Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 22/01/2025 23:49 (GMT +7)
Thịt bò, gà ‘đắt hàng’ khi dịch tả lợn châu Phi lây lan tại TP Hồ Chí Minh
Thứ 6, 14/06/2019 | 08:50:00 [GMT +7] A A
Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, khiến nhiều người tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh chuyển sang dùng các loại thịt gia cầm, gia súc thay thế, nên sức mua các thực phẩm này tăng lên.
Trước kia, gia đình chị Nguyễn Thúy Giang, ngụ quận 2, TP Hồ Chí Minh thường xuyên sử dụng thịt lợn trong các bữa ăn hàng ngày, nhưng lo ngại bệnh dịch tả lợn châu Phi nên giờ chị Giang đã chuyển sang dùng các loại thịt gia súc, gia cầm khác thay thế cho thịt lợn trong các bữa ăn.
Người dân chọn mua thịt gà, thịt bò thay cho thịt lợn tại TP Hồ Chí Minh.
“Thay thế thịt lợn bằng thịt gia súc, gia cầm khác cũng rất khó khăn bởi giá các loại thịt khác thường cao hơn thịt lợn nên chi phí cho một bữa ăn hiện nay cũng tăng lên. Giá thịt bò thường cao hơn thịt lợn từ 2 – 3 lần, giá thịt gà cao hơn thịt lợn từ 1 – 1,5 lần… Nhưng vì e ngại bệnh dịch tả châu Phi nên chị Giang cũng quyết định chọn các loại thịt khác thay thế thịt lợn trong khẩu phần ăn của gia đình dù chi phí cho một bữa ăn sẽ cao hơn”, chị Giang cho biết thêm.
Ngày 13/6, ghi nhận tại các chợ truyền thống trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, sức mua các loại thịt bò, thịt gà… đang gia tăng.
Anh Vũ Văn Nam, tiểu thương chuyên bán thịt bò tại chợ Phước Long B (quận 9) cho biết, cách đây 4 ngày, giá các loại thịt bò đều được điều chỉnh tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/kg. Cụ thể, thịt thăn bò trước kia có giá 250.000 đồng/kg, nay tăng lên 260.000 đồng/kg, thịt vai bò có giá 240.000 đồng/kg, nay tăng lên 248.000 đồng/kg… Hiện, sức mua thịt bò cũng tăng khoảng 5 – 10% so với thời điểm cách đây một tuần. Nguyên nhân do người dân có tâm lý e ngại dịch tả lợn châu Phi đang lây lan, nên chuyển sang dùng thịt bò thay thế thịt lợn.
Chị Lê Thị Thanh, tiểu thương bán gà tại chợ Phước Bình (quận 9) cũng cho biết, hai tuần gần đây số lượng thịt gà chị lấy đã tăng gấp 2 – 3 lần so với trước. Trung bình một ngày chị Thanh bán khoảng 80 – 120 kg thịt gà. Ngoài ra, các quán ăn trước kia mua thịt lợn nhiều thì nay giảm số lượng và chuyển sang thu mua thịt gà với số lượng lớn.
Là đơn vị chuyên cung cấp số lượng lớn thịt gà cho thị trường, bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc công ty San Hà Foods cho biết, mỗi ngày đơn vị bán ra 200 tấn thịt, cao gấp hai lần so với trước đây, tăng trưởng bình quân của công ty từ mức 10-15% nhưng từ đầu năm đến nay đã đạt 30%. Nguyên nhân do người dân thay đổi thói quen trong khẩu phần ăn hàng ngày. Hiện đơn vị đang đẩy mạnh nguồn hàng để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Không riêng các gia đình tại TP Hồ Chí Minh chọn cách thay đổi cơ cấu bữa ăn, nhiều nhà hàng, quán ăn, bếp ăn công nghiệp tại TP Hồ Chí Minh cũng thay thế thịt lợn bằng thịt gia cầm, gia súc khác trong khẩu phần ăn. Cũng vì chuyển đổi sang loại thịt khác nên giá suất ăn công nghiệp của các đơn vị này cũng điều chỉnh tăng từ 5.000 – 8.000 đồng/suất. Suất ăn công nghiệp đơn vị này đang cung cấp cho các bếp ăn tập thể ở mức 18.000 – 25.000 đồng/suất.
Các đơn vị cung cấp thịt lợn lớn như công ty Vissan kiểm soát chặt an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu giết mổ đến phân phối đến tận tay người tiêu dùng
Ghi nhận tại các siêu thị TP Hồ Chí Minh, sức mua thịt bò, thịt gà cũng đã thay đổi theo hướng tăng hơn so với trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Đại diện các đơn vị này cho biết, cơ cấu thịt tươi sống bán ra hiện nay là thịt bò 7 – 8%, thịt lợn 60-75%, còn lại là các loại thịt khác. Để đáp ứng nhu cầu mua thịt bò tăng cao của người tiêu dùng hiện nay, giá thịt bò cũng đang được các đơn vị phân phối điều chỉnh giảm nhẹ. Tuy nhiên, đa số thịt bò là thịt nhập khẩu có kiểm định chất lượng chặt chẽ nên việc điều chỉnh giá bán theo hướng giảm cũng không phải dễ dàng và cần có thời gian. Hiện giá thịt bò tại các siêu thị đang ở mức khá cao, dao động từ 280.000 – 350.000 đồng/kg tùy loại.
Ông Nguyễn Đăng Phú, Phó Tổng Giám đốc công ty Vissan – đơn vị chuyên cung cấp các loại thịt gia súc, gia cầm tại TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay tỉ lệ thịt tươi sống bán ra trên hệ thống của đơn vị không có nhiều thay đổi so với trước khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát. Cụ thể, lượng thịt bò bán ra ở mức 4 tấn/ngày, thịt lợn 65 tấn/ngày, vẫn tiêu thụ bình thường và chưa có tăng đột biến ở mảng tiêu thụ thịt bò.
Theo ông Nguyễn Đăng Phú, dù một số khách hàng là các trường học, khu công nghiệp chủ động đổi thịt lợn sang dùng thịt bò sau khi những thông tin về bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện nhưng mức thay đổi này chưa tăng đột biến. Người sử dụng thịt bò chưa tăng cao đột biến do giá thịt bò thường cao hơn các loại thịt khác nên người dân vẫn còn còn đắn đo khi chọn thịt bò thay cho thịt lợn và còn do không phải ai cũng ăn được thịt bò thay cho thịt lợn.
Ý kiến ()