Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 10/01/2025 19:35 (GMT +7)
Thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế: Bệnh nhân thêm cơ hội lựa chọn
Thứ 2, 27/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Việc thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến huyện từ đầu năm 2016 đến nay đã giúp người dân thuận lợi hơn khi đi khám bệnh, đồng thời cũng tạo áp lực, khiến các cơ sở khám chữa bệnh tại Hà Nội phải cải tiến, tìm cách giữ bệnh nhân.
Tạo thuận lợi cho người bệnh
Con nhỏ hơn 2 tuổi bị sốt, ho nên chị Dương Thị Trà My, xã Thượng Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đưa lên Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ khám. Chỉ sau ít phút làm thủ tục lấy số, nộp thẻ, cháu nhỏ đã được bác sĩ khám và kê đơn, lấy thuốc. Chị Trà My cho biết: “Trước đây, nếu muốn khám theo bảo hiểm y tế (BHYT), tôi phải đưa con đến trạm y tế xã rồi ở đó mới làm thủ tục chuyển lên tuyến huyện. Bởi vậy, tôi thường đưa con đi khám ở phòng khám tư cho nhanh. Nhưng nay thì đỡ rồi, từ khi thực hiện thông tuyến BHYT, tôi có thể đưa thẳng con lên bệnh viện tuyến huyện khám chữa bệnh, các bác sĩ ở đây cũng khá chu đáo, cởi mở”.
Bệnh nhân khám BHYT tại Bệnh viện Chương Mỹ được chỉ dẫn chu đáo. |
Cũng đi khám định kỳ tại BV đa khoa Chương Mỹ, chị Nguyễn Thị Tư, xã Trần Phú (huyện Chương Mỹ) cho biết bệnh của chị được Bệnh viện phụ sản Hà Nội khám và điều trị cách đây khoảng 3 tháng. Do vẫn phải theo dõi định kỳ nên 2 tuần/lần, chị lại đến đây khám, lấy thuốc. Thủ tục khám chữa bệnh khá nhanh chóng, chị còn đặt được lịch khám với bác sĩ. Đặc biệt, khi có triệu chứng bất thường, bác sĩ Bệnh viện đa khoa Chương Mỹ trao đổi bệnh viện tuyến trên để có tư vấn cụ thể về bệnh tình của chị Tư.
Theo khảo sát của phóng viên, người dân đều rất hồ hởi với quy định thông tuyến khám chữa bệnh, bởi họ có thể tự do lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh, không phải bó buộc vào “nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu” như trước đây. Hơn nữa, các cơ sở y tế cũng đang dần thay đổi để đáp ứng nhu cầu , “giữ chân” người bệnh. Bà Nguyễn Hằng, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, chia sẻ: “Tôi thường đến khám sức khỏe tại Phòng khám đa khoa trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội nên thấy rõ ở đây có nhiều thay đổi. Ví như trước đây, người bệnh thường mất thời gian dài chờ đợi lấy kết quả xét nghiệm nhưng nay, sau khi có quy định trả ngay kết quả xét nghiệm trong buổi sáng thì bệnh nhân đỡ vất vả hơn, không phải đi lại nhiều như trước”.
Áp lực đổi mới với cơ quan quản lý
Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Giám đốc BHXH Hà Nội cho biết: “Quy định thông tuyến khám chữa bệnh đòi hỏi các y, bác sĩ phải tự điều chỉnh thái độ, quy trình nghiệp vụ thăm khám phải thực hiện nhanh và chuẩn xác hơn. Bởi lẽ, nếu người bệnh thấy không hài lòng, lần sau họ sẽ tìm đến cơ sở y tế có dịch vụ tốt hơn. Như vậy, nguồn thu của bệnh viện sẽ bị ảnh hưởng”.
Theo ông Đặng Trần Chiến, Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Chương Mỹ, khi thực hiện thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện, đơn vị phân luồng người đến khám từ tổ tiếp đón, phát phiếu. Bệnh viện có 13 bàn khám, hôm có đông bệnh nhân, bệnh viện bố trí lên 15-16 bàn khám để phục vụ nhân dân thuận lợi. Bên cạnh đó, bệnh viện tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng từ 250 lên 350 giường bệnh, lắp thêm quạt, điều hòa; tăng cường tập huấn đội ngũ cán bộ về chăm sóc người bệnh, thay đổi thái độ. Do đó, qua theo dõi, tỷ lệ người đến khám từ đầu năm đến nay tăng 16%, tỷ lệ nội trú tăng 8%. Số bệnh nhân khám chữa bệnh theo thẻ BHYT tại bệnh viện chiếm hơn 60%.
Tuy nhiên, khám chữa bệnh thông tuyến cũng dễ dẫn đến tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT, đòi hỏi cơ sở y tế nói riêng và các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp ngăn chặn. Theo ông Nguyễn Đức Hòa, một số quận/huyện ghi nhận lượng người đến khám tăng từ 10 – 15%. Trong đó, có 39 trường hợp khám 3 lần/ngày và hơn 1.000 trường hợp khám 2 lần/ngày. Do đó, để kiểm soát việc trục lợi quỹ BHYT, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã lập danh sách những bệnh nhân trong diện nghi vấn lạm dụng BHYT gửi các trung tâm y tế, phòng khám đa khoa trên địa bàn thành phố nhằm để phối hợp tuyên truyền, nhắc nhở thực hiện đúng theo quy định.
“Qua danh sách này, các bệnh viện sẽ thăm hỏi, “truy” bệnh nhân đã khám bệnh gì, dùng thuốc nào rồi, đã hết liệu trình điều trị chưa để tránh tình trạng cấp nhiều loại thuốc, dẫn đến kháng thuốc, gây lãng phí, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như quá trình điều trị của người bệnh”, ông Nguyễn Đức Hòa cho biết.
Ý kiến ()