Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 08/01/2025 02:46 (GMT +7)
Thảo luận dự án Luật ký kết, gia nhập điều ước quốc tế (sửa đổi)
Thứ 6, 06/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 10, chiều 5/11, Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về dự án Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi) và việc phê chuẩn Nghị định thư sửa đổi Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Lê Văn Hoàng phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa – TTXVN |
Các đại biểu cho rằng, 10 năm qua, Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế là cơ sở pháp lý quan trọng hàng đầu phục vụ triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, góp phần mở rộng quan hệ quốc tế, nhất là sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, số lượng các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết ngày càng gia tăng, Luật hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với việc ký kết điều ước quốc tế trong giai đoạn hiện nay. Ngoài ra, Hiến pháp năm 2013 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến điều ước quốc tế, do đó việc sửa đổi, bổ sung Luật hiện hành là rất cần thiết. Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng Luật ban hành từ năm 2005 đã bộc lộ hàng loạt thiếu sót, cần phải sửa đổi Luật để bảo đảm các mục tiêu: thể hiện quan điểm về công tác đối ngoại của Đảng, triển khai thực hiện quy định mới của Hiến pháp (cụ thể là Điều 70) và thực hiện hoàn chỉnh cơ chế trong việc tham gia các điều ước quốc tế. Các Luật cũng phải phù hợp với các điều ước đã cam kết.
Đa số đại biểu thống nhất sửa tên Luật thành “Luật điều ước quốc tế” do tên gọi này ngắn gọn, đảm bảo sự bao quát đối với phạm vi điều chỉnh của Luật và phù hợp với quốc tế. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng tên gọi này chưa thể hiện được nội dung gia nhập, cần cân nhắc thêm.
Nhiều ý kiến đánh giá dự thảo Luật bước đầu đã cụ thể hóa quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 về các loại điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực, thể hiện tại Điều 29 dự thảo Luật. Tuy nhiên, việc cụ thể hóa điều ước quốc tế liên quan đến “tư cách thành viên của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các tổ chức quốc tế và khu vực quan trọng” và “điều ước quốc tế về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực vẫn chưa rõ ràng, chưa khắc phục được những vướng mắc hiện nay. Cần phải tổng kết 10 năm thực hiện Luật hiện hành và rà soát các điều khoản của Luật để phù hợp với Nghị quyết 48 cũng như Hiến pháp 2013.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Thanh (Hà Nội), ký và phê chuẩn là hai vấn đề khác nhau, ký rất nhanh nhưng thực hiện là cả vấn đề, phê chuẩn bao nhiêu và kết quả thực hiện thế nào, báo cáo của Chính phủ chưa thể hiện được vấn đề này.
Có ý kiến băn khoăn về các điều ước quốc tế do Chính phủ và Chủ tịch nước ký cam kết khi xây dựng có đảm bảo quy trình, đặc biệt là các điều ước liên quan đến ngân sách. Các đại biểu Đinh Xuân Thảo, Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng trước đây Luật không phân định rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước và Quốc hội trong việc thẩm định các điều ước quốc tế, cần làm rõ phạm vi điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Điều ước do Chính phủ, Chủ tịch nước ký kết nếu liên quan đến vấn đề ngân sách thì Quốc hội phải quyết định.
Để đảm bảo tính khả thi, minh bạch và hiệu quả trong việc các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền phê chuẩn của Quốc hội, các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, quy định cụ thể hơn khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 nhằm bảo đảm cho việc thực hiện Luật được rõ ràng, thuận lợi. Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội), Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh), Hiến pháp là bất khả xâm phạm, những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam phải được đảm bảo, điều ước quốc tế phải không phương hại đến các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng điều đáng lưu ý khi nghiên cứu về điều ước quốc tế là có hai quy phạm bắt buộc và tùy nghi. Quy phạm tùy nghi là khuyến cáo các quốc gia tham gia công ước có thể thực hiện hay không thực hiện. Chỉ những quy phạm bắt buộc mới phải thực hiện khi tham gia. Cần lưu ý quy trình và việc bảo lưu để không phương hại đến các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Ngoài phạm vi các điều ước quốc tế thuộc thẩm quyền Quốc hội phê chuẩn theo quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp năm 2013, dự thảo Luật quy định Quốc hội phê chuẩn “điều ước quốc tế mà việc thực hiện cần sửa đổi, bổ sung, ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội”, các đại biểu cho rằng đây là vấn đề mới, có liên quan đến tính hợp hiến, tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, cần được cân nhắc kỹ về mặt thẩm quyền. Quốc hội phê chuẩn việc sửa đổi điều ước quốc tế do chính Quốc hội phê chuẩn – đại biểu Nguyễn Hồng Sơn nêu ý kiến.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề xuất thống nhất giao cho Bộ Tư pháp thẩm tra các điều ước quốc tế và việc thực hiện các điều ước quốc tế để đảm bảo hợp hiến, hợp lý.
( TTXVN)
Ý kiến ()