Thứ Năm, 23/01/2025 05:03 (GMT +7)

Tháng 7 về thăm Mẹ

Thứ 4, 19/07/2017 | 18:38:00 [GMT +7] A  A

Một ngày tháng 7, tháp tùng cùng đoàn công tác Bộ CHQS tỉnh chúng tôi về thăm mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Hát – xã Mỹ Thạnh Tây – huyện Đức Huệ – tỉnh Long An. Mẹ sinh năm 1925 có chồng và 1 con là liệt sĩ. Trong chuyến về thăm mẹ, chúng tôi cảm nhận sự quan tâm sâu sắc của người lính với mẹ và tình cảm của mẹ với các anh như thể đối với con của mình.

Vừa xuống xe, các anh, chị vội đến bên mẹ, thăm hỏi sức khỏe…còn mẹ thì nắm chặt tay từng thành viên trong đoàn và cũng không quên hỏi thăm từng người một… Nghe chị gái ở cùng Mẹ kể, từ sáng sớm Mẹ đã bắt ghế ngồi ngoài hiên nhà để đón các con bộ đội về, dù biết là đến trưa đoàn mới tới do đường xa…

Sau khi thăm sức khỏe Mẹ, mỗi người một việc: bác sĩ trong đoàn thì ân cần thăm khám sức khỏe và kê thuốc bổ cho mẹ, các bạn đoàn viên thanh niên sửa lại mái bếp cho mẹ, các nữ quân nhân giúp mẹ quét dọn nhà cửa và chuẩn bị nấu bữa cơm ăn cùng mẹ. Trò chuyện với chúng tôi, Mẹ Hát chia sẽ: Con của mẹ đã ra đi mãi mãi, nhưng bù lại giờ đây Mẹ đã có những đứa con bộ đội, Mẹ vui lắm. Ngày lễ ngày tết, hàng tháng, kể cả ngày sinh nhật của Mẹ tụi nó cũng nhớ về thăm.

Bên mẹ VNAH Trần Thị Hát

Chia tay Mẹ Hát, cùng với đoàn viên thanh niên Ban CHQS huyện Đức Hòa – Long An, tôi về thăm mẹ VNAH Huỳnh Thị Khoẻ, ngụ tại thị trấn Đức Hoà. Mẹ cũng đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn còn minh mẫn. Khi nhớ về chồng và hai người con trai mẹ lại ngẹn ngào…. Năm 1969 chồng mẹ hi sinh, hai năm sau mẹ lại nhận tin con trai thứ 2 và hai năm sau nữa đất trời như sụp xuống khi mẹ nhận giấy báo tử của con trai thứ 3 liệt sĩ Nguyễn Văn Hưởng hi sinh.

Mẹ kể: Vào một buổi chiều năm 1960, mẹ cùng hai cậu con trai Nguyễn Văn Tèo và Nguyễn Văn Hưởng đi nhổ mì. Khi về thì mẹ thấy hai con trai cứ ù chạy bỏ mặc mẹ, thấy lạ mẹ gọi với theo “chờ má đi với sao tụi bây bỏ má vậy”. Các anh không ngoái đầu lại mà vừa chạy vừa trả lời “má cứ về nhà sau nghen”, sau đó 2 anh nhẩy ùm qua sông mất dạng. Mẹ hiểu ngay sự việc, thơ thẩn về nhà vừa đi vừa khóc vấp ngã bật máu chân. Mẹ thương các anh khi ra đi theo bộ đội mà mẹ không kịp lo cho các anh vài vật dụng cần thiết trước lúc lên đường. Vài ngày sau, được tin nhắn của chồng bảo mẹ an tâm, các con đã trở thành người chiến sĩ cách mạng… Cũng như bao bà mẹ có chồng con đi cách mạng, mẹ không có phút bình yên trước quân địch. Bị chúng đánh đập, tra tấn, bắt ở tù hơn 1 năm ở nhà tù Hậu Nghĩa nhưng vẫn không làm lung lay ý chí của mẹ, bọn chúng đành thả mẹ ra. Vào một ngày năm 1970, nghe tin đơn vị của con trai thứ hai Nguyễn Văn Tèo đang đóng gần nhà, mẹ tất tả chạy đến mong gặp được con, nhưng đến nơi đơn vị đã hành quân theo lệnh. Vậy là mẹ nắm tay cô gái út quay trở về mà nước mắt mờ cả lối đi. Năm sau đó, mẹ nhận tin anh Nguyễn Văn Tèo hi sinh trên chiến trường miền Đông. Ngày hoà bình, dù đã nhận giấy báo tử nhưng mẹ vẫn chưa tin con mình hi sinh…. Ngày qua ngày mẹ cứ không thôi ngóng con. Mấy mươi năm trôi qua, niềm hi vọng con trở về đã tắt, giờ mẹ lại mong tìm được hài cốt của con để yên lòng nhắm mắt.

Cán bộ đoàn Trung ương và địa phương quây quần bên mẹ Thảnh

Ngược về vùng biên giới Hưng Điền B-huyện Tân Hưng thăm mẹ VNAH Nguyễn Thị Thảnh. Nghe có khách đến thăm, mẹ kêu cháu nội dìu ra tận ngoài cửa đón. Như những đứa con đi xa trở về đại úy Châu Thanh Tuấn-đại đội trưởng đại đội bộ binh huyện Tân Hưng ôm chầm lấy mẹ. Nắm chặt tay từng người trong đoàn, Mẹ thăm hỏi chuyện gia đình, chuyện công việc được giao…. Bên hiên nhà, các anh nghe mẹ kể chuyện quê hương, gia đình hồi chiến tranh và câu chuyện về hai người con của mẹ đã anh dũng hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Lúc đó, con trai lớn của mẹ-anh Trần Văn Đực vừa tròn 15 tuổi xin mẹ tham gia cách mạng. Lúc đầu anh tham gia vào lực lượng du kích của xã, sau đó biên chế vào đơn vị bộ đội địa phương. Địa bàn lúc ấy vô cùng ác liệt, đêm ngày không ngớt tiếng súng, tiếng bom. Ngày 10 tháng 10 năm 1972 anh Trần Văn Đực đã anh dũng hi hy ngay trên mãnh đất quê nhà, khi ấy anh là tiểu đội phó và chỉ về thăm mẹ đúng hai lần. Hay tin, mẹ gần như ngục ngã. Nhưng sau đó, mẹ đã nén lòng tiển đứa con gái bé bỏng Trần Thị Liên lên đường làm nhiệm vụ giao liên. Và chị đã hi sinh khi vừa tròn 12 tuổi. Từ khi nhận giấy báo tử của các con trong giấc mơ mẹ thường gặp con về…Và sau những giấc mơ là nước mắt, là sự thao thức của người mẹ mất con. Biến nỗi đau thành hành động, mẹ vừa nuôi dạy 4 con nhỏ vừa đào hầm, mang cơm nuôi bộ đội. Địch biết gia đình mẹ là cơ sở nuôi giấu cán bộ, không biết bao nhiêu lần chúng đốt nhà và bắt mẹ. Nhưng chúng không khai thác được gì nên đành thả mẹ ra và đưa vào diện theo dõi đặc biệt…

Đoàn công tác Bộ CHQS ân cần thăm hỏi sức khỏe mẹ VNAH Nguyễn Thị Xuyến

Trao đổi với chúng tôi về công tác đền ơn đáp nghĩa của cán bộ chiến sĩ LLVT Long An đại tá Nguyễn Tuấn Bảo -Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho biết thêm: Bên cạnh quan tâm thực hiện tốt công tác giải quyết chế độ chính sách cho các đối tượng theo nghị định của Chính phủ, giúp đở các gia đình chính sách gặp khó khăn, hiện 15 huyện, thành phố, thị xã trong LLVT tỉnh nhận phụng dưỡng từ 3-5 mẹ Việt Nam anh hùng, riêng Bộ CHQS tỉnh nhận chăm sóc 3 mẹ. Nhận phụng dưỡng mẹ VNAH, quan tâm gia đình chính sách ngoài thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” còn để giáo dục cán bộ chiến sĩ về truyền thống của quê hương, dân tộc bằng chính những câu chuyện, hành động và sự hi sinh vô cùng to lớn của thế hệ đi trước.

Tháng 7 về với Mẹ – nghe như tim mình lắng lại, bởi sự hi sinh của các Mẹ là quá lớn. Nhưng các mẹ vẫn nén nỗi đau lặng lẽ đào hầm, nuôi giấu cán bộ, gạt nước mắt tiển những đứa con còn lại lên đường… rồi lần lượt nhận tin con đã anh dũng hy sinh vì quê hương, đất nước … Không thể bù đắp nỗi mất mát to lớn ấy, mà chỉ có tấm lòng tri ân các Mẹ, cán bộ – chiến sĩ LLVT Long An đã nhận phục dưỡng chăm sóc các mẹ đến cuối đời…Và với các anh đây là cội nguồn sức mạnh nâng bước quân hành.

Thùy Trang

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu