Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 20/01/2025 00:46 (GMT +7)
Thay đổi thói quen tiêu dùng để cân bằng thị trường thịt lợn
Thứ 2, 23/12/2019 | 14:44:00 [GMT +7] A A
Không giống như các mặt hàng nông sản khác, năm 2019 thị trường Việt Nam liên tục chứng kiến mặt hàng thịt lợn rơi vào cảnh “mất mùa được giá”, nhất là vào thời điểm vài tuần trở lại đây.
Tuy nhiên, không mừng bởi thịt tăng giá vì đơn giản lợi nhuận không ưu ái với những người chăn nuôi mà lại vào tay những thương lái và những tiểu thương nơi kẻ chợ. Cũng chính điều này đã làm đau đầu các nhà quản lý trong việc cân đối, dự liệu nguồn cung và lớn hơn là sự ổn định của các tiêu chí kinh tế vĩ mô.
Thiếu hụt nguồn cung
Khách mua thịt lợn tại chợ Phường 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN
Cách đây 2 năm, mặt hàng thịt lợn đã từng rơi vào tình trạng dư thừa và phải vận động không ít bếp ăn tập thể giải cứu vì thịt lợn rớt giá thê thảm.
Ấy vậy mà hiện nay thịt lợn lại trở nên sốt nóng do nguồn cung thiếu hụt, nhất là từ khi dịch tả lợn châu Phi hoành hành. Đây cũng là nguồn cơn khiến mặt hàng này liên tục tăng giá.
Có nhiều ý kiến cho rằng việc thiếu hụt nguồn cung bắt nguồn từ việc thương lái xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, khi Việt Nam bắt đầu bùng phát dịch tả lợn châu Phi, hầu hết các nước tiếp giáp biên giới với Việt Nam đều ngăn chặn việc nhập khẩu mặt hàng này để tránh lây lan.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cũng chia sẻ thêm rằng, sau khi trao đổi nhanh với các tỉnh giáp biên như Lai Châu, Điện Biên, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng thì đã có hiện tượng một số xe vận chuyển lợn từ nội địa lên biên giới để phục vụ người dân đầu biên giới.
Theo nguồn tin báo về từ Cục Quản lý thị trường Quảng Ninh, trước đây, tại một số huyện biên giới có một số cư dân nuôi lợn rồi thịt mang sang Trung Quốc bán nhưng mức độ rất nhỏ lẻ.
Thế nhưng, do phía Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh cũng như các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh kiểm soát chặt chẽ nên đến nay chưa bắt giữ và xử lý vụ việc vi phạm nào.
Còn tại Cao Bằng, lực lượng quản lý thị trường cũng khẳng định không có việc xuất lậu từ các xe chở lợn sang Trung Quốc vì hai bên kiểm soát rất nghiêm ngặt.
Dù vậy, hai tháng trở lại đây lực lượng này cũng đã xử lý 6 vụ vi phạm, tiêu hủy 4.430kg móng giò lợn và 1.446 kg thịt lợn vận chuyển lậu để bán cho cư dân cùng biên kiếm lời.
Riêng với địa bàn nóng như Lạng Sơn, từ tháng 11 đến nay lực lượng chức năng cũng đã thu giữ 35 tấn chân giò vận chuyển trái phép.
Gần đây nhất, Đội Quản lý thị trường số 3 đã phối hợp với cơ quan chức năng trên địa bàn tại khu vực biên giới (huyện Đình Lập) đã bắt giữ vụ vận chuyển 19 con lợn với tổng khối lượng là 2.459kg để bán sang bên kia cửa khẩu. Hiện vụ việc này đã được chuyển về công an huyện Đình Lập để xử lý.
Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường Lạng Sơn cũng bắt giữ được một xe ở Lộc Bình, mua khoảng 2,5 tấn lợn từ Bắc Giang, mang lên Lộc Bình mổ rồi đưa sang vùng giáp biên bán kiếm lời.
Theo khai nhận, trước đó đã bán trót lọt được 10 con nên thông tin mỗi ngày có tới vài chục xe lên biên giới một ngày là không chính xác.
Nhận định từ giới phân tích, thời gian qua dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại từ khoảng từ 8 – 10% tổng đàn lợn cả nước. Nếu dựa vào con số này thì lượng lợn còn lại hoàn toàn có thể đảm bảo điều tiết cung cầu và không thể xảy ra việc thiếu hụt nguồn cung và sốt giá.
Thế nhưng, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, hầu hết số lợn thiệt hại do dịch bệnh đều từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và là nguồn cung cấp chính cho các bếp ăn gia đình trên cả nước. Do đó, khi nguồn cung thiếu hụt sẽ dẫn đến những chao đảo về giá.
Hơn nữa, dù kinh tế đã phát triển nhưng do thói quen nên người tiêu dùng Việt vẫn chủ yếu sử dụng nguồn thịt lợn giết mổ trong ngày mà không có thói quen tiêu thụ thịt lợn cấp đông.
Cũng chính vì thế, ngay từ giữa năm nay, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp bàn để đưa ra giải pháp trữ lợn cấp đông khi nguồn cung thiếu hụt nhất là dịp gần Tết Nguyên đán.
Dù vậy, do chưa nhận được sự hưởng ứng từ phía người dân nên đến nay số thịt lợn này lại chủ yếu dành cho nhu cầu sản xuất, chế biến.
Khảo sát tại một số siêu thị BigC, Vinmart, phần lớn người tiêu dùng không chọn mua thực phẩm đông lạnh, nhất là mặt hàng thịt lợn, thịt bò, gà… Chỉ một ít khách hàng chọn mua thịt nhập ngoại như mặt hàng gà do tò mò muốn thử và một phần giá rẻ.
Chị Vũ Thị Hồng, nhân viên văn phòng Công ty TNHH Bảo Lâm cho hay, mặc dù thịt nóng giết mổ hàng ngày tăng cao nhưng do thói quen nên gia đình chỉ cắt giảm bớt khẩu phần ăn hàng ngày bằng cách mua ít lượng thịt đi và chuyển sang các loại thực phẩm tươi sống khác như cá, đậu..
Theo chị Vũ Thị Hồng, mặc dù đã thử mua đùi gà từ siêu thị để về chế biến vì giá rất rẻ chỉ 37.000-55.000 đồng/kg hay thịt lợn cấp đông tại siêu thị nhưng do tâm lý và thói quen hàng ngày nên cảm giác thịt không thơm ngon như giết mổ trong ngày.
Giải mã sâu hơn nguyên nhân của việc tăng giá thịt lợn, nhiều ý kiến cho rằng lý do trên mới chỉ là bề nổi còn sâu xa của vấn đề là do việc kiểm soát dịch bệnh, kiểm dịch thú y và hạn chế lưu chuyển lợn giữa các địa phương chỉ giải quyết được mặt khống chế dịch bệnh nhưng hệ quả lại gây mất cân đối cung cầu đẩy giá tăng cục bộ và lan sang địa phương khác.
Ngoài ra, khi dịch bệnh lây lan rộng khắp trên phạm vi cả nước khiến nguồn cung giống giảm mạnh và đòi hỏi chi phí rất cao nhất là với việc tái đàn, kiểm dịch thú y, phòng dịch chuồng trại…
Hơn nữa, theo thông lệ của thị trường, cứ vào dịp lễ Tết đến gần là nhu cầu thịt lợn tăng cao, trong khi nhiều đơn vị chăn nuôi cả năm lại đợi cho được giá mới gật đầu bán dẫn đến nguồn cung chao đảo trong năm 2019 này.
Theo các chuyên gia, việc thương lái và một số thương nhân găm hàng để đẩy giá thịt lợn lên cao là rất khó. Bởi, để làm được điều này cần phải có quy mô chuồng trại và lượng thức ăn lớn để duy trì; đồng thời phải tính đến nguy cơ nhiễm dịch bệnh khi vận chuyển, lưu trữ vì con lợn không phải món đồ để xếp chồng lên nhau.
Riêng với trường hợp trữ thịt đông lạnh thì cũng phải có kho chứa đạt yêu cầu và đảm bảo mới có thể giữ lượng thịt lớn trong thời gian dài.
Vì vậy, có chăng hiện tượng găm hàng chỉ diễn ra tại những hộ sản xuất, chăn nuôi nhỏ lẻ do thiệt hại từ dịch tả lợn châu Phi trước đó giờ muốn chờ thêm chút giá để lấy động lực khôi phục sản xuất.
Bù đắp lượng thịt
Người tiêu dùng mua thịt lợn tại siêu thị Hapro Mart Thanh Xuân (Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Đề cập đến vấn đề thiếu hụt nguồn thịt lợn, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, nhằm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường dịp cuối năm với mục tiêu đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người chăn nuôi và người tiêu dùng, đại diện Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Thống kê đã thống nhất ước lượng thịt lợn thiếu hụt những tháng cuối năm khoảng 200.000 tấn và kiến nghị Chính phủ cho nhập khẩu lượng thịt như trên.
Tuy nhiên, theo chức năng nhiệm vụ được giao, việc công nhận thị trường được nhập khẩu thịt lợn và lợn thịt chính thức vào Việt Nam và việc kiểm soát nhập khẩu mặt hàng thịt lợn về thú y và an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện.
Hiện có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam nên Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chế biến, phân phối thực phẩm, nhất là các doanh nghiệp đã đăng ký tham gia Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương nhập khẩu lượng thịt lợn thiếu hụt để bình ổn thị trường dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.
Dù vậy, không ít doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc nhập khẩu thịt lợn do tâm lý tiêu dùng của đại đa số người dân không ủng hộ lợn cấp đông.
Cùng với đó, giá thành giao hàng tại cảng cũng đã tăng hơn so với trước và sự lệch pha giữa nguồn thịt nhập với nhu cầu tiêu dùng trong nước lại càng khiến doanh nghiệp e dè hơn.
Vì thế mà không ít trường hợp khi doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn về cũng đã dở khóc dở cười bởi người tiêu dùng trong nước chủ yếu muốn mua thịt ba chỉ, sườn, thịt vai thì lượng hàng nhập về lại chủ yếu là đùi và thịt nạc nên lượng hàng nhập khẩu đến nay vẫn chỉ phục vụ doanh nghiệp sản xuất là chính.
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc An, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) chia sẻ, nguồn cung thiếu hụt về thịt lợn chủ yếu là nguồn hàng phục vụ chế biến cho năm tới.
Riêng tại Vissan, từ nay đến Tết Nguyên đán đơn vị đã chuẩn bị 3.000 tấn thịt lợn và đã đưa thịt nhập khẩu ra thị trường để thăm dò phản ứng của người tiêu dùng.
Dự kiến, với nguồn thịt lợn nhập khẩu rã đông và được pha tách theo từng loại vẫn có giá thấp hơn so với thịt lợn giết mổ hàng ngày từ 15-20% và được bày bán rộng rãi tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm hay tại hệ thống siêu thị.
Đại diện hệ thống siêu thị Big C và Lotte Mart cho biết, nhằm giảm bớt áp lực giá lên mặt hàng thịt lợn tươi, đơn vị đã chủ động thay thế bằng các sản phẩm thịt lợn cấp đông, thịt gà, thịt bò, gia cầm và thủy hải sản.
Đặc biệt, trước Tết Nguyên đán 45 ngày đơn vị đã khoá giá với các mặt hàng nhất là với mặt hàng thịt lợn để giúp người tiêu dùng có thể sử dụng mà không phải đắn đo nhiều về giá.
Ông Trần Hữu Linh nhấn mạnh, để dẹp yên thị trường và đẩy lùi nạn nhập lậu thịt lợn không đảm bảo nguồn gốc khi giá thịt trong nước tăng cao, lực lượng quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã lập các chốt chặn ở các điểm nóng nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng nhập lậu thịt lợn chưa qua kiểm dịch vào thị trường trong nước.
Ngoài ra, trong thị trường nội địa, lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu trên khâu lưu thông; kiểm soát các chợ đầu mối, các trung tâm giết, mổ gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các hành vi kinh doanh lợn và sản phẩm từ lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo các yêu cầu vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm.
Theo các chuyên gia, dù đến thời điểm này vẫn chưa thể đoán định chính xác về thiếu hụt nguồn cung nhưng tất cả những lý do nêu trên đã bao trùm cái nhìn về định liệu cung cầu thị trường, không chỉ có ích với mặt hàng thịt lợn mà còn với nhiều mặt hàng nông sản khác.
Do vậy, việc sản xuất cần phải chuyển sang quy mô lớn hơn, chuyên nghiệp hơn để khi thị trường chao đảo vẫn có phương án dự phòng kịp thời và mức độ thiệt hại không mang tính phổ biến.
Mặt khác, để tránh việc Chính phủ phải đích thân chỉ đạo từng đơn vị và từng việc cụ thể nên tới đây chính sách ứng biến của các đơn vị chức năng cần được đẩy mạnh và đều tay hơn nữa.
Đặc biệt, phải chú trọng tới việc truyền thông thị trường theo hướng trọng tâm trọng điểm, tránh tình trạng đưa giá cục bộ tại một số địa phương thành tiêu điểm cho cả thị trường và kéo theo nhiều hệ lụy mà một trong số đó là mất cân đối cung cầu một cách giả tạo.
https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/thay-doi-thoi-quen-tieu-dung-de-can-bang-thi-truong-thit-lon-20191223125508276.htm
Ý kiến ()