Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 16/01/2025 01:46 (GMT +7)
Thị trường vàng thế giới 2021: Khi rủi ro và lực đẩy song hành
Thứ 5, 31/12/2020 | 09:06:00 [GMT +7] A A
Đã đăng vào 31/12/2020 lúc 9:06
Trong bối cảnh những bất ổn chính trị và kinh tế toàn cầu có chiều hướng gia tăng, liệu vàng có thể vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce một lần nữa vào năm 2021, hay kim loại quý này sẽ bắt đầu suy yếu và trở lại mức trước đại dịch?
Vàng miếng được trưng bày tại ngân hàng Deutsche Bundesbank ở Frankfurt am Main, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN
Có thể nói, 2020 là một năm rất đáng nhớ trong lịch sử thị trường vàng thế giới. Giá kim loại quý này đã rơi xuống mức thấp nhất trong 1 năm vào tháng Ba do những biến động liên quan đến đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Nhưng chính sự bất ổn sâu rộng do đại dịch lại đưa vàng chạm mức cao chưa từng có 2.063 USD/ounce vào tháng Tám. Rồi đến những tháng cuối năm, sự lạc quan về vaccine ngừa COVID-19 lại kéo giá vàng đi xuống.
Trong bối cảnh những bất ổn chính trị và kinh tế toàn cầu có chiều hướng gia tăng, câu hỏi lớn nhất được thị trường đặt ra là: Liệu vàng có thể vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce một lần nữa vào năm 2021 không? Hay kim loại quý này sẽ bắt đầu suy yếu và trở lại mức trước đại dịch?
Năm 2020: Những lo ngại về đại dịch đẩy vàng lên tầm cao mới
Bắt đầu năm 2020, giá vàng đứng ở mức 1.552,30 USD/ounce. Yếu tố chính tác động lên thị trường trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát là mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, bên cạnh các cuộc đàm phán thương mại khó khăn với Trung Quốc.
Đến đầu tháng Ba, giá vàng lập đỉnh của bảy năm là 1.673,10 USD/ounce khi các quốc gia trên toàn cầu bắt đầu lên kế hoạch phong tỏa để chống lại sự lây lan của đại dịch COVID-19. Nhưng khi sự hoảng loạn lan rộng trên các thị trường dẫn đến hoạt động bán tháo ồ ạt, vàng lại rơi xuống mức thấp của 6 tháng là 1.498,80 USD/ounce, trước khi phục hồi lại lên ngưỡng 1.600 USD/ounce vào cuối tháng.
Sang quý II/2020, giá vàng tiếp tục tăng khá ổn định, chủ yếu do những lo ngại về rủi ro kết hợp với sự tăng trưởng kỷ lục của các quỹ ETF vàng. Dòng vốn đổ vào các quỹ ETF vàng trong quý này tăng 434,1 tấn, đưa tổng mức 6 tháng đầu năm lên hơn 733,9 tấn và đạt tổng trị giá kỷ lục 40 tỷ USD.
Diễn biến đáng chú ý nhất trong năm nay là vào quý III/2020, khi giá vàng xác lập kỷ lục mới 2.063 USD/ounce hồi đầu tháng Tám. Mức đỉnh của giá vàng diễn ra song song với đồng USD rơi xuống mức thấp của hai năm vì áp lực lạm phát.
Thời điểm đó, việc giá vàng tăng tới 32% trong khoảng thời gian từ tháng 1-8 đã khiến nhiều nhà phân tích nhận định rằng kim loại quý này có thể tăng cao hơn, thậm chí tiệm cận mức 3.000 USD/ounce vào cuối năm.
Song vàng đã không thể duy trì quanh mức cao kỷ lục vừa được xác nhận và nhanh chóng trượt xuống dưới ngưỡng 1.950 USD/ounce. Đồng USD mạnh lên, thị trường chứng khoán tăng và tiềm năng về một đợt kích thích tài chính mới tại Mỹ đều gây áp lực lên đà tăng giá của vàng trong phần còn lại của quý III.
Tới quý IV, thị trường càng biến động mạnh hơn dù ba quý trước đó đã chứng kiến giá vàng đạt đỉnh rồi lao dốc nhiều lần.
Giá vàng liên tục giảm trong tháng Mười xuống quanh mức 1.880 – 1.890 USD/ounce, rồi phục hồi nhẹ lên mức 1.949 USD/ounce trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 3/11. Nhưng đà tăng này không kéo dài. Việc hãng dược phẩm Pfizer hồi giữa tháng 11 thông báo vaccine ngừa COVID-19 của họ đạt nhiều tiến triển khả quan đã kéo giá vàng đi xuống, rồi rơi dưới ngưỡng 1.800 USD/ounce lần đầu tiên kể từ tháng Bảy trong phiên 30/11.
Sang tháng 12, thông tin về gói kích thích kinh tế Mỹ vẫn chìm trong bế tắc và số ca mắc COVID-19 tăng đột biến ở Mỹ đã đẩy giá vàng lên cao hơn trong những ngày đầu tháng. Vàng trở lại trên ngưỡng 1.800 USD/ounce, với yếu tố chính chi phối thị trường trong tháng này là “số phận” gói kích thích kinh tế của Mỹ.
Tính tới thời điểm này của năm giá vàng tăng khoảng 24% khi hứng chịu nhiều biến động của cả thị trường lẫn kinh tế toàn cầu.
Hướng tới năm 2021: Rủi ro và động lực tăng trưởng song hành
Câu hỏi lớn nhất mà các nhà đầu tư quan tâm là liệu giá vàng có tăng trong năm 2021 không? Thị trường tài chính toàn cầu vẫn còn khả năng biến động mạnh. Do đó, việc dự đoán giá vàng sẽ ra sao trong dài hạn là khá khó khăn.
Các nhà phân tích và theo dõi xu hướng hầu hết đều cho rằng diễn biến của thị trường vàng sẽ phụ thuộc nhiều vào hoạt động ngăn chặn đại dịch lây lan, cũng như bất kỳ đợt bùng phát nào khác bắt nguồn từ biến thể của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Trong trường hợp đại dịch được khống chế thành công, các nhà đầu tư sẽ ưa chuộng các tài sản rủi ro hơn và qua đó tạo áp lực đi xuống đối với giá vàng. Ngược lại, nếu cuộc khủng hoảng COVID-19 diễn biến phức tạp hơn, giới đầu tư sẽ đổ xô đến các tài sản trú ẩn an toàn và giá vàng có thể sẽ tăng.
Song dù tăng hay giảm, vàng sẽ vẫn là tâm điểm của các nhà đầu tư trong năm 2021. Nguyên nhân là do các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã cam kết giữ lãi suất ở mức thấp trong khi duy trì thanh khoản dễ dàng để hỗ trợ tăng trưởng.
Gói kích thích kinh tế gần 900 tỷ USD của Mỹ dự kiến sẽ tăng thêm tính thanh khoản hiện có của đồng bạc xanh trong hệ thống, qua đó làm suy yếu đồng tiền này. Một đồng USD yếu được cho là sẽ đẩy giá vàng lên, như những xu hướng trước đây chứng minh.
Ngoài ra, những gói kích thích quy mô lớn trên toàn cầu cùng sẽ gia tăng áp lực lạm phát. Các nhà đầu tư có xu hướng chuyển từ đồng USD sang vàng như một “hàng rào” chống lại lạm phát và mất giá tiền tệ, qua đó cũng làm tăng thêm giá trị của kim loại quý này.
Bên cạnh đó, hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19, cùng việc triển khai kịp thời quy trình tiêm chủng ở các nước đang phát triển sẽ giúp định hướng giá vàng vào năm 2021.
Các thị trường đã bắt đầu đặt cược vào khả năng các Chính phủ sẽ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho nhóm dễ bị tổn thương nhất từ cuối tháng 12/2020 rồi mở rộng tiêm chủng phổ thông vào giữa năm 2021. Giới phân tích đánh giá kim loại quý này có thể sẽ lao dốc nếu vaccine được triển khai nhanh hơn dự báo hiện tại.
Trong một báo cáo mới đây, công ty tư vấn Capital Economics đã nhận định nếu hoạt động kinh tế toàn cầu có thể phục hồi nhanh chóng nhờ vaccine, các quỹ ETF vàng có thể chứng kiến các đợt bán tháo. Tuy nhiên, Capital Econimics vẫn cho rằng vàng có thể duy trì mức giá cao trong năm tới.
Theo lập luận của công ty tư vấn, lợi suất thực tế thấp của trái phiếu Chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ nhu cầu về vàng và bù đắp phần lớn sự suy yếu do xu hướng chuyển sang các kênh rủi ro của nhà đầu tư. Do đó, Capital Economics dự báo giá vàng sẽ ổn định quanh mức 1.900 USD/ounce cho đến cuối năm 2021.
Trong dự báo giá vàng mới nhất, các nhà phân tích tại ngân hàng Goldman Sachs vẫn giữ nguyên triển vọng tăng giá của vàng cho năm tới, đặt mục tiêu giá kim loại quý này ở mức 2.300 USD/ounce. Goldman Sachs nhận định chu kỳ tăng giá của vàng vẫn chưa kết thúc và sẽ tiếp tục trong năm tới, khi kỳ vọng lạm phát tăng cao hơn, đồng USD suy yếu và nhu cầu bán lẻ ở thị trường mới nổi tiếp tục phục hồi.
Tuy nhiên, ngân hàng này cũng lưu ý rằng trong ngắn hạn, thị trường vàng có thể khó xác định một xu hướng rõ ràng nào, dù theo hướng tăng cao hay xuống thấp hơn.
Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cũng dự đoán giá vàng có thể tăng lên 2.300 USD/ounce vào cuối năm 2021, đánh dấu mức đỉnh cho chu kỳ tăng giá của vàng.
Còn trong báo cáo mới nhất về thị trường vàng, ngân hàng HSBC dự báo giá kim loại quý này sẽ trung bình quanh mức 1.965 USD/ounce vào năm 2021. Ngân hàng này đánh giá vàng có thể nhận được nhiều hỗ trợ vào nửa đầu năm tới, rồi hạn chế dần trong nửa sau. Vào từng thời điểm, thị trường vàng có thể sẽ duy trì ở mức khoảng 2.000 USD/ounce trong một thời gian, rồi lại xuống dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce trong phần còn lại.
https://baotintuc.vn/thi-truong-tai-chinh/thi-truong-vang-the-gioi-2021-khi-rui-ro-va-luc-day-song-hanh-20201230211500283.htm
Ý kiến ()