Thứ Tư, 01/01/2025 22:02 (GMT +7)

Thông tuyến Bảo hiểm y tế và những lo ngại của người bệnh

Thứ 5, 07/01/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Bệnh nhân không đến nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nữa mà có thể chọn cơ sở y tế mình thấy tin tưởng vẫn được hưởng 100% chi phí.

Từ 1/1/2016, người sử dụng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ có quyền đi khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh, không bị giới hạn bởi nơi đăng ký ban đầu mà vẫn được thanh toán theo đúng mức hưởng theo quy định.

thong tuyen bao hiem y te va nhung lo ngai cua nguoi benh hinh 0
Người dân có thể tự chọn nơi khám chữa bệnh ở tuyến huyện (ảnh SGGP)

Liên quan đến qui định này, ông Vũ Xuân Bằng, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT -BHXH Việt Nam cho biết: “Toàn bộ bệnh nhân tuyến huyện được đi khám chữa bệnh và không cần giấy giới thiệu chuyển viện. Trên địa bàn tỉnh, từ huyện này có thể sang huyện khác được. Điểm này mang lại rất nhiều quyền lợi cho người dân có thẻ BHYT. Trước kia người dân có thẻ muốn chuyển từ xã lên tới huyện thì phải có giấy giới thiệu, không có thì thành trái tuyến. Bây giờ, bệnh nhân có thể lên thẳng bệnh viện huyện để khám chữa bệnh và vẫn được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh”.

PV: Qui định như vậy có gây khó khăn nào cho các bệnh viện không, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Bằng: Không khó khăn gì cả, vì lúc này đòi hỏi các cơ sở khám chữa bệnh phải nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn; nâng cao trang thiết bị y tế, làm sao thu hút được nhiều bệnh nhân thì lúc đó nhiều bệnh nhân đến thì mới có nhiều nguồn thu. Nếu bệnh viện nào làm không tốt thì người dân sẽ không đến khám chữa bệnh nữa. Đó là quyền lợi của người dân.

PV: Như thế có dẫn đến quá tải ở các bệnh viện tuyến trên hay không, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Bằng: Đây chỉ là chuyển giao trong tuyến huyện chứ không phải tuyến trung ương cho nên không lo ngại. Để chuẩn bị cho việc này thì Bộ Y tế, BHXH Việt Nam đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh từ năm 2015 ước tính lượng bệnh nhân đến bệnh viện như thế nào, tăng thêm bàn khám, tăng điều kiện phục vụ người dân tốt hơn.

PV: Những người làm chính sách có tính đến tình trạng bệnh viện không đủ chuyên môn, cơ sở vật chất nhưng vẫn muốn giữ người bệnh, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Bằng: Bệnh viên không gây khó khăn cho bệnh nhân được vì trước đây bắt buộc bệnh nhân chuyển từ viện này sang viện kia phải có giấy chuyển viện thành ra mới gây khó khăn. Bây giờ bệnh nhân không đến chỗ anh nữa mà đến chỗ khác vẫn được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh.

PV: Nhưng có những người đến làm thủ tục khám chữa bệnh rồi mà không hài lòng, muốn chuyển viện thì sao?

Ông Vũ Xuân Bằng: Cái đó chỉ là cá biệt thôi. Người ta chuyển đi cũng vẫn mang thẻ đến bệnh viện tuyến huyện khác để khám vẫn được hưởng 100% quyền lợi.

PV: Các bệnh viện huyện có những điều chỉnh, chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân như thế nào, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Bằng: Từ năm 2015, các bệnh viện huyện đã phải chuẩn bị, kể cả công tác đào tạo bác sĩ, trang thiết bị, nhiều bệnh viện tuyến huyện trang bị cả máy siêu âm màu 3D, 4D, một số huyện còn đầu tư cả máy chụp CT. Các bệnh viện đã đón việc thông tuyến từ năm 2015 khi Luật có hiệu lực. Sở Y tế một số tỉnh có kế hoạch để triển khai việc thông tuyến cho cấp huyện.

PV: Nhưng thực tế người bệnh muốn lên tuyến trung ương hơn là chạy từ huyện này sang huyện kia?

Ông Vũ Xuân Bằng: Thông tuyến huyện từ 1/1/2016 và đến 2021 mới thông tuyến tỉnh. Vì vậy cho nên việc các cơ sở khám bệnh tuyến huyện phải chuẩn bị tốt, sau đó muốn làm tốt thì phải lấy lại được niềm tin của người dân đối với y tế cơ sở. Còn việc người dân không tin tưởng y tế cơ sở, y tế cơ sở làm không tốt… thì người ta vẫn được quyền lên tuyến trên và vẫn được khám tuyến tỉnh và trung ương. Ở tuyến tỉnh, nếu trái tuyến mà nội trú thì vẫn được hưởng 60% chi phí. Lên tuyến trung ương mà nội trú thì được hưởng 40% chi phí.

PV: Thông tuyến BHYT mà bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân thì sao, thưa ông?

Ông Vũ Xuân Bằng: Câu chuyện đó chắc sẽ không xảy ra. Vì thông tuyến thì ai cũng muốn bệnh nhân đến với mình. Vấn đề là anh làm không tốt thì bệnh nhân sẽ bỏ đi nơi khác. Sinh ra bệnh viện là phải chữa bệnh, có ai không muốn bệnh nhân đến.

Trước đây chúng ta qui định là thứ 7, chủ nhật thì các cơ sở khám chữa bệnh muốn khám BHYT thì phải quá tải. Sau đó, Bộ Y tế đã sửa đổi theo hướng chỉ cần cơ sở khám chữa bệnh đó có văn bản đề nghị cơ quan BHXH rằng chúng tôi có nhu cầu khám chữa bệnh vào thứ 7, Chủ nhật thì cơ quan BHXH sẽ điều chỉnh bằng phụ lục hợp đồng và được quyền khám thứ 7, Chủ nhật. Bởi thực tế, một số doanh nghiệp công nhân hay cán bộ đi làm việc không được nghỉ ngày thường, có nhu cầu khám chữa bệnh thì phải đi vào ngày nghỉ. Vừa qua, để gỡ chỗ này, liên bộ đã sửa Thông tư 41 bằng Thông tư 16 và cho phép được khám bệnh thứ 7, Chủ nhật.

PV: Một số bệnh nhân phản ánh, một số loại bệnh không được chi trả thuốc hoàn toàn mà chỉ một phần thôi hoặc khống chế mức trần chi trả tiền thuốc cho bệnh đó. Ông nghĩ sao về thực tế này?

Ông Vũ Xuân Bằng: Riêng chính sách bảo hiểm y tế thì không có bệnh nào quỹ BHYT không chi trả từ bệnh nặng nhất như ung thư chi phí rất lớn (bình quân mỗi người một năm điều trị hết 1,4 tỷ đồng). Thuốc ung thư vú, Singapore hạn chế dùng vì không có tiền nhưng mình vẫn trả với giá khoảng 800 – 850 triệu/người/năm. Đấy là thuốc, còn bệnh thì bệnh gì cũng chữa, bệnh gì quỹ BHYT cũng chi trả. Nhưng vì Việt Nam còn có gần 1.000 danh mục hoạt chất và thuốc, trong đó đi với nó là là 24.000 loại thuốc. Trong những loại thuốc này, có loại hiệu quả điều trị chưa rõ ràng nhưng đã được cấp phép điều trị. Hoặc một số thuốc hiệu quả điều trị rõ ràng vừa có chi phí lớn thì quỹ bảo hiểm mới thanh toán 50%. Nhưng nếu hiệu quả không rõ ràng như vitamin… thì chi trả thấp.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Vũ Hạnh/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu