Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Hai, 27/01/2025 11:34 (GMT +7)
Thu ngân sách tăng chậm, chi thường xuyên vẫn tăng nhanh
Thứ 6, 05/10/2018 | 11:05:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – 9 tháng qua, ngân sách Nhà nước (NSNN) thâm hụt 38.300 tỷ đồng. Khoản chi ngân sách lớn nhất vẫn là chi thường xuyên, chi cho bộ máy nhà nước.
Cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững
Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 9 tháng năm 2018 của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2018 ước tính đạt 898.300 tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán năm, trong đó thu nội địa 710.100 tỷ đồng, chiếm 79% tổng thu; thu từ dầu thô 43.500 tỷ đồng, chiếm 4,8%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 140.900 tỷ đồng, chiếm 15,7% tổng thu.
Theo PGS. TS Nguyễn Thị Thanh Hoài, Học viện Tài chính, cơ cấu thu ngân sách đang có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng thu nội địa ngày càng tăng lên. Tỷ trọng thu nội địa tăng là do hoạt động sản xuất – kinh doanh của người nộp thuế có hiệu quả hơn, số lượng doanh nghiệp mới thành lập gia tăng. Bên cạnh đó, Nhà nước áp dụng các ưu đãi thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho sản xuất – kinh doanh phát triển thuận lợi. Cơ quan thu NSNN, đặc biệt là cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp tăng cường quản lý thu, đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chống thất thu nội địa.
9 tháng năm 2018, ngân sách Nhà nước thâm hụt 38.300 tỷ đồng (Ảnh minh họa: KT)
“Tỷ trọng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu thời gian gần đây giảm là do Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện cắt giảm mạnh thuế quan theo lộ trình”, PGS Nguyễn Thị Thanh Hoài cho hay.
Mặc dù cơ cấu thu NSNN của Việt Nam thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, cơ cấu thu NSNN chưa thực sự bền vững. Nguồn thu trong nước tăng chậm do hiệu quả nền kinh tế còn thấp; nguồn thu NSNN chưa thực sự bắt nguồn từ kết quả sản xuất – kinh doanh, từ hiệu quả chuyển dịch kinh tế. Một số khoản thu không ổn định như thu từ bán đầu thô, thu thuế xuất nhạp khẩu, thu từ đất… làm cho thu NSNN nhạy cảm với tình hình kinh tế – chính trị trên thế giới và giá dầu thô trên thị trường quốc tế.
“Tỷ lệ động viên ngân sách chưa bền vững dù thu nội địa chiếm 80% tổng thu ngân sách. Một bộ phận nguồn thu, nhất là nguồn thu của nhiều địa phương, phụ thuộc vào bán tài sản công, quyền sử dụng đất”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ rõ.
Mặt khác, công tác quản lý, điều hành thu NSNN còn bất cập, tồn tại tình trạng trốn thuế, lậu thuế, thất thu thuế.
“Hiện Việt Nam giao đất, rừng, mỏ khoáng sản vẫn có tình trạng theo cơ chế xin – cho, thu tiền thuế hoặc thuế thu nhập doanh nghiệp hàng năm nhìn chung chưa tương xứng với giá trị tài sản công. Hoạt động kinh doanh và chuyển dịch tài sản, bất động sản dù đã chịu thuế nhung vẫn còn nhiều đối tượng tận dụng tránh thuế, trốn thuế khiến khoản thu chưa tương xứng với thực tế”, PGS Nguyễn Thị Thanh Hoài cho biết.
Nguy cơ mất ổn định tài khóa
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2018 ước tính đạt 936.600 tỷ đồng, bằng 61,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 651.000 tỷ đồng, chiếm 69,5% tổng chi ngân sách; chi đầu tư phát triển 192.800 tỷ đồng, chiếm 20,6% tổng chi; chi trả nợ lãi 79.300 tỷ đồng, chiếm 8,5% tổng chi.
Chi thường xuyên vẫn chiếm gần 70% tổng chi NSNN (Ảnh minh họa: KT)
Về định hướng chi NSNN, ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, giai đoạn 2016-2018, các cấp, các ngành đã và đang đẩy mạnh cơ cấu lại chi NSNN theo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tăng cường quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm; giảm chi các lĩnh vực sự nghiệp theo lộ trình tăng giá, phí dịch vụ sự nghiệp công; cân đối nguồn lương. Đồng thời, đổi mới kiểm soát chi, đơn giản hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian xử lý, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
“Triển khai các kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm và các kế hoạch tài chính – NSNN 3 năm nhằm từng bước kiểm soát nhu cầu chi trong phạm vi khả năng nguồn lực của nền kinh tế, chủ động kiểm soát bội chi, thực hiện phân bổ ngân sách gắn với các ưu tiên trung hạn của nền kinh tế… Từ đó, cơ cấu chi ngân sách có bước chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển (dự toán tăng trên 26% lên 27-28%), giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống 62-63%”, ông Hưng nói.
Tuy nhiên, thực tế, 9 tháng qua, NSNN vẫn bội chi 38.300 tỷ đồng. Khoản chi lớn nhất trong tổng chi NSNN vẫn là chi thường xuyên, chi cho bộ máy nhà nước. PGS Nguyễn Thị Thanh Hoài cho rằng, cơ cấu chi NSNN chưa thực sự hợp lý, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, trong khi tỷ trọng chi đầu tư phát triển lại có tốc độ tăng chậm hơn chi thường xuyên.
“Trong khi thu ngân sách tăng chậm do tác động của yếu tố kinh tế thì việc chi thường xuyên tăng nhanh đã ảnh hưởng lớn đến mức bội chi NSNN, nợ công và khả năng tích lũy từ thu NSNN cho đầu tư phát triển”, bà Hoài cảnh báo.
Còn theo PGS. TS Vũ Sỹ Cường, Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính, Học viện Tài chính, dù hiện nay quy mô nợ công của Việc Nam vẫn được coi là trong ngưỡng an toàn, song với việc duy trì thâm hụt ngân sách nhiều năm ở mức xấp xỉ 5%GDP trong khi hiệu quả chi tiêu công ngày càng kém thì nguy cơ mất ổn định tài khóa không chỉ là cảnh báo.
PGS Vũ Sỹ Cường cho rằng, cần giảm dần và chấm dứt xu hướng giảm chi đầu tư, đặc biệt ở cấp trung tương, cải thiện về lập ngân sách đầu tư bằng cách quan tâm nhiều hơn đến các nhu cầu chi duy tu bảo dưỡng liên quan đến đầu tư, qua đó hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
“Phải rà soát lại các mục tiêu chi tiêu công theo một khuôn khổ chính sách nhất quán hơn, nhằm tạo điều kiện để gắn kết tốt hơn giữa chi tiêu và mục tiêu. Bên cạnh đó, xem xét lại mức độ phân cấp chi đầu tư cho điạ phương gắn với hiệu quả tổng thể kinh tế – xã hội, hạn chế đầu tư dàn trải. Đặc biệt, phải tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình về tài chính ở cấp địa phương, thực hiện nghiêm kỷ luật tài khóa”, PGS Vũ Sỹ Cường khuyến cáo./.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN
Ý kiến ()