Thứ Sáu, 24/01/2025 13:30 (GMT +7)

Thủ tướng chỉ đạo giải pháp để được mùa nhưng không mất giá lúa

Thứ 3, 19/02/2019 | 17:40:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ theo kế hoạch Nhà nước giao.

Chiều 19/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với một số bộ, ngành về việc tạm trữ lúa gạo. Thủ tướng nêu rõ, đây là buổi làm việc để bàn giải pháp căn cơ, cụ thể nhằm đẩy mạnh thu mua lúa, giúp nâng giá thu mua và tạo thu nhập tốt hơn cho nông dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trách nhiệm của Nhà nước đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người dân theo quyền hạn và quy định của pháp luật. Do đó, việc có giải pháp để giúp người dân có giá lúa cao hơn, được mùa nhưng không mất giá là cần thiết và đây phải là những giải pháp mang tính thị trường.

Thủ tướng chỉ đạo giải pháp để được mùa nhưng không mất giá lúa. (Ảnh: TTXVN)

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, năm ngoái cả nước xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo và với doanh số 3 tỷ USD. Thông thường thị trường thế giới, mỗi năm có nhu cầu từ 38-45 triệu tấn gạo. Tuy vậy, năm nay nhu cầu chỉ từ 38-40 triệu tấn, do nhiều nước đẩy nhanh tự chủ lương thực. Một thị trường quan trọng khác là châu Âu và Mỹ thì năm nay thời tiết lạnh hơn nên được mùa lúa mì.

Với trong nước, chúng ta đã xây dựng một kế hoạch sản xuất lương thực với diện tích 7,5 triệu ha, giảm 200.000 ha so với năm 2018. Nhưng bằng các tiến bộ kỹ thuật thì khả năng vẫn đạt sản lượng 43,5 triệu tấn, đủ nhu cầu trong nước và vẫn có thể xuất khẩu từ 6-7 triệu tấn gạo. Gạo xuất khẩu chủ yếu là từ vùng đồng bằng sông Cửu Long và hiện vùng đã thu hoạch được khoảng 20%.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cho biết: “Giá lúa chỉ từ 4.200 đồng-4.800 đồng/kg, dù cao hơn giá thành ở mức khoảng 3.500 đồng/kg, nhưng giá thu mua này không phải quá thấp, vì giá thành chỉ khoảng 3.400 đồng/kg, nhưng không cao bằng năm ngoái. Nhưng có điều rất gay là các giao dịch của các doanh nghiệp với người dân ít. Tình hình này dẫn đến câu chuyện những tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, lúa đã chín nhưng không gặt đúng tiến độ được, vì không có giao dịch.”

Trước việc lãnh đạo Tổng Công ty lương thực miền Bắc cho rằng, các doanh nghiệp đang khó khăn trong tiếp cận vốn vì lãi suất cao từ 7-8%/năm, nếu mua tạm trữ sẽ gặp khó khăn, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã rà soát việc cho vay lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp và nông thôn, với lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 6,5%.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đánh giá cao các giải pháp các bộ, ngành, doanh nghiệp nêu ra tại buổi làm việc, Thủ tướng nhấn mạnh đến giải pháp mở cửa thị trường, tìm các thị trường mới để xuất khẩu gạo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tìm thị trường mới, lớn, dài hơi hơn.

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ theo kế hoạch Nhà nước giao, bao gồm 200 nghìn tấn gạo và 800 nghìn tấn thóc. Các doanh nghiệp lương thực Nhà nước thực hiện đúng Nghị định 107/2018 của Chính phủ, theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó. Cùng với đó là tiếp tục thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu 200 nghìn tấn gạo sang Philippines và 100 nghìn tấn sang thị trường Trung Quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Trong bối cảnh mới về toàn cầu hóa và những vấn đề về bảo hộ, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sâu hơn về an ninh lương thực, đề xuất với Thủ tướng khái niệm về an ninh lương thực trong tình hình mới, bao gồm cả yếu tố toàn cầu hóa, sự đa dạng, phong phú, không chỉ lúa gạo mà bối cảnh công nghệ mới mà xu thế các nước sử dụng an ninh lương thực nước họ thế nào? chú trọng yếu tố nâng cao giá trị ra sao? Nhu cầu ăn uống của người dân không bao giờ giảm, mình phải khai thác yếu tố này, tìm thị trường mới. Sắp tới sẽ có hội nghị quan trọng, một số nước có nhu cầu lương thực lớn thì chúng tôi sẽ hướng vào”.

Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp, coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm có đủ vốn thu mua tạm trữ. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và hai Tổng công ty lương thực 1,2 có chủ trương cụ thể, huy động nguồn lực mua kịp thời lúa gạo, với tư cách là vai trò của Nhà nước để làm gương.

Ngay trong đầu tuần tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì họp ngay với lãnh đạo các tỉnh và các cơ quan khác để thúc đẩy mua lúa cho nông dân. Các địa phương có trách nhiệm giám sát việc thu mua lúa để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người nông dân.

Nhấn mạnh việc đảm bảo an ninh lương thực, phát triển lúa gạo còn gắn với ổn định xã hội, gia tăng giá trị và đảm bảo sinh kế cho người dân, Thủ tướng cho rằng, lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường toàn cầu. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phải triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để có gạo ngon, tốt, chất lượng cao, gạo dược liệu, có thương hiệu.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Trong bối cảnh mới về toàn cầu hóa và những vấn đề về bảo hộ, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu sâu hơn về an ninh lương thực, đề xuất với Thủ tướng khái niệm về an ninh lương thực trong tình hình mới, bao gồm cả yếu tố toàn cầu hóa, sự đa dạng, phong phú. Nhu cầu ăn uống của người dân không bao giờ giảm, chúng ta phải khai thác yếu tố này, tìm thị trường mới. Sắp tới sẽ có hội nghị quan trọng, một số nước có nhu cầu lương thực lớn thì chúng tôi sẽ hướng vào”.

Nhân đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm điểm đánh giá, báo cáo Thủ tướng về kết quả hội nghị lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long để tiếp tục giải quyết các vấn đề đặt ra. Thủ tướng nhấn mạnh, không đặt vấn đề có dự trữ bình ổn giá, nhưng Bộ Tài chính phải đảm bảo cơ số dự trữ ngày càng cao đối với một đất nước nhiều thiên tai như nước ta.

Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội lương thực cần nắm tình hình, đề xuất giải pháp kịp thời với cơ quan quản lý, tránh bị động xảy ra, không để trung gian ép cấp, ép giá và có những hành vi không lành mạnh trong thu mua lúa gạo./.

Theo Vũ Dũng/VOV

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu