Cuộc họp ngay trong ngày nghỉ lễ cũng thể hiện trách nhiệm của Chính phủ, khẩn trương xử lý sự cố nghiêm trọng này, kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Ngay sau khi xảy ra sự cố hải sản chết bất thường, Chính phủ đã vào cuộc, từ việc điều tra nguyên nhân, thu mua cá cho ngư dân, hỗ trợ gạo cho các hộ bị thiệt hại, kiểm soát an ninh trật tự ở các địa phương gặp sự. Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, dù bất kỳ cơ quan tổ chức, cá nhân nào vi phạm pháp luật, đều phải điều tra làm rõ trên cơ sở căn cứ khoa học và xử lý nghiêm.
Theo các địa phương, người dân đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, cá đánh bắt về cũng đã được Nhà nước tiến hành thu mua, nên ngư dân yên tâm ổn định đời sống. Nhiều ngư dân đã tiếp tục ra khơi.
Theo lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, tỉnh đã chủ động quan trắc nước biển và cho thấy các chỉ tiêu đều an toàn, công bố công khai tại nhiều điểm. Vì vậy, ngư dân đã tiếp tục ra khơi bám biển, gần bờ 39% tàu đã ra khơi, xa bờ là 68% số tàu đã ra khơi.
Tại cuộc họp, các địa phương cũng cho biết, có đối tượng xấu lợi dụng tình hình cá chết để kích động, xúi giục người dân, gây bất ổn về an ninh. Đây là vấn đề cần điều tra làm rõ.
Các địa phương cũng đề nghị hỗ trợ ngư dân đã vay vốn tín dụng, cơ cấu thời hạn trả nợ gốc đối với các khoản vay, miễn giảm lãi vay cho ngư vân và các hộ dịch vụ nghề cá; hỗ trợ cho ngư dân tiếp tục vay vốn, vay chuyển đổi ngành nghề…
Với trách nhiệm là cơ quan xác minh nguồn gây ô nhiễm môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đến nay, Bộ đã đặt các công cụ quan trắc tại khu vực Vũng Áng và hoàn toàn có thể kiểm soát mức độ ô nhiễm của vùng biển này. Bộ trường Trần Hồng Hà khẳng định, chất lượng môi trường nước biển ở các tỉnh miền trung hoàn toàn an toàn, có thể tắm và du lịch.
Về câu hỏi mà dư luận quan tâm là hải sản có nhiễm độc không, người dân có sử dụng được không, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, các mẫu hải sản tươi sống ở Hà Tĩnh và Quảng Bình đều an toàn.
Tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, Bộ Y tế đã lấy mẫu nhiều loại hải sản tươi sống do ngư dân đánh bắt về như tôm, cá, ốc, sò, mực, một số loại rau để phân tích thì các chỉ số đều an toàn đối với sức khỏe con người. Riêng các mẫu hải sản ở Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, Bộ Y tế cho biết trong ngày 2/5 sẽ có kết quả. Thông tin này có ý nghĩa quan trọng, giúp thị trường tiêu thụ bình thường trở lại, ngư dân trở lại vươn khơi như bình thường.
Trong khi đó, Bộ NN&PTNT đề xuất cụ thể các giải pháp hỗ trợ ngư dân, đó là hỗ trợ gạo trong hai tháng cho ngư dân 4 tỉnh chịu thiệt hại nặng, lượng gạo khoảng 6.000 tấn; hỗ trợ 60 tỷ đồng cho 12.000 tàu đánh bắt xa bờ. Đối với thiêu thụ hải sản, thì nên ưu đãi lãi suất cho các DN, đại lý mua và trữ hải sản, các đơn vị dịch vụ nghề cá.
Cụ thể, Ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 6 tháng, kể từ ngày mua, và việc hỗ trợ lãi suất cần làm ngay từ nay cho đến hết tháng 5. Dự kiến thì tiền hỗ trợ lãi suất từ ngân sách khoảng 20 tỷ đồng.
Về hỗ trợ các khoản vay của ngư dân, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại báo cáo, tổng dư nợ bị ảnh hưởng vì sự cố vừa qua là gần 1.800 tỷ của 7.400 hộ vay vốn. Hiện Ngân hàng ngoại thương Việt Nam đang xử lý theo hướng giãn thời gian trả nợ, Ngân hàng Công thương Việt Nam áp dụng lãi suất cho vay ưu đãi cho các khoản vay mới đối với ngư dân thiệt hại, với lãi suất 6,5 – 6,8%; dài hạn thì từ 7 – 8%/năm.
Ngân hàng NN&PTNT xem xét cho vay mới, thiệt hại lớn do bất khả kháng thì đề xuất khoanh nợ; ngoài ra miễn lãi 1 tháng, ngừng thu lãi 3 – 6 tháng. Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam ngừng tính lãi cho các khoản vay của ngư dân bị thiệt thại từ 3-6 tháng; cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ. Còn đối với Ngân hàng chính sách xã hội, sẽ thống kê thiệt hại, bố trí vốn bổ sung cho vay chuyển đổi ngành nghề.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Đây là sự cố môi trường nghiêm trọng ở 4 tỉnh miền Trung, ảnh hưởng đến đời sống người dân ven biển. Tuy còn một số bất cập, nhưng Chính phủ đã có sự chỉ đạo toàn diện, liên tục, nên cơ bản an ninh trật tự, an toàn xã hội giữ được. Biển đến giờ này đã an toàn hơn, nhất là khu vực xa bở từ 20 – 30 hải lý thì tuyệt đối an toàn. Các địa phương, các ngành đã có nhiều cố gắng trong việc huy động hệ thống chính trị, cử nhiều lực lượng để cùng tham gia tìm hiểu, xử lý tình trạng này.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhắc nhở một số địa phương chậm vào cuộc khi tình huống xảy ra, giải quyết tình trạng địa phương mình. Do một số nguyên nhân, một số bộ, ngành cũng chưa kịp thời công bố kết luận. Sự phối hợp chưa tốt, chưa quan trắc kịp thời. Tình trạng cá chết hàng loạt ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, nhưng do một số người bị kích động, lôi kéo quần chúng làm phức tạp tình hình.
Về những việc làm sắp tới, Thủ tướng chỉ đạo Bộ khoa học – Công nghệ chủ trì phối hợp các cơ quan huy động các nhà khoa học, cần thiết mời chuyên gia quốc tế khẩn trương làm rõ nguyên nhân gây chết thuỷ hải sản, đảm bảo nhanh nhất, khách quan và khoa học. Từ đó, là cơ sở xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân nếu gây tác động xấu đến môi trường.
Đối với Bộ Công An, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương thu thập toàn bộ chứng cứ khoa học, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không phân biệt tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và môi trường tăng cường kiểm tra kiểm soát, rà soát lại, không để tình trạng xả thải ra môi trường. Bộ cũng phải có biện pháp quan trắc hiện đại và chủ động hơn để giám sát môi trường. Bộ phải báo cáo việc đúng sai ống xả thải của Formosa.
Thông tin vui đối với ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67, Thủ tướng quyết định miễn lãi suất trong 6 tháng. Thủ tướng yêu cầu cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng gây rối, kích động. Các ngành chức năng, Bí thư tỉnh ủy các địa phương cần cảnh giác, đảm bảo an ninh an toàn, không để xảy ra mất an ninh trật tự, không để xảy ra tình huống bất ngờ.
Hoan nghênh hình ảnh các bộ trưởng, lãnh đạo các địa phương trực tiếp ăn cá, tắm biển, công bố các chỉ số môi trường trong những ngày qua, Thủ tướng cho rằng, những hành động này đã củng cố niềm tin, động viên người dân, khách du lịch yên tâm sử dụng các sản phẩm thủy hải sản và dịch du lịch.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cơ bản tán thành với các đề xuất hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Thủ tướng đồng ý hỗ trợ 15kg gạo/1 nhân khẩu trong vòng 1,5 tháng với tổng khoảng 4.500 tấn gạo từ ngân sách Nhà nước đối với các lao động dừng hoạt động khai thác thủy hải sản ven bờ và cả người ăn theo; hỗ trợ 60 tỷ đồng cho các tàu ven bờ bị dừng hoạt động do sự cố này. Chính phủ cũng chỉ đạo hỗ trợ 100% lãi suất cho các hộ ngư dân; giảm, khoanh, xóa nợ cho các đối tượng vay theo mức phù hợp trong thời gian này.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Công an kiểm soát chặt chẽ tình hình, xử lý nghiêm minh những kẻ lợi dụng tình hình, gây rối, phá hoại an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, giữ gìn sự bình yên cuộc sống cho nhân dân./.
Ý kiến ()