Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 07/01/2025 19:37 (GMT +7)
Thạnh Hóa: Tổ hợp tác may gia công hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm
Thứ 7, 25/11/2023 | 16:16:55 [GMT +7] A A
Được thành lập và duy trì hoạt động hơn 10 năm nay, Tổ hợp tác may bao tay gia công ở ấp Thạnh Lập, xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An đã góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương.
Người đầu tiên khởi xướng công việc này là chị Hoàng Thị Thanh Thủy và hiện cũng là Tổ trưởng Tổ hợp tác. Chị Thủy cho biết: trước đây đi làm công nhân ở TP.HCM, do cuộc sống bấp bênh nên quyết định về địa phương đầu tư mua máy móc, để may bao tay gia công. Được sự hướng dẫn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và nguồn hỗ trợ từ vốn khuyến công tỉnh, hỗ trợ 04 máy may. Từ đó, Tổ hợp tác được thành lập và duy trì hoạt động cho đến nay. Hiện, trong tổ có 15 thành viên tham gia.
Tổ may bao tay gia công liên kết với các công ty ở Bến Lức và Thành phố Hồ Chí Minh nhận hàng đã được cắt sẵn về cho chị em thực hiện may ráp thành phẩm, sau đó giao sản phẩm lại cho công ty và hưởng tiền công tính theo sản phẩm.
Quá trình may gia công được chia ra thành các công đoạn, như: May râu ngón; ráp thành phẩm và kasai. Ứng với mỗi công đoạn may như vậy cần có 01 loại máy may khác nhau. Các thành viên trong tổ cũng được chia ra và chuyên may cho từng công đoạn. Đối với công đoạn may râu ngón, 01 người có thể may bình quân mỗi ngày hơn 200 sản phẩm và tiền công cho công đoạn này là 650 đồng/sản phẩm. Còn công đoạn ráp thành phẩm, 01 người có thể may bình quân 400 sản phẩm/ngày và tiền công cho công đoạn này là 700 đồng/sản phẩm. Riêng khâu kasai, 01 người mỗi ngày có thể may số lượng nhiều hơn và tiền công là 100 đồng/sản phẩm.
Qua nhiều năm tham gia may cùng Tổ hợp tác, chị Phùng Thị Ngọc Hân, ở ấp Thạnh Lập, xã Thạnh Phú, bộc bạch: “Chị em tụi tui ở đây, ngoài công việc nội trợ cũng còn nhiều thời gian rảnh rỗi, nhờ tham gia Tổ hợp tác may bao tay gia công này mà giúp chị em có thêm việc làm, kiếm thêm thu nhập để góp phần có thêm chi tiêu trong gia đình. Đây là một trong những công việc ý nghĩa, rất phù hợp với nhiều chị em phụ nữ tại địa phương”.
Thời gian qua, đặc biệt là trong thời gian chịu ảnh hưởng dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nhưng Tổ hợp tác may bao tay gia công ấp Thạnh Lập, xã Thạnh Phú vẫn luôn có nguồn hàng cung cấp ổn định, nhờ vậy mà tổ vẫn duy trì hoạt động hiệu quả.
Công việc may bao tay không khó, người mới bắt đầu với công việc này chỉ cần đến nhà tổ trưởng là chị Hoàng Thị Thanh Thủy để được hướng dẫn, khoảng một tuần thì có thể nhận hàng về nhà tự may. Chị Hoàng Thị Thanh Thủy, Tổ trưởng Tổ hợp tác may bao tay gia công, ấp Thạnh Lập, xã Thạnh Phú, chia sẻ: “Hiện nay, trên địa bàn xã Thạnh Phú cũng còn một số chị muốn tham gia Tổ hợp tác may bao tay gia công, tuy nhiên do điều kiện còn khó khăn nên chưa có tiền mua thêm máy may. Rất mong các cấp chính quyền và ngành chức năng quan tâm hỗ trợ, để chị em được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, mua thêm máy móc, từ đó giúp đỡ được nhiều chị em hội viên phụ nữ hơn”.
May bao tay gia công là một trong những công việc phù hợp nhằm tạo điều kiện cho chị em có thêm việc làm, tạo thêm thu nhập ổn định cho gia đình. Các chị em có thể nhận hàng về nhà, vừa may vừa làm công việc nhà. Nếu tính ra, bình quân mỗi tháng 01 người cũng có thu nhập thêm từ 3 đến 5 triệu đồng, số tiền tuy không nhiều nhưng cũng góp phần để trang trải cuộc sống cho gia đình, đặc biệt là những hộ nghèo, hộ cận nghèo không có đất sản xuất.
Bà Võ Kim Ngọc - Chủ tịch Hội LHPN xã Thạnh Phú, cho biết thêm: “Đây là một trong những tổ hợp tác may gia công hoạt động hiệu quả thời gian qua góp phần giải quyết việc làm lúc nhàng rỗi cho chị em phụ nữ tại địa phương, thời gian tới, Hội Liên hiệp phụ nữ xã Thạnh Phú sẽ tham mưu cấp ủy, ủy ban xã có những biện pháp quan tâm hỗ trợ tạo điều để phát triển, nhân rộng tổ hợp tác này”.
Có thể thấy, đây là một trong những Tổ hợp tác hoạt động hiệu quả và ổn định. Hy vọng rằng, với sự giúp sức của chính quyền địa phương, tiếp tục quan tâm tạo điều kiện để Tổ hợp tác ngày càng phát triển và nhân rộng, góp phần tích cực trong công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo tại địa phương./.
Trung Hưng - Ngọc Như
Ý kiến ()