Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 23/01/2025 00:09 (GMT +7)
Thịt ngoại siêu rẻ tràn vào thị trường Việt
Thứ 5, 29/03/2018 | 11:52:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Thịt bò ngoại đang “phủ sóng” khắp siêu thị, cửa hàng, chợ mạng…, đặc biệt là loại thịt ba chỉ bò được quảng cáo là nhập khẩu từ Mỹ.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, hai tháng đầu năm 2018, người Việt đã chi hơn 8,88 triệu USD để nhập thịt bò từ Mỹ, đồng thời cũng chi khoảng 6,62 triệu USD để nhập sản phẩm cùng loại từ Úc.
Tính chung, cả hai thị trường cung cấp thịt bò lớn nhất cho Việt Nam, hai tháng qua người Việt đã bỏ hơn 15,5 triệu USD (tương đương hơn 280 tỷ đồng) để ăn thịt nhập ngoại.
Trước đó, cả năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu thịt bò theo hai xuất xứ này lần lượt là 56,22 triệu USD và 31,49 triệu USD.
Về chủng loại, thịt bò Mỹ thường là loại thịt đông lạnh, nhập về Việt Nam và được thái lát thành lát nhỏ bán tại siêu thị, nhà hàng chuyên doanh. Chủng loại thịt bò Mỹ thường là thịt bắp bò, thăn, gầu, dẻ sườn, bắp hoa, lõi vai… Trong khi đó, thịt bò nhập từ Úc thường là loại thịt bò tươi, thịt bò cấp đông nguyên tảng, loại thịt phổ biến nhất là thịt bắp, vai và đùi.
Thịt bò ngoại xuất hiện tràn nhập trên thị trường, “phủ sóng” khắp siêu thị, cửa hàng, “chợ mạng”, đặc biệt là loại thịt ba chỉ bò được quảng cáo là nhập khẩu từ Mỹ. Giá loại thịt này bán tới tay người tiêu dùng chỉ dao động từ 150.000-250.000 đồng/kg tuỳ loại, rẻ hơn nhiều so với thịt bò Việt Nam.
Thông tin thịt bò nhập khẩu về Việt Nam từ Mỹ, Úc có giá rẻ bằng một nửa so với thịt bò tươi trong nước đã khiến dư luận hoài nghi và nhiều thông tin cho rằng đây là những thịt bò cận ngày hết hạn sử dụng mới có giá rẻ như vậy.
Ngoài thịt bò, đùi gà Mỹ giá siêu rẻ cũng xuất hiện tràn lan trên thị trường Việt, giá chỉ từ 10.000 – 20.000 đồng/kg. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2017 đến hết ngày 15/3, Việt Nam nhập khẩu 22.500 tấn thịt gà các loại, trị giá 19,8 triệu USD. Như vậy, thịt gà nhập bình quân chỉ có giá khoảng 0,88 USD/kg (tương đương 20.000 đồng/kg). Các loại thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Mỹ, Brazil và Hàn Quốc.
Theo giải thích của ông Nguyễn Văn Trọng, Cục phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), giá đùi gà nhập khẩu có giá rẻ là do Mỹ và một số nước trên thế giới chỉ ăn ức gà, nên đây là bộ phận có giá đắt nhất. Trong khi các sản phẩm như cổ, cánh, chân, đùi, lòng mề gà… thì người tiêu dùng các nước này ít ăn hơn. Do vậy họ bán những sản phẩm này với giá rẻ sang các nước châu Á bao gồm Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Trọng cũng cho hay, với giá thịt gà rẻ bất thường, thậm chí chỉ còn dưới 10.000 đồng/kg, cũng không loại trừ trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu loại thịt gà sắp hết hạn sử dụng.
Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ NN&NTNT, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y khẳng định các mặt hàng thực phẩm gia súc, gia cầm, trong đó có thịt bò nhập khẩu vào Việt Nam đều được kiểm soát chặt chẽ.
Ông Thành cho hay, các nhà máy, cơ sở giết mổ gia súc nước ngoài muốn xuất khẩu sản phẩm vào Việt Nam phải có hồ sơ gửi các cơ quan chức năng Việt Nam và được thẩm định, chấp thuận. Sản phẩm vào Việt Nam phải đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm mới được cấp phép.
Đồng thời, 100% các lô hàng đông lạnh khi nhập khẩu vào các cửa khẩu thì sẽ không áp dụng hình thức hậu kiểm mà sẽ được lấy mẫu kiểm tra về hóa học, vi sinh, nhãn mác, ngày sản xuất, hạn sử dụng… Khi kiểm tra mẫu hàng, nếu phát hiện có vi phạm về an toàn và dịch bệnh sẽ bị phạt tiền, yêu cầu tái xuất hoặc tiêu huỷ.
Giá thịt ngoại quá rẻ dấy lên lo ngại về chất lượng và vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. (Ảnh minh họa: KT) |
Chia sẻ trên VnExpress, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cho rằng, thịt ngoại đang vào Việt Nam rất rẻ trong khi doanh nghiệp Việt giờ mới đang chập chững làm tiêu chuẩn an toàn thì vừa tốn kém vừa tốn thời gian.
Giá thịt trên thị trường ngày càng giảm nên nếu không có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng thì khó mà chạy đua theo kịp, bà Hạnh quan ngại.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia của EuroCham trong Sách trắng 2018, để tiếp tục cải thiện chất lượng và giải quyết vấn đề an toàn thực phẩm, Việt Nam cần đẩy mạnh các giải pháp truy xuất nguồn gốc.
Cần rà soát các quy định hiện nay và tạo ra một chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản và thực phẩm giá trị cao. Điều này bao gồm hoạt động xây dựng các cơ hội tiếp cận thị trường mới, giảm thiểu kháng sinh và sự phụ thuộc của ngành vào nguyên liệu nhập khẩu, Sách trắng 2018 nêu rõ.
Các chuyên gia của EuroCham cũng nhấn mạnh: Việt Nam cần xây dựng hệ thống nhận diện vật nuôi nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và khả năng xuất khẩu của Việt Nam./.
Ý kiến ()