Chủ Nhật, 19/01/2025 19:17 (GMT +7)

Thị trường hàng không ‘nội’ nhìn từ cuộc rút lui của ‘ông lớn’ Vingroup

Thứ 4, 15/01/2020 | 09:53:00 [GMT +7] A  A

Tập đoàn Vingroup ngày 14/1 đã công bố chính thức rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không.

Thông tin này ngay lập tức gây “bất ngờ” với giới chức ngành hàng không cũng như các chuyên gia, bởi từ lâu nay Vingroup có tiếng là Tập đoàn kinh doanh bài bản, khi lấn sân sang một lĩnh vực mới đều có nghiên cứu khá kỹ trước khi quyết định.

Máy bay của các hãng hàng không Việt Nam chuẩn bị đón khách tại sân bay Nội Bài. Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN

Vậy đâu là nguyên nhân dẫn đến quyết định bất ngờ này khi hồ sơ thành lập hãng hàng không Vinpearl Air đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét mới đây?

Trả lời phóng viên TTXVN chiều 14/1 về thông tin Tập đoàn Vingroup rút khỏi lĩnh vực kinh doanh hàng không, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, Hãng hàng không Vinpearl Air mới đang làm thủ tục xin chủ trương đầu tư với Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi có chủ trương đầu tư mới chuyển sang làm giấy phép kinh doanh vận tải, khi đó mới đến lượt Cục Hàng không Việt Nam xem xét.

“Vinpearl Air chưa tham gia thị trường nên chưa đánh giá được tác động của việc xin rút trên. Tuy nhiên, quan điểm của Cục Hàng không Việt Nam là việc có thêm hãng hàng không tham gia thị trường là tín hiệu tốt. Nhưng nếu không tham gia vì lý do riêng cũng là chuyện bình thường của doanh nghiệp. Trước đây, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản đồng ý về chủ trương tham gia thị trường của Vinpearl Air”, ông Đinh Việt Thắng cho hay.

Cũng theo Cục trưởng Đinh Việt Thắng, thị trường hàng không mặc dù còn có nhiều khó khăn nhưng cũng có nhiều yếu tố kinh doanh tốt. Tham gia thị trường nào đều có thách thức, không chỉ riêng lĩnh vực hàng không. Về ý kiến đánh giá thị trường hàng không Việt Nam hiện nay khá “béo bở”, ông Thắng cho rằng, điều này còn phụ thuộc và khả năng khai thác của từng doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp có đủ năng lực khai phá thì là tốt và ngược lại.

Nêu nguyên do Vingroup rút lui khỏi lĩnh vực kinh doanh hàng không, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup lý giải, thị trường hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh nhưng cũng có các công ty lớn đang tham gia. Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội. Đồng thời, Tập đoàn cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng công nghệ – công nghiệp, vì vậy, Tập đoàn quyết định rút lui khỏi lĩnh vực này.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật hàng không, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh nhìn nhận về thông tin Tập đoàn Vingroup xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh hàng không một cách khá tích cực. “Hiện nay nhiều người lập luận sai lầm về chuyện thị trường, cho rằng có nhiều hãng máy bay là tốt. Tuy nhiên, với thị trường là không tốt. Nhiều hãng máy bay quá trong khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp dẫn tới không có chỗ cho các hãng máy bay mới. Mặt khác, đầu tư hàng không là cuộc chơi dài hơi khi đó doanh nghiệp mới tạo được sự tin cậy và vị trí trong thị trường”, ông Tống nhận định.

PGS-TS Nguyễn Thiện Tống nhận xét, việc thị trường có thêm hãng hàng không Bamboo Airways cũng là nhiều, bởi nhiều chuyến bay của các hãng hiện nay không có lãi. Bởi nguyên tắc muốn giành thị phần buộc các hãng, đặc biệt là hãng bay mới phải hạ giá vé. Về lâu dài, nếu hãng bay nào không có tiềm lực mạnh sẽ khó trụ vững trên thị trường.

Trở lại câu chuyện Vinpearl Air rút khỏi thị trường, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, Vinpearl Air chưa tham gia thị trường nên chưa thể đánh giá tốt hay không tốt cho thị trường hàng không Việt Nam. Trong trường hợp Vinpearl Air gia nhập thị trường cũng chỉ là miếng bánh được phân chia lại giữa các hãng chứ chưa có gì mới. Người được lợi nhất có lẽ là hành khách khi có thêm lựa chọn nhưng ở chiều ngược lại, nhiều chuyến bay sẽ không đủ lượng khách, tình trạng chậm hủy chuyến sẽ gia tăng.

Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), Việt Nam là một trong những thị trường hàng không phát triển nhất toàn cầu trong một thập kỉ trở lại đây với sự tăng trưởng doanh thu trung bình là 17,4%, cao hơn 2 lần so với mức 7,9% của toàn châu Á.

Tính đến nay, thị trường hàng không nội có sự tham gia của 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Viejet, Jetstar, Vasco và Bamboo Airways. Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, “miếng bánh” hàng không đang được nhiều doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước nhắm đến, sự cạnh tranh của các hãng hàng không ngày càng khốc liệt. Ngoài Vinpearl Air vừa rút thì còn 2 hãng hàng không đang xin cấp phép bao gồm: Hãng hàng không lữ hành Việt Nam (Viettravel Air) và Hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air).

Như vậy, trong cuộc đua giành thị phần hàng không Việt, hai “ông lớn” Vietnam Airlines và Vietjet Air gần như chiếm toàn bộ thị phần nội địa với hơn 80%, đi kèm những chiến lược kinh doanh khác nhau. “Tân binh” Bamboo Airways hiện mới chiếm khoảng trên 10% thị phần nội địa. Trong khi Vietnam Airlines hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp, lấy chất lượng dịch vụ làm điểm mạnh thì Vietjet cạnh tranh bằng tiêu chí giá rẻ. Bamboo Airways với mô hình hàng không hybrid, kết hợp hàng không với du lịch.

Hiện tại, khi chất lượng dịch vụ bay vẫn còn nhiều vấn đề, nổi cộm là việc chậm chuyến, hủy chuyến trong dịp cao điểm còn nhiều, trả lời báo chí, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam từng khẳng định, thêm hãng hàng không tức là thêm cạnh tranh chất lượng và dịch vụ. Ông Thắng cho rằng, hành khách sẽ có cơ hội sử dụng phương tiện vận chuyển hàng không với mức giá hợp lý, phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của từng phân khúc, tăng nguồn cung và đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.

Nhìn xa hơn, người đứng đầu Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, bên cạnh một bộ phận hành khách lựa chọn hàng không là để di chuyển thì việc khai thác các đường bay thẳng kết nối các điểm du lịch của Việt Nam sẽ góp phần đẩy mạnh liên kết vùng, tạo đà phát triển kinh tế, xã hội, thu hút du khách cũng như nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

Về góc độ hành lang pháp lý trong lĩnh vực hàng không, các chuyên gia cho rằng, với nhiều quy định liên quan đến điều kiện kinh doanh vận tải hàng không và kinh doanh cảng hàng không được quy định mới trong Nghị định số 89/2019/NĐ-CP vừa có hiệu lực đầu năm 2020 sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi xin giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, đặc biệt là điều kiện về vốn pháp định được giảm xuống. Tuy nhiên, đấy mới là điều kiện đầu tiên, để một hãng hàng không kinh doanh có lãi cần một cuộc đầu tư lâu dài, tốn kém.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, theo Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có mục tiêu tăng trưởng thị trường hàng không trung bình 16%/năm giai đoạn 2015-2020 và 8%/năm giai đoạn 2020-2030.

Với tốc độ tăng trưởng trên, tổng thị trường đến năm 2023 dự báo đạt hơn 117 triệu khách; trong đó, các hãng hàng không Việt Nam dự kiến vận chuyển đạt xấp xỉ 85 triệu khách.

Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam, ông Trần Quang Châu đánh giá, tăng trưởng nhanh của hàng không thời gian qua đã bộc lộ những vấn đề cần cấp bách giải quyết. Đó là những bất cập về cơ sở hạ tầng, năng lực quản lý, điều hành…

Trong đó, nhân lực là “điểm nghẽn”… của các hãng hàng không nội địa. Nguyên nhân chính là việc đào tạo không theo kịp phát triển nên tình trạng thiếu nhân lực không chỉ ở lực lượng phi công mà còn ở lực lượng khác như: giám sát bay, quản lý không lưu, kỹ sư máy bay…

Các chuyên gia hàng không nhận định, thiếu hụt nhân lực đang tác động tới không chỉ năng lực và chất lượng phục vụ mà quan trọng hơn ảnh hưởng tới thương hiệu, uy tín của hãng hàng không.

Việc chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam mặc dù đã được cải thiện trong thời gian vừa qua nhưng được dự báo có thể gia tăng nếu không có các giải pháp kịp thời từ phía cơ quan quản lý nhà nước.

Theo số liệu mới được công bố của Cục Hàng không Việt Nam, tổng số chuyến bay bị chậm, hủy chuyến trong cả năm 2019 của các hãng hàng không Việt Nam là hơn 45.000 chuyến bay, tăng 0,25% so với năm 2018.

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng đánh giá, hàng không của Việt Nam tăng trưởng nhanh nhưng không có nghĩa là tăng trưởng không có kiểm soát. Ví dụ như Hãng hàng không Vietjet đưa bao nhiêu tàu bay vào hoạt động, bay những đường bay nào đều phải có báo cáo chứng minh với cơ quan quản lý về số lượng người bổ sung, nhân viên giám sát, nhân viên vận hành, đặc biệt là lực lượng phi công, tiếp viên… Tất cả những nhân sự này, hãng đều phải báo cáo Cục Hàng không Việt Nam để kiểm soát chặt chẽ theo đúng tiêu chuẩn, quy định.

Theo Quang Toàn (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/thi-truong-hang-khong-noi-nhin-tu-cuoc-rut-lui-cua-ong-lon-vingroup-20200114184717896.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu