Thứ Tư, 15/01/2025 06:09 (GMT +7)

Thủ tướng lo ngại Hà Nội sẽ trở thành một TP tắc nghẽn, ô nhiễm

Thứ 7, 04/06/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Sáng nay (4/6), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Hà Nội với chủ đề: Hà Nội 2016 – Hợp tác đầu tư và phát triển, với sự tham dự của hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, và lãnh đạo các tỉnh, thành khác.

thu tuong lo ngai ha noi se tro thanh mot tp tac nghen, o nhiem hinh 0
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Đây là hội nghị về doanh nghiệp lớn nhất từ trước đến nay của Hà Nội, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 19 năm 2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016 – 2017, định hướng đến năm 2020. Hội nghị này cũng nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cam kết của Hà Nội tại Hội nghị Doanh nghiệp – động lực phát triển kinh tế đất nước, được tổ chức cuối tháng 4 vừa qua.

Trước hàng trăm nhà đầu tư, lãnh đạo Thủ đô Hà Nội cam kết tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, cải cách mạnh mẽ hành chính. Hà Nội sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông lan tỏa từ trung tâm ra ngoại vi, như cải tạo quốc lộ 1 cũ, đường 6, các đường vành đai, giảm ùn tắc giao thông.

Cùng với đó là đầu tư hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; xây dựng mới 25 công viên, hệ thống cấp thoát nước; triển khai các đô thị vệ tinh, mở rộng sân bay Nội Bài; khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường, xây dựng các bệnh viện chất lượng cao, hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế.

Theo tính toán, từ nay đến năm 2020, Hà Nội cần huy động 2,6 triệu tỷ đồng cho các dự án. Theo đó, ngân sách chỉ đầu tư hạ tầng kỹ thuật đặc thù, còn lại huy động nhà đầu tư trong và ngoài nước. Thành phố kêu gọi các dự án theo hình thức TPP, đầu tư kết cấu hạ tầng, an sinh xã hội; nhà ở xã hội; công nghệ phụ trợ, công nghệ cao, công nghệ xanh và nhiều lĩnh vực khác.

Tại Hội nghị này, Hà Nội đã mời gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào 52 dự án theo hình thức TPP từ nay đến năm 2020, với tổng vốn trên 338.000 tỷ đồng. Điển hình là Dự án Cầu Tứ Liên và đường phụ trợ với số vốn 17.000 tỷ đồng; Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 với 2.500 tỷ đồng; cải tạo quốc lộ 6 với 5.000 tỷ đồng; tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 5 với trên 65.000 tỷ đồng. Nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao tại Sóc Sơn với số vốn 9.000 tỷ đồng…

thu tuong lo ngai ha noi se tro thanh mot tp tac nghen, o nhiem hinh 1
Toàn cảnh hội nghị

Với góc nhìn của nhà đầu tư, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết, doanh nghiệp rất kỳ vọng khi đầu tư vào Hà Nội. Nếu Hà Nội quyết tâm, đến năm 2020 sẽ có trên 380.000 doanh nghiệp, góp phần quan trọng vào mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp của cả nước vào thời điểm đó. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề doanh nghiệp mong muốn Hà Nội đẩy mạnh tháo gỡ.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, Hà Nội cần tập trung cải thiện thủ tục hành chính thuế, đất đai, bảo hiểm xã hội. Theo khảo sát, 45% nhà đầu tư cho rằng thủ tục thuế còn phiền hà; BHXH có 42%, đất đai là 36% số doanh nghiệp cho rằng còn phiền hà. Các doanh nghiệp đề nghị Hà Nội quyết liệt giảm thanh tra, kiểm tra trùng lắp. 30% doanh nghiệp trên địa bàn cho biết đã phải tiếp nhận các cuộc kiểm tra trùng lặp, các cơ quan kiểm tra không sử dụng kết quả của nhau.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, Thủ đô Hà Nội, trái tim của cả nước, có tầm nhìn đến năm 2050, hội tụ mọi tiềm năng và cơ hội phát triển, trở thành Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, có lợi thế phát triển mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, để làm được điều đó, lãnh đạo và nhân dân Hà Nội phải quyết liệt chống trì trệ, tạo môi trường đầu tư tốt, bộ máy chính quyền năng động, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Hà Nội quán triệt tinh thần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ liêm chính, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin cho trong tất cả các lĩnh vực… Vấn đề gì thị trường làm tốt hơn thì để thị trường làm. Khu vực doanh nghiệp nhà nước phải ngày càng nhỏ đi và hiệu quả hơn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo Hà Nội cần làm nhiều việc để trở thành trung tâm khởi nghiệp của cả nước.

Thủ tướng nhấn mạnh:Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước. Muốn như vậy, chính quyền thành phố phải thực sự cầu thị, sẵn sàng đổi mới, sẵn sàng chấp nhận cái mới, có nhiều sáng kiến khuyến khích, hỗ trợ để những mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp sáng tạo mới nhanh chóng phát triển ở Hà Nội thay vì phải thành lập ở nước ngoài để thoát khỏi gánh nặng thủ tục hành chính của chúng ta”.

Đặt vấn đề Hà Nội muốn trở thành thành phố khởi nghiệp là định hướng đúng và chính đáng, Thủ tướng gợi ý Hà Nội tạo môi trường kinh doanh khuyến khích đầu tư khởi nghiệp, xây dựng phát triển nguồn nhân lực khởi nghiệp; hành động của lãnh đạo thành phố; kế hoạch thực hiện cụ thể…

Đối với xây dựng chính quyền điện tử của Hà Nội, Thủ tướng lưu ý áp dụng tối đa công nghệ thông tin vào phục vụ doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính cũng như xây dựng hệ thống quản lý thông tin, để lãnh đạo thành phố có thể theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời cũng như đảm bảo thực hiện nghiêm túc các cam kết với doanh nghiệp, người dân.

Hà Nội thông qua công nghệ thông tin, khái niệm minh bạch sẽ tốt hơn. Làm sao cần tạo được động lực để từng đơn vị, từng cán bộ phục vụ người dân. Như thí điểm áp dụng chương trình chấm điểm của người dân và doanh nghiệp ở một số cơ quan, quận, huyện trên địa bàn thành phố, hoặc có cơ chế ghi nhận, khuyến khích kịp thời, thích đáng với các cơ quan, cán bộ làm tốt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm.

“Xây dựng năng lực hệ thống, tạo được động lực làm việc chính là nền tảng quan trọng để thực hiện sự đổi mới, cải cách kinh tế- xã hội và kết quả mới bền vững, lâu dài”, Thủ tướng cho biết.

Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ, Hà Nội là điểm đến quốc tế quan trọng, với nhiều dự án FDI công nghệ hiện đại đang và sẽ đầu tư trên địa bàn. Vấn đề đặt ra là cần nâng cấp nền kinh tế, nâng cấp các doanh nghiệp trong nước thông qua sự kết nối, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài. Hà Nội cần phát triển trong mối liên kết vùng, để mở rộng không gian phát triển, cộng hướng những lợi thế sẵn có.

Thủ tướng cho rằng, Hà Nội là một trong những thành phố đẹp nhất của cả nước, nhưng vẻ đẹp đó đang dần dần mất đi trong quá trình đô thị hóa ồ ạt. Nếu không có giải pháp thỏa đáng, Hà Nội sẽ trở thành một thành phố tắc nghẽn, ô nhiễm, như một số thành phố trong khu vực Đông Nam Á./.

Vũ Dũng/VOV

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu