Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 08/01/2025 10:33 (GMT +7)
Thiếu tính chiến lược, du lịch tỉnh Tây Ninh vẫn èo uột
Thứ 5, 10/08/2017 | 15:49:00 [GMT +7] A A
Có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển, thế nhưng đóng góp của ngành du lịch Tây Ninh vào ngân sách tỉnh nhà lại đang hết sức khiêm nhường.
Theo kết quả khảo sát của ngành chức năng tỉnh Tây Ninh, hiện doanh thu ngành du lịch chỉ đóng góp khoảng 770 tỉ đồng trong tổng sản phẩm nội tỉnh hơn 45.123 tỉ đồng. Nguyên nhân được cho là do thời gian dài định hướng phát triển du lịch của tỉnh chưa rõ, thiếu tính chiến lược, cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu, phát triển chậm và chưa đồng bộ.
Trong khi đó, những sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa phong phú, đa dạng, chất lượng sản phẩm thấp. Các dịch vụ du lịch như khách sạn, nhà hàng… chủ yếu bình dân, quy mô nhỏ, chỉ hầu như phục vụ nhu cầu người dân địa phương và khách vãng lai nên rất khó thu hút khách giàu có và khách nước ngoài đến du lịch, lưu trú.
“Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và có đường biên giới dài 240 km giáp với 3 tỉnh của Vương quốc Campuchia với 16 cửa khẩu, trong đó có 2 cửa khẩu quốc tế tạo thành những cửa ngõ quan trọng nối Thành phố Hồ Chí Minh với thủ đô Phnôm Pênh. Trên địa bàn tỉnh có nhiều địa danh nổi tiếng như Núi Bà Đen, Hồ Dầu Tiếng, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Tòa thánh Cao Đài, Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát, sông Vàm Cỏ Đông… Tuy nhiều lợi thế nhưng du lịch tỉnh nhà vẫn chưa được đánh thức đúng tầm”, ông Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cho biết.
Có nhiều tiềm năng nhưng du lịch tỉnh Tây Ninh vẫn chưa được khai thác đúng tầm. Ảnh: CTV |
Tại Hội thảo quốc tế “Du lịch Tây Ninh tiềm năng, lợi thế, cơ hội phát triển” được tổ chức mới đây tại tỉnh Tây Ninh, các đại biểu cho rằng, tiềm năng du lịch Tây Ninh là rất lớn, khí hậu tốt cho ngành du lịch và có thể trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Vấn đề quan trọng ở đây là tỉnh cần nỗ lực tập trung khắc phục những hạn chế, trong đó ưu tiên đầu tư phát triển du lịch ở các khu vực trọng điểm cũng như chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao nhận thức đội ngũ cán bộ công chức và người dân về du lịch; kêu gọi nhà đầu tư chiến lược có uy tín đầu tư vào du lịch…
“Có thể tập trung phát triển khu vực núi Bà Đen thành khu du lịch với quần thể các điểm du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, công viên sinh thái, du lịch lễ hội, tâm linh…; đầu tư bảo tồn và phát huy giá trị di tích Trung ương Cục miền Nam và các di tích liên quan thành điểm du lịch quốc gia về nguồn; phát triển các khu dịch vụ phục vụ khách du lịch caravan, khách du lịch thương mại cửa khẩu ở Mộc Bài; phát triển loại hình du lịch mang tính sinh thái, vui chơi giải trí phục vụ du khách nghỉ cuối tuần”, Tiến sĩ Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường đại học Fulbright Việt Nam, gợi ý.
Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái đề nghị tỉnh Tây Ninh cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch du lịch sao cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương, từ đó sớm có dự thảo nghị quyết thực hiện chương trình hành động của Chính phủ về phát triển du lịch. Song song đó, cần chú ý kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược có uy tín trong và ngoài nước để tạo bước đột phá. Thời gian tới, các ngành liên quan, trong chương trình xúc tiến, quảng bá sẽ ưu tiên đưa Tây Ninh vào để quảng bá rộng ở các nước ASEAN, quốc tế và từng bước đưa ngành du lịch tỉnh tạo sự liên kết du lịch trong vùng.
“Du lịch của tỉnh Tây Ninh chủ yếu là du lịch sinh thái và 3 nội dung chiến lược mà tỉnh cần khuyến khích các doanh nghiệp hướng tới để phát triển mạnh du lịch trong thời gian tới đó là: Thiết kế các dịch vụ du lịch, lữ hành đáp ứng yêu cầu du khách và cộng đồng; phát triển dịch vụ ẩm thực có nét đặc sắc của địa phương; tất cả sản phẩm du lịch phải sáng tạo, ngày càng đáp ứng nhu cầu luôn thay đổi. Cùng với đó, cần phát triển làng nghề; phát triển các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh núi Bà Đen, Ma Thiên Lãnh, Hồ Dầu Tiếng… Tây Ninh có đủ tiềm năng để phát triển để trở thành trung tâm du lịch Việt Nam và khu vực”, ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam, nhấn mạnh.
Ý kiến ()