Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 19/01/2025 22:18 (GMT +7)
Thứ trưởng Nội vụ: Hãy xóa bỏ rào cản người tài
Thứ 4, 01/03/2017 | 09:42:00 [GMT +7] A A
Từ sự việc Bí thư Thành ủy Hồ Chí Minh lên tiếng phê phán việc tuyển dụng công chức, viên chức “đòi” hộ khẩu cho thấy có vẻ như sự cát cứ vùng miền vẫn đang ăn sâu, bám rễ ở một số địa phương.
Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng những địa phương đó không muốn mở cửa hút người tài mà chỉ muốn dành chỗ cho con cha cháu ông? Việc làm này đúng hay sai và nguyên nhân do đâu? Thứ trưởng Nội vụ Trần Anh Tuấn cho rằng từ sức ép dư luận và các mối quan hệ gửi gắm.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn. Ảnh:Phạm Kiên/TTXVN |
Sức ép và mối quan hệ
Hiện nay vẫn còn không ít địa phương đưa ra điều kiện để tuyển dụng công chức là phải có hộ khẩu ở địa phương đó, điều này có đúng, thưa ông?
Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú trong nước…” và “công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc”. Một nguyên tắc bất di bất dịch của nền công vụ là: mọi công dân Việt Nam đều có quyền và được bình đẳng về cơ hội để dự tuyển trở thành công chức phục vụ nhân dân.
Việc đặt thêm điều kiện phải có hộ khẩu trong tuyển dụng công chức không chỉ vi phạm Luật Cán bộ, công chức mà còn hạn chế quyền Hiến định của công dân, vi phạm điều cấm “lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân” tại Luật Cư trú.
Theo ông, tại sao các địa phương lại tự đặt ra điều kiện như vậy?
Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan.
Khách quan là ở nhiều địa phương, biên chế công chức có hạn nên tạo ra sức ép nhiều từ dư luận và từ các mối quan hệ gửi gắm. Khi tổ chức tuyển dụng thường hay có chuyện nhờ vả, gửi gắm, chạy chọt nên cơ quan tổ chức thi chịu sức ép rất lớn.
Về mặt chủ quan, cơ quan được giao thẩm quyền tuyển dụng chưa thực hiện được nguyên tắc công khai, khách quan, tuân thủ pháp luật trong tuyển dụng công chức. Chính vì vậy, khi bị các sức ép, họ đã đưa thêm những quy định vào điều kiện dự tuyển để giảm sức ép đi, mà không nghĩ rằng các quy định thêm đó đã có một số quy định trái luật, hạn chế quyền của công dân tham gia vào nền công vụ.
Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là cần nghiên cứu khắc phục những tồn tại này, đổi mới phương thức tuyển chọn công chức để lựa chọn được người xứng đáng hơn. Qua đó, thực hiện tốt nguyên tắc mọi công dân đủ điều kiện, tiêu chuẩn đều có cơ hội như nhau dự tuyển vào nền công vụ. Trước mắt, chưa đổi mới được phương thức tuyển chọn thì cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đúng nguyên tắc công bằng, khách quan và tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm.
Rào cản đối với người tài
Như vậy hộ khẩu sẽ là rào cản lớn trên con đường bước vào nền công vụ của người tài và mở đường cho con cha cháu ông?
Việc quy định hộ khẩu không những vô hình trung hạn chế người giỏi, người có năng lực ở các địa phương khác tham gia dự tuyển công chức mà còn dễ bị người ta hiểu theo góc độ lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm. Đây là điều kiện nhằm hạn chế người tỉnh ngoài, tạo cơ hội lớn hơn cho những người trong tỉnh, trong đó có thể có cả người nhà và các mối quan hệ thân thích, nhờ vả của nơi tuyển dụng. Cả họ làm quan hay” con cháu các cụ” cũng từ đấy mà ra. Như thế chưa chắc đã tuyển được những người xứng đáng mà lại tuyển theo các mối quan hệ.
Tôi chắc chắn rằng hộ khẩu không thể và không bao giờ thay cho tài năng được. Việc các địa phương tự đặt ra các điều kiện như vậy không đúng quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của mọi công dân đều có cơ hội như nhau để trở thành công chức. Đấy là điều tồn tại cần phải được khắc phục để thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng là “tuyển người tài chứ không tuyển người nhà”. Hãy xóa bỏ rào cản người tài!
Phải chăng cán bộ, công chức của ta vẫn được hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi nên bằng mọi cách đưa người nhà, thậm chí có hành động trái luật là đặt ra rào cản để ưu tiên cho người nhà vào công chức?
Từ trước tới nay đội ngũ cán bộ công chức của ta không có đặc quyền, đặc lợi gì. Tất cả những vấn đề liên quan đến đặc quyền, đặc lợi, quy định của pháp luật đều đã nghiêm cấm, nếu tự đặt ra là trái luật.
Khi tham gia vào công vụ là xác định để phục vụ nhân dân và phục vụ đất nước. Những người có suy nghĩ vào công chức để kiếm đặc quyền, đặc lợi là sai lầm. Còn nếu nói để làm giàu thì không nên vào công chức mà nên làm doanh nghiệp.
Vậy theo Thứ trưởng, phải xử lý như thế nào đối với những địa phương tự tung, tự tác và về lâu dài, cần có chế tài như thế nào?
Trong điều kiện chúng ta đang đẩy mạnh phân cấp giữa trung ương và địa phương, thực hiện cơ chế ủy quyền, bên cạnh việc giao quyền phải tăng thêm phần trách nhiệm. Để xử lý khi không làm đúng trách nhiệm, phải có chế tài cụ thể, nếu làm sai phải bị xử lý.
Vấn đề hiện nay là chế tài chưa đủ để xử lý trách nhiệm nên nhiều nơi làm sai chưa bị xử lý. Dù Bộ Nội vụ hay các cơ quản lý nhà nước có đề nghị, nhắc nhở, yêu cầu nhưng các cơ quan, tổ chức làm sai vẫn không sao cả. Vì vậy, cần quy định rõ và đủ chế tài để xử lý trách nhiệm của các đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng mà có sai phạm. Sắp tới cần sửa đổi Luật cán bộ công chức và bổ sung chế tài.
Hiện Bộ Nội vụ đang tham mưu cho Chính phủ sửa Nghị định 24 về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức theo hướng mức độ sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đấy. Nếu vi phạm hành chính thì xử lý kỷ luật hành chính. Nếu cấu thành tội phạm thì truy tố hình sự. Còn sai phạm về kinh tế, phải bồi thường thiệt hại.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Ý kiến ()