẻ. Kantar Worldpanel dự đoán đến 2025, miếng bánh này sẽ tăng lên 2,2% với 25% người mua sắm online. Các yếu tố có sức tác động đến mua sắm online chính là thanh toán và tài chính.
Cũng theo ông Hoàng, xu hướng TMĐT dù đang phát triển mạnh mẽ nhưng không thể chiếm lĩnh toàn bộ mà chỉ là một phần của các chiến lược bán hàng đa kênh (omnichannel). Theo đó, vấn đề mấu chốt không phải là online hay offline. Vấn đề là khi người tiêu dùng cần là phải có, tức nhà bán lẻ phải thiết lập được tất cả các điểm tiếp xúc với người tiêu dùng, ở cửa hàng cũng như trên mạng, và còn phải có sự kết hợp các điểm mua sắm…
Tại Việt Nam, xu hướng này cũng đã bắt đầu manh nha. Như tập đoàn Central – nhà đầu tư đang sở hữu chuỗi siêu thị Big C Việt Nam; nắm giữ 49% trong Nguyễn Kim, đang ngày càng hoàn thiện sức mạnh trên thị trường bán lẻ khi có các kênh mua sắm từ offline đến online. Động thái mua Zalora Việt Nam từ nhà đầu tư Đức hồi giữa năm 2016 là một trong những bước đi để thực hiện chiến lược này.
Một xu hướng khác cũng được ông Hoàng nhắc đến là ứng dụng trí thông minh nhân tạo trong ngành bán lẻ. Ví dụ như chuỗi siêu thị Tesco của Anh đã sử dụng cách nhận diện khuôn mặt để theo chân khách hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ rất nhanh chóng ứng dụng công nghệ này./.
Theo Minh Tâm/Thesaigontimes
Ý kiến ()