Thứ Tư, 15/01/2025 23:46 (GMT +7)

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt hoàn thành mục tiêu kinh tế xã hội

Thứ 7, 02/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Kết luận bế mạc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 chiều qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Tinh thần chung của Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ là huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tăng cường kỷ luật kỷ cương, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất mục tiêu đề ra.

thu tuong chi dao quyet liet hoan thanh muc tieu kinh te xa hoi hinh 0
Thủ tướng chủ trì phiên họp

Theo lãnh đạo các bộ, ngành, thì dù khó khăn nhưng dư địa tăng trưởng kinh tế vẫn còn. Đối với sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long mở rộng thêm 25.000 hec ta lúa, rau màu, đồng thời đưa ra biện pháp cắt giảm chi phí sản xuất để tăng hiệu quả. Bên cạnh đó là đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, trong đó có nuôi tôm có hiệu quả cao.

Trong khi đó, Bộ Công thương nhấn mạnh, dù xuất khẩu nửa đầu năm đạt thấp, nhưng vẫn có nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm, đặc biệt là sản phẩm nông sản, thủy sản. Các thị trường tiềm năng là Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, với điều kiện các bộ, ngành, địa phương tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN. Bộ Công thương dự đoán tăng trưởng xuất khẩu cả năm có thể đạt 8,5%.

Để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì đề nghị thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về hợp tác xã, để thúc đẩy HTX phát triển, đồng thời gắn việc phát huy vai trò của HTX trong xây dựng nông thôn mới.

Về công tác đảm bảo an ninh trật tự, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nêu lên tình trạng lo ngại là lượng tiền lớn huy động cá độ bóng đá trong dịp Euro vừa qua. Bên cạnh đó là tình trạng lợi dụng kinh doanh đa cấp để lừa đảo, huy động vốn của người nghèo, tình trạng tín dụng đen vẫn diễn ra phức tạp. Bộ Công an đề xuất Chính phủ, các bộ, cần có cơ chế để vừa huy động được các nguồn tiền này, vừa giảm được nhiều tội phạm. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Tô Lâm cũng nêu lên thực trạng đang có lỗ hổng pháp lý đối với một số hành vi như băng nhóm tội phạm xã hội đen đòi nợ thuê.

Trước khi kết luận về một số giải pháp về kinh tế xã hội cuối năm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương quán triệt một số chủ trương lớn. Cụ thể là quyết tâm xây dựng chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, trong sạch, chống tham nhũng, có kỷ luật kỷ cương, hoạt động với tinh thần phục vụ người dân và DN; tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn để người dân được làm những gì pháp luật không cấm.

Trên tinh thần người dân và DN trực tiếp tạo ra tăng trưởng, Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ của Chính phủ là tập trung cải cách thể chế, định hình nội dung tái cơ cấu để đưa ra giải pháp thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi để người dân và DN tạo ra tăng trưởng kinh tế.

thu tuong chi dao quyet liet hoan thanh muc tieu kinh te xa hoi hinh 1
Thủ tướng kết luận phiên họp

Thủ tướng cũng nêu rõ, Chính phủ và các bộ ngành đã tập trung nhiều hơn vào nhiệm vụ xây dựng thể chế, luật pháp, cơ chế chính sách, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Tinh thần là Chính phủ phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương, cởi trói cho sự phát triển.

Trên tinh thần tập trung cải cách thể chế, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường trách nhiệm thực thi: “Tăng cường minh bạch và trách nhiệm thực thi, hạn chế tối đa tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho trong tất cả các lĩnh vực, chống lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm. Đẩy mạnh xã hội hóa, những gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm, thay vì Nhà nước làm. Khu vực DN Nhà nước phải ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn. Coi khu vực kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của tăng trưởng, tạo việc làm mới. Các ngành y tế, giáo dục, văn hóa, khoa học công nghê, các địa phương đều phải có đề án xã hội hóa, tìm nguồn từ người dân và doanh nghiệp”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh, người đứng đầu các bộ ngành, địa phương phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, không đùn đẩy trách nhiệm lên cấp trên. Cần có sự phối hợp để giải quyết công tác liên ngành.

Về kinh tế 6 tháng đầu năm, Thủ tướng nhận định, kinh tế trong nước chịu nhiều tác động từ tình hình thế giới, trong đó có các yếu tố biến động đã được các tổ chức quốc tế dự báo. Còn về tình hình trong nước, lần đầu tiên Việt Nam chịu thiên tai, hạn hán nghiêm trọng nhất trong 100 năm qua. Phía Bắc thì tình trạng rét đậm rét hại khiến hàng nghìn gia súc chết. Chính điều đó khiến sản xuất nông nghiệp sụt giảm. Đó là nguyên nhân quan trọng khiến kinh tế nửa đầu năm chỉ tăng trưởng 5,52%.

Trong khi đó, nền kinh tế vẫn còn nhiều điểm yếu. Các hoạt động tái cơ cấu mới thực hiện bước đầu. Đặc biệt là chưa giải quyết hiệu quả một số điểm nghẽn cốt lõi nhất. Tình trạng lãng phí, nợ xấu, nợ công tiêu cực luôn đe dọa sự phát triển.

Ngoài nguyên nhân khách quan, Thủ tướng nhấn mạnh, sụt giảm kinh tế đầu năm có cả nguyên nhân chủ quan đó là điều hành. Do đó quyết tâm của Chính phủ là hành động quyết liệt, ưu tiên xử lý cá điểm nghẽn, tái cơ cấu nền kinh tế thực chất, tạo lập nền tảng vững chắc cho phát triển dài hạn, và trước mắt chưa điều chỉnh các chỉ tiêu kinh tế xã hội.

Về mục tiêu kinh tế năm nay, Thủ tướng khẳng định, với nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân, thì có thể vẫn đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Thủ tướng đánh giá, kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn có thuận lợi, như các tỉnh, thành là trung tâm kinh tế lớn đều tăng trưởng khá.

63 tỉnh thành đều có quyết tâm cao, trong đó 58 tỉnh đạt dự toán thu ngân sách. Cùng với đó, công nghiệp chế tạo giữ được đà tăng trưởng. Điểm sáng 6 tháng đầu năm thu hút FDI tăng mạnh. Tổng vốn FDI thực hiện ước đạt 7,25 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Tổng vốn FDI đăng ký ước đạt 11,28 tỷ USD, gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đưa ra một số chủ trương mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó có ban hành các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ tháo gỡ môi trường đầu tư kinh doanh, hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư sửa đổi và Doanh nghiệp sửa đổi, phù hợp tinh thần cởi trói cho sản xuất. Dù khó khăn Chính phủ cũng đã quan tâm đến an sinh xã hội. Thủ tướng đã chỉ đạo xuất ra 90.000 tấn lương thực hỗ trợ lương thực cho các vùng hạn hán.

Để đạt được các mục tiêu kinh tế xã hội năm nay, Thủ tướng chỉ đạo tăng cường cải cách thủ tục hành chính, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cấp bách của mọi bộ, ngành địa phương, cơ quan đơn vị.

Cụ thể, là chấn chỉnh vi phạm, nhất là xâm phạm tài sản công, sử dụng ngân sách Nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, phá rừng, đào đãi khoáng sản trái phép… Nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm toàn diện về kết quả hoạt động của cơ quan mình.

Để thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng chỉ đạo 4 giải pháp cụ thể:

Thứ nhất là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Nghị quyết 01, 19, 35 của Chính phủ. Thứ hai là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư. Tập trung hỗ trợ nông dân khôi phục sản xuất nông nghiệp, nhất là vụ 3, đặc biệt các tỉnh ĐB Sông Cửu long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất không chỉ để tăng trưởng mà là cơ sở để ổn định xã hội, an sinh xã hội. Tận dụng và mở rộng các thị trường xuất khẩu và tiêu dùng thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ đạo các bộ chỉ đạo, điều hành chủ động linh hoạt, đảm bảo hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Nhiệm vụ quan trọng nữa mà Thủ tướng nhấn mạnh là giải quyết được bài toán nâng cao năng suất, hiệu quả, nâng sức cạnh tranh.

Từng bộ, địa phương phải có chương trình hành động cụ thể, phù hợp đối với nhiệm vụ tái cơ cấu. Cùng với đó là thúc đẩy khởi nghiệp. Khởi nghiệp phải là nhiệm vụ trung tâm Hà Nội và TP HCM và các tỉnh khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương về khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn và báo cáo Chính phủ về công tác này.

Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các địa phương, bộ ngành nhiều giải pháp cụ thể khác để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, đạt mục tiêu đề ra của năm nay./.

 

Vũ Dũng/VOV1

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu