Thứ Hai, 20/01/2025 10:57 (GMT +7)

Thịt lợn tăng giá đột biến không phải thiếu nguồn cung

Thứ 2, 18/11/2019 | 09:33:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Cục Chăn nuôi khẳng định, thịt lợn tăng đột biến không phải do thiếu nguồn cung mà do khâu lưu thông và thông tin từ nhiều nguồn gây hiệu ứng tăng giá.

Theo nhận định chung, giá lợn tăng đột biến trong thời gian ngắn vừa qua theo lý giải của đại diện Cục Chăn nuôi nguyên nhân không phải do thiếu nguồn cung bởi so với thời điểm khi dịch tả lợn Châu Phi xảy ra, đến nay mới chỉ thiệt hại khoảng 8,5% tổng đàn lợn, với 5,8 triệu con lợn bị chết và tiêu hủy, tương đương với 3,8 triệu tấn thịt lợn.

Giá lợn tăng đột biến trong thời gian ngắn hiện nay theo lý giải của đại diện Cục Chăn nuôi nguyên nhân không phải do thiếu nguồn cung.

Giá lợn hơi cả nước hiện nay dao động từ 58.000 – 65.000 đồng/kg lợn mà vấn đề ở đây là do khâu lưu thông và thông tin về giá thịt lợn. Cụ thể, do thông tin chưa rõ ràng về nguồn cung chăn nuôi lợn tại từng địa phương nên gây tâm lý hoang mang dẫn đến người dân và thương lái nâng giá bán, nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, thu mua chụp giật càng đẩy giá lên cao. Cùng với đó là các hộ chăn nuôi lớn, vì ký kết với các công ty lớn bao tiêu nên thương lái không thể thu mua, đành phải mua ở các hộ nhỏ lẻ giá cao.

Ông Nguyễn Xuân Dương phân tích, cũng chính vì diễn biến phức tạp của giá lợn trong nước và dự báo tăng cao, mặc dù lợn đã đạt trọng lượng, nhưng nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn quyết giữ để chờ thêm giá dẫn đến tình trạng cầu vượt cung.

“Trước kia các thương lái mua của nông hộ là chính, nay nông hộ hầu như không còn lợn nên không tiếp cận nguồn cung thịt lợn. Nguồn cung lợn chính bây giờ là ở các trang trại lớn, các công ty, hộ chăn nuôi lớn mà các hộ này thường bán theo xe, số lượng lớn. Thương lái không tiếp cận được nguồn đó thì bao nhiêu cũng phải mua, ở chiều ngược lại hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lại có tâm lý găm hàng và nếu bán thì giá rất cao. Trong khi đó thông tin báo chí đề cập đến giá cao cá biệt nên vô hình chung tạo hiệu ứng tăng đột biến”, ông Dương nói.

Lý giải về điều này, ông Kiều Đình Thép , Giám đốc kinh doanh công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết, về nguồn cung của công ty so với năm ngoái tăng khoảng 10%. Quan điểm của công ty là cùng chung tay bình ổn giá và chỉ cung cấp cho các khách hàng là những đối tác gắn bó lâu năm và có hợp đồng dài hạn với doanh nghiệp. Còn đối với nhu cầu khách không thường xuyên, công ty vẫn phục vụ nhưng phục vụ những đơn hàng ở mức độ vừa phải bởi vì nếu bán ồ ạt ra thị trường mà các thương lái thu mua qua nhiều lớp trung gian sẽ tiếp tục đẩy giá lợn tăng cao.

Thông tin về đẩy mạnh tái đàn ở các địa phương, ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y lưu ý, đối với những địa phương đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả lợn Châu Phi có thể tái đàn nhưng phải tuân thủ theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tái đàn có kiểm soát và an toàn sinh học.

“Để tái đàn thành công phải áp dụng các biện pháp sinh học và có kiểm soát, thời điểm ban đầu chỉ nuôi 10% công suất của của cơ sở đó trong 1 tháng, sau khi theo dõi không có dấu hiệu của dịch và xét nghiệm lợn âm tính với dịch khi đó sẽ nuôi toàn bộ công suất”, ông Long cho hay.

Một số địa phương như: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang hiện đã qua 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch tả lợn Châu Phi cho biết, với đàn lợn nái và con giống an toàn hiện nay, sẽ tổ chức tái đàn ở những điểm đảm bảo đủ điều kiện an toàn sinh học và có kiểm soát./.

Theo Minh Long/VOV1

 

https://vov.vn/kinh-te/thit-lon-tang-gia-dot-bien-khong-phai-thieu-nguon-cung-979407.vov

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu